Chúa Nhật IV Phục Sinh
NGƯỜI MỤC ĐỒNG
Lm. Nguyễn Ngọc Long

Hình ảnh cậu bé chăn cừu, chăn trâu, chăn bò, canh bầy vịt ngoài đồng là hình ảnh quen thuộc trong xã hội, trong dân gian, đôi khi còn là hình ảnh thơ mộng trong thi ca, văn chương. Nhất là hình ảnh mục đồng chăn chiên, bò, lừa đóng vai trò quan trọng trong khung cảnh ngày lễ Thiên Chúa Giáng Sinh làm người (Lc 2,1-20).

Hình ảnh người chăm sóc đàn súc vật ngoài đồng là hình ảnh thật đẹp, phác họa tình liên đới giữa người và đàn vật, và cũng nói lên sự cần thiết hỗ tương giữa hai bên.

Mối tương quan giữa mục đồng và đàn súc vật có thể phân biệt làm hai: Một người chăm sóc chúng với chủ đích lấy lông, lấy da bán làm đồ quý giá đắt tiền; và một người với chủ tâm nuôi súc cho béo tốt, để bán thịt. Súc vật cần cho cuộc sống kinh tế. Và con người cũng đóng vai trò quan hệ trong việc làm cho súc vật có giá trị kinh tế.

Còn mối tương quan giữa con người với nhau thì sao? Không còn gì thất vọng buồn thảm, nhẫn tâm hơn nữa, nếu một người cảm thấy mình bị bỏ rơi, khi không còn mang lại lợi ích gì cho người khác nữa, hay đã bị lợi dụng vào mục đích tư lợi ích kỷ!

Ai là người cũng có khát vọng được kính trọng yêu mến, được nhìn nhận có giá trị, được trọng dụng. Nếu những khát vọng căn bản này không được đáp ứng, hay bị khinh miệt, con người sẽ rơi vào tình trạng bị khủng hoảng tinh thần, đến độ thành người bệnh hoạn cả tâm thần lẫn thể xác.

Chúa Giêsu ví mình là "mục đồng" chăm sóc đời sống con người. Ngài không làm việc này với chủ đích kinh tế, bán lông, bán thịt. Ngài là người "mục đồng" để ý đến đời sống của con người. Ngài chăm sóc đến những nhu cầu căn bản của đời sống: an vui, hạnh phúc trong tâm hồn, đời sống được no đủ, được bảo vệ: "Ta là mục đồng tốt lành, ta biết chiên của ta, và các chiên của ta biết ta... Ta hy sinh đời sống ta cho đoàn chiên." (Ga 10,14-15)

1. Đi dự tiệc cưới thành Cana, đang bữa ăn chủ nhà hết rượu đãi khách. Rượu là một yếu tố quan trọng cho ngày Vui, ngày cưới của đôi tân hôn. Biết như thế, Ngài thông cảm với họ lúc khó khăn, liền làm phép lạ biến nước thành rượu ngon, và tặng họ dư thừa. Ngài đã cứu danh dự cho đôi tân hôn và gia đình hai bên. Ngài đem đến cho họ sự sống và niềm vui. (Ga 2,1-12)

2. Trên đường truyền giáo rao giảng về nước Thiên Chúa, Ngài ra tay cứu độ chữa lành những người bị bệnh phong cùi (Mc 1,40-45), bị tàn tật không đi đứng được (Mc 2,1-12; 10,46-52; Ga 9,1-12), bị câm điếc (Mc 7,31-37; 9,14-29). Ngài mang lại cho họ sức khỏe, niềm an vui. Phục hồi danh dự, nhân vị bị tàn héo vì do bệnh tật gây ra, và bị bỏ rơi khinh miệt.

3. Người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt, và theo luật xã hội bị kết án ném đá, nhưng người "mục đồng" Giêsu không lên án chị ta. Trái lại Ngài đối xử với chị với tấm lòng bao dung, nhân bản. Ngài ban ơn tha thứ những tội lỗi chị đã vấp phạm. Lời ban ơn tha thứ của Ngài mang lại cho chị niềm hy vọng, trả lại nhân vị sống làm người. Ngài đã cứu đời chị. (Ga 7,53-8,11).

Chúa Giêsu tự nhận: "Ta là người mục đồng tốt lành" (Ga 10,11). Lời xác quyết này muốn nói lên: "Tôi quan tâm đến đời sống tâm hồn con người. Nỗi băn khoăn lo âu đè nặng tâm hồn họ, là băn khoăn của tôi. Tôi muốn giúp họ thoát khỏi gánh nặng nầy." Và tên Giêsu có nghĩa: Thiên Chúa, Đấng chữa lành, Đấng cứu độ, Đấng làm mọi sự nên hoàn chỉnh.

Chúa Giêsu là Mục đồng chăm sóc đời sống con người. Ngài không nhắm đến lợi nhuận, nhưng quan tâm đến nhân vị của họ.

Những người tin theo Ngài, là môn đệ của Ngài, cũng phải sống là nhân chứng cho lòng bao dung tha thứ. Mang bình an, niềm vui, niềm hy vọng đến cho đồng loại.