Thứ sáu tuần thánh - Năm A
BI KỊCH THẬP GIÁ
 

A. TÂM LÝ TỘI ÁC:

1. Tiền bạc

Tiền bạc đã làm cho một Giuđa trở thành kẻ hư hỏng, ”kẻ bán” đứng Thầy mình, khi mà nó đứng vai “ông chủ”

Lịch sử đổ vỡ của con người, của các chế độ xã hội đã từng phải trải qua những bài học đắt gía khi tiền bạc trở thành mục tiêu cho những vụ “đục khóet”công quỹ, bòn rút, hối lộ, tham nhũng. Mánh lới của ma quỷ luôn có những tác dụng rất tích cực trong việc làm băng họai con người nhờ tiền bạc.

Lòng tham của con người luôn là “chiếc thùng không đáy” Ai cũng thích tiền, ngay cả người gìa cả lẫn “trẻ ranh”

Tính ích kỷ sẽ “làm biến chất” con người “Nó tìm dịp thuận tiện để nộp Người”

Ca dao tục ngữ vẫn còn đó: “Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết tiền hết bạc hết ông tôi”

2. Bỏ vạ, cáo gian, chụp mũ “đồ phản động”

Con người thường lọai trừ nhau bằng những “lời vu khống”, nói xấu, thêm bớt..

Ngay cả những con người được mệnh danh là “mẫu nghi”của xã hội Do Thái: luật sĩ, tiến sĩ, biệt phái. . cũng không thóat khỏi “cái thói tầm thường” đó của con người.

Bỏ vạ, cáo gian, mánh khóe, thủ đọan…tất cả không hề thiếu trong việc kết tội Chúa.  

“Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”

“Chụp mũ”: mánh khóe của hạng tiểu nhân thường dùng ở mọi thời đại.

Tiền bạc, đàn bà, chính trị : đó chính là “những điểm hết sức nhạy cảm”mà con người thường dùng để hạ bệ nhau. Để kết án Chúa, người Do Thái vu khống Chúa về tội âm mưu làm phản. Họ không thể bắt bẻ Chúa về yếu tố : đàn bà và tiền bạc được.

Tâm lý con người thường thích nghe những điều xấu (thường ở nơi bóng tối hoặc ở nơi bí mật !) làm những điều ngược chứ không thích bênh vực cho cái tốt, nhất là những điều đó không có lợi cho mình.

3. Tha Baraba, giết Giêsu!

Con người thường thích hướng chiều về sự dữ, bênh vực cho tội ác.

Chuẩn mực đạo đức của con người ngày càng hư hỏng, xuống cấp.

Không ai muốn đứng lên bênh vực sự thật chỉ vì “sợ bị liên lụy”, “sợ bị phiền tóai”, “sợ bị quấy rầy”. Khi tội ác lên ngôi, lương tâm trở thành món hàng rẻ mạt.

4. Người ta vẫn thường bảo  “bạc như dân, bất nhân như lính, ”

Yếu tố dân chúng là yếu tố “bấp bênh nhất” “tráo trở nhất” “vô ơn nhất”

Sự thật rất phũ phàng, khi mà trước đó, chưa lâu, dân chúng được ăn uống thỏa thích, chứng kiến bao phép lạ nhãn tiền. . Nhưng rồi, cũng chính họ lại hô to khi bị người khác xách động, xúi giục “Hãy đóng đinh nó vào thập gía” “Máu Nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi”. Miệng lưỡi thế gian, tâm địa độc ác của con người là những “nhân chứng lừa gạt, kẻ hai mang”

Thật đau đớn và ê chề cho lòng người tráo trở.

B. TÌNH THƯƠNG THIÊN CHÚA:

1. Trung tín đến cùng và không lọai trừ ai, kể cả kẻ ác nhân và người vô ơn.

Chắc chúng ta không thể nào tìm thấy được ở đâu sự thủy chung, lòng trung tín, tình thương đến “cuồng dại” ngọai trừ Chúa. Trong tình thương của Ngài, không có ranh giới của kẻ thù và “người nhà”, luôn “đủ chỗ” cho mọi người, không phân biệt và lọai trừ. Mặc cho tội lỗi con người “đỏ thẫm như máu”nhưng lòng nhân hậu của Chúa còn siêu vượt trên tất cả.

2. Tha thứ tất cả, yêu thương tất cả.

Trong tình thương của Chúa, không có từ ngữ “lọai trừ”, chấp nhất hoặc “để bụng” “Ngài chậm giận, giận trong giây lát, nhưng thương yêu suốt cả một đời”. Nơi trái tim, từ vết thương rộng mở, Ngài muốn đón nhận tất cả mọi người biết thành tâm thống hối và mau mắn trở lại với Ngài. Mọi người đều “ có chỗ” trong tình thương của Thiên Chúa, rất riêng và trọn vẹn.

3. Mang lại hiệu qủa là ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho con người.

“Ai đến với Ta, sẽ có sự sống đời đời” Không ai trên đời, không hãng bảo hiểm trần gian nào dám cả quyết và ban cho con người sự bảo đảm tuyệt đối đó. Nơi Chúa, con người có được sự bảo đảm tuyệt đối cho chính sự tồn tại và hạnh phúc thực sự của mình. Nơi Ngài con người có được sự an tòan tuyệt đối, thứ mà trần gian không thể trao tặng được.

C. VIỄN ẢNH CUỘC ĐỜI:

1. Thiên Chúa mãi mãi chờ đợi con người trở lại với tình thương của Ngài.

Thiên Chúa, có một cái gì đó thật khác biệt, rất đặc biệt, “trên cả tuyệt vời” như tình thương một người cha trong Tin Mừng chờ đón đứa con thứ vong ân, bạc nghĩa, trác táng trở về. Ngài yêu thương và tha thứ tất cả mà không cần phải “xét lý lịch” ngỗ nghịch và đầy bất trắc của riêng ai “Chúng ta ăn mừng vì con Ta đây đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy”(Lc, 15, 1-32)

Xin cho mỗi người chúng ta đừng là “kẻ bạc tình”

Xin cho mỗi người chúng ta đừng là “kẻ vô ơn”

Xin cho mỗi người chúng ta đừng “là kẻ đứng ngòai, lạc lòai, bị xua đuổi”

2. Những kinh nghiệm “thật người” trong bi kịch thập gía để lại cho chúng ta những bài học cũng “thật người”:

Con người không phải là “chỗ dựa an tòan”, ngay cả đối với những người “thân thiết nhất”

Những cơn cám dỗ của ma quỷ ngày xưa, hôm nay cũng vẫn luôn là sức mạnh vô song để lôi kéo con người sa ngã, sống xa Chúa, quay lưng lại với tình thương của Chúa. Tiền bạc, danh vọng, lợi lộc.. tất cả chỉ cung cấp cho con người “thiên đàng ảo” và mãi mãi vẫn thế, không thể đem lại hạnh phúc đời đời.

“Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu rỗi”(Gioan 3, 14-21)Hãy tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa, chúng ta có tất cả.

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, thật buồn cho Chúa khi một mình Chúa cô độc đối đầu với tất cả “sự bỉ ổi”, những trò “ma mãnh” của lòng người chúng con. Thập giá, ngoài hình khổ của một tên tử tội, nay còn mang cả sự hổ thẹn, nỗi nhục và vong ân của con người. Bi kịch thập gía vẫn còn đó, đã và đang tiếp diễn mãi trong cuộc đời con người chúng con. Khi mà những mối quan hệ giữa người với người đang bị chà đạp, ức hiếp, nô lệ cho đồng tiền, tích ích kỷ, sự tráo trở, thói lăng lòan đang làm đảo điên tất cả lòng người chúng con. Là người, chúng con đang phải đối đầu với tất cả những sự thật buồn thảm đó. Xin hãy giúp chúng con vượt qua, cùng với Chúa vác thập gía mình hằng ngày, từ bỏ mình hằng ngày, để có thể đi trọn con đường thập gía với Chúa, để cùng được đóng đinh và phục sinh với Chúa. Amen.

 

                   trang suy niệm hằng tuần