Chúa Nhật II Phục Sinh
SỨC MẠNH PHỤC SINH
Fr. Jude Siciliano, OP. 

Thưa quý vị.

Tôi để ý từ Chúa Nhật này tới lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống vào giữa tháng 5, các bài đọc I đều trích từ sách Tông đồ Công vụ. Như thế cuốn sách được trích đọc rất nhiều. Nhưng suy niệm và rao giảng chẳng được bao nhiêu! Vậy thì tại sao chúng ta không dành một ngày cho cuốn sách quan trọng này? Tôi hy vọng chúng ta đồng ý hôm nay suy niệm về nó.

Ðiều nổi bật nhất Trong Tông đồ Công vụ là tính đoàn kết của cộng đồng các tín hữu tiên khởi. Ðời sống của họ còn thách đố chúng ta mãi tới hôm nay. Ðó là một cộng đồng thẩm nhận mà tiên tri Isaia đã nhìn thấy từ 6 thế kỷ trước (chương 56). Dân Israel đổi mới này sẽ đón nhận mọi người nam nữ, già trẻ, trai gái, giàu nghèo, ngoại kiều, vô lại v.v. Công lý là tính tiêu biểu của cộng đồng như tiên tri Isaia đã loan báo. Tất cả mọi thành viên, giàu nghèo, sang hèn cùng nhau chia sẻ của cải vật chất, cùng đồng bàn trong một thời đại mới của cách sống hoàn toàn mới. Trong cộng đồng, những biểu hiện của tính hiệp nhất, thương yêu được mọi thành viên trân trọng. Triều đại Thiên Chúa đã khởi sự. Một cộng đoàn tin Chúa Kitô phục sinh chẳng thể sống khác được ! Như vậy bài đọc hôm nay cho hay cuộc sống hàng ngày của các tín hữu phải làm sao trong các sinh hoạt cầu nguyện, ăn uống, lao động để được gọi là cộng đồng thương yêu, có Chúa cùng hiện diện (câu 42).

Từ "Koinonia" (hiệp thông, cộng đoàn) xuất hiện nhiều nhất trong sách Công vụ Tông đồ. Các Tín hữu tiên khởi luôn cố gắng lôi kéo những người chung quanh gia nhập cộng đoàn, bằng nghi lễ khai tâm gọi là Thánh tẩy. Họ đánh giá cao tính hiệp nhất để đáp ứng ước vọng của Chúa Giêsu (Ga 17,11). Mặc dầu những khác biệt có khi rất lớn, Chúa Thánh Thần vẫn liên kết họ hiệp nhất trong tinh thần và thể xác. Họ ý thức phải sống chung với nhau như một cộng đồng để dễ bề phục vụ nhau : "Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung (2,44)". Tác giả Raymond Brown, nghi ngờ sự hiệp nhất này và có ý kiến rằng "Việc để mọi sự làm của chung" chỉ là sự phóng đại của Thánh Luca. Sự để mọi sự làm của chung, nếu có, chỉ xảy ra cho một nhóm nhỏ các người Do thái tân tòng. Họ tin rằng Chúa sắp trở lại, thời kỳ cuối cùng sắp tới, cho nên mọi sự giàu sang đều là vô nghĩa. Của cải vật chất đã mất hẳn sức lôi cuốn trước viễn tượng Chúa trở lại !

Tuy nhiên đó chỉ là suy đoán cá nhân, không phải là ý kiến phổ thông của các nhà chú giải, dầu nó có hợp lý đi nữa, nhưng không có bằng chứng nào nâng đỡ, cho nên chẳng buộc ai phải chấp nhận hay phủ nhận, bản văn vẫn là bản văn. Một điều rõ ràng là trong sách Công Vụ, những người không có quyền lực bây giờ được Thánh Thần ban cho quyền lực. Xin nhớ trong ngày lễ Ngũ tuần, những tín hữu này đã được gọi lầm tất cả là người Galilê : "Những người đang nói đó, không phải là người Galilê cả ư ? (2,7)". Mà người Galilê về mặt tôn giáo cũng như xã hội vẫn được đánh giá là hạng thấp hèn trong con mắt của cơ chế đền thờ. Thế nhưng, lúc này, chính những người Galilê đó lại được Thiên Chúa ban ơn, dám hiên ngang rao giảng cho các học giả uyên thâm và các cấp lãnh đạo tài giỏi. Toàn thể thế giới định chế cổ truyền bị đảo ngược : Khôn thành dại, dại thành khôn, uyên bác thành ngu đần, và ngu đần thành uyên bác… Tất cả đều do sự có mặt của một cộng đồng mới, tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu. Những người xưa nay bị coi là ngoài rìa xã hỗi, nay trở thành trung tâm, quan trọng, và những ai quan trọng ra rìa.

Cho nên không thể tránh khỏi áp bức, bách hại. Cộng đồng tin kính Ðức Kitô không thể được yên ổn. Ðó là điều Công Vụ nói đến kế tiếp. Stephanô đã bị lôi ra ngoài thành Giêrusalem ném đá. Dầu vậy cộng đồng vẫn cứ lớn mạnh. Họ vẫn thu hút anh em đồng bào tin cậy vào Ðức Kitô. Các cơn bách hại chỉ như các trận bão lớn, tung vãi hạt giống Ðức tin ra khắp miền Tiểu Á. Thánh Luca thỉnh thoảng dừng các trình thuật của ngài lại, để ghi nhận về con số ngày càng lớn mạnh của Hội Thánh tiên khởi (2,41-47.6,7). Nhờ việc các Tông đồ hằng thực hiện các phép lạ như Ðức Kitô đã làm khi Ngài còn sống "Nhiều việc diệu kỳ và dấu lạ của các Tông đồ…" mà các thành viên của cộng đồng cảm nghiệm được rằng Chúa Giêsu không hề rời bỏ họ. Ngài còn luôn hiện diện với họ. Họ chăm chỉ nghe giáo huấn các Tông đồ, cầu nguyện nơi đền thờ và dự lễ bẻ bánh ở nhà. Chẳng phải vì hoài niệm Ðức Kitô mà thôi. Nhìn lại phía sau để tưởng nhớ những thời gian đã qua. Họ cũng nhìn về phía trước, cử hành ngày Chúa sống lại, dự Agapê chung với nhau trong viễn tượng hy vọng ngày nào đó họ cùng dự tiệc với Ðức Kitô trên nước trời.

Ðọc Tông đồ Công vụ, chúng ta có chút cảm giác bình an, thanh thản, và cũng có kiến thức về cuộc sống cộng đoàn mà Chúa Kitô phục sinh đã quy tụ. Cộng đoàn này khá hoàn hảo, cùng nhau chia sẻ của cải, tài năng và phụng vụ. Các thánh Tông Đồ tiếp tục thực hiện những dấu lạ và kỳ quan như Chúa Giêsu đã làm. Suy nghĩ sâu hơn chúng ta có thể nhìn ra những "Phép lạ" như thế trong Hội Thánh và trong các cộng đồng tín hữu ngày nay. Có lẽ Thánh Luca đã dùng giọng văn thanh bình như vậy để khích lệ cộng đoàn của ngài và chúng ta ngày nay hoạt động nhân danh Chúa Kitô. Ngài muốn nói : "Xem đó, đây là một mẫu mực lý tưởng. Anh chị em hãy sống theo mẫu mực đó."

Nhưng tôi lại không dám dùng giọng điệu "cha, chú" trách móc anh chị em trong cộng đoàn rằng " Ngày xưa các tín hữu như vậy đó, còn chúng ta thật quá tệ hại". Sự thực thì thời nào cũng vậy thôi. Họ cũng là người và chúng ta cũng là người. Họ có những vấn đề của họ, và ngày nay chúng ta cũng có những vấn đề của chúng ta. Có lẽ bài đọc II trích từ thơ thứ nhất của thánh Phêrô thực tế hơn : Lá thơ ca ngợi Thiên Chúa vì đức tin chúng ta đã nhận được và hy vọng từ cuộc sống lại của Ðức Kitô. Chúng ta được hân hoan vui mừng nhưng vẫn còn chịu thử thách trăm chiều để đức tin đó được tôi luyện tinh tuyền y như vàng chịu thử lửa để tẩy sạch mọi vết nhơ bẩn.

Tóm lại, các bài đọc từ sách Công vụ của các Chúa Nhật Phục sinh loan báo triều đại Thiên Chúa đang xuất hiện, qua lời rao giảng và việc làm của các môn đệ Chúa Giêsu, qua đời sống chung của các cộng đoàn tiên khởi. Ngày nay, qua đời sống Giáo Hội, triều đại đó luôn luôn tồn tại, dù rằng chúng ta là thành viên hay không, dù rằng chúng ta về phe với những phần tử bị xã hội ruồng bỏ, những hoạn quan, người Galilê, dân ngoại, hay chúng ta về phe với xã hội định chế cũ chối bỏ ơn Phục sinh của Chúa Giêsu. Có thể rằng lý thuyết chúng ta chấp nhận, nhưng việc làm thì không. Ðó là thái độ rất phổ biến hiện nay, kể cả trong hàng ngũ gọi là đạo đức gương mẫu. Chúng ta đứng về phe "phạm thượng" Stêphanô hay hàng ngũ nghiêm chỉnh của tôn giáo truyền thống, ngay cả tên Thiên Chúa cũng phải kiêng không dám nói đến ? Rào cản đã được Ánh sáng Chúa Phục sinh phá đổ. Công vụ đã tuyên bố như vậy bằng nghi thức Thánh tẩy liên kết mọi loại người trong Ðức Kitô và Thần Khí của Ngài.

Nếp sống lý tưởng thánh Luca mô tả trong Công vụ đòi hỏi mỗi người phải có sáng kiến thiêng liêng trong cộng đồng giáo xứ, tu hội. Trên bình diện toàn cầu Giáo Hội cũng phải tỏ ra nhạy cảm với những hoàn cảnh đòi hỏi chứng tá của Chúa Giêsu. Dầu phải hy sinh cũng không thể tránh né. Chúng ta giống hoặc không giống cộng đoàn tiên khởi Giêrusalem ở điểm này, tức sống thế nào cho thế gian nhận biết Chúa đã sống lại. Liệu những người thất học, ngu muỗi, những người bất hạnh, nghèo đói, tàn tật cảm thấy thoải mái vì sự chăm lo của chúng ta? Liệu còn có những người tuy vẫn lui tới nhà thờ, nhưng không hề thuộc về cộng đồng giáo xứ ? Họ vẫn đứng ngoài sinh hoạt của giáo xứ, và giờ kinh lễ là những thời khắc không thuộc nếp sống chung của gia đình họ ? Liệu những nhóm thiểu số, dân di dư, thất nghiệp, các tù nhân, bệnh tật có cảm thấy là thành viên của cộng đoàn ? Chỉ khi nào tất cả mọi người đều được trân trọng, thương yêu, hiệp nhất lúc ấy mới có ơn phục sinh đích thật của Chúa Giêsu. Amen. Alleluia.