Thứ Sáu Tuần Thánh - Năm A
SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA
                              Lm, Gioan, M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Thứ Sáu Tuần Thánh, bầu khí Phụng vụ thật là buồn thảm, bởi vì Chúa đã chết vì yêu chúng ta. Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm cuộc thương khó và cái chết đau thương của Chúa, từ đó chúng ta sẽ thấy có những điểm khác biệt nhau.

 Khi đám đông dân chúng cứ đồng thanh quyết liệt đòi đóng đinh Chúa vào thập giá, thì bên cạnh đó lại có những phụ nữ đi theo an ủi và khóc thương Chúa.

Khi giới lãnh đạo Do Thái đã căm thù vu khống. Họ cho rằng Chúa nói phạm thượng, dám xưng mình là Con Thiên Chúa. Thì đối lại viên sĩ quan người Rôma lại xác tín: “Đúng thực, Người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).

Khi anh trộm dữ thách thức Chúa: “Nếu ông là Đức Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa” (Lc 23, 39). Thì đối lại anh trộm lành lại nói: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42).

Hình ảnh các môn đệ hầu như bỏ Chúa chạy hết, trong khi đó Mẹ Maria và tông đồ Gioan đi theo Chúa đến cùng.

Anh chị em đều biết: Nhìn chỉ thấy, nhưng khi quan sát thì vừa thấy vừa thấu hiểu.

Giới lãnh đạo Do thái, thậm chí các môn đệ chỉ thấy Chúa chết, nhưng họ không quan sát, không biết tại sao Chúa chết?. Trong khi đó, viên sĩ quan người Rôma, Mẹ Maria là những người quan sát biết được lý do Chúa chết. Chính khi quan sát như thế, chúng ta mới cảm nghiệm được tình thương Chúa cao vời biết bao. Chính khi chúng ta suy niệm cuộc thương khó của Chúa, chúng ta mới tìm ra ý nghĩa và giá trị lớn lao của mầu nhiệm Thập giá.

 Nếu trước kia Thập giá là hình phạt ô nhục dành cho tội nhân, thì hôm nay lại trở thành vinh dự và phần rỗi đời đời cho chúng ta: “Vinh dự của chúng ta là Thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14).

 Nếu Thập giá đã từng là bóng hình của khổ đau, của sự chết, thì hôm nay qua Thập giá Chúa, cả nhân loại được vực dậy, được đem đến với nguồn sự sống bất diệt: “Khi nào Ta bị treo lên Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12,32).

 Nếu Thập giá là dấu chỉ của sự hận thù, căm ghét, thì nay lại là biểu tượng của tình thương, của sự quảng đại và tha thứ: “Không có tình yêu nào cao quý và lớn lao hơn cho kẻ hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13).

 Nếu Thập giá là đường dẫn đến đau thương mất mát, chán nản tuyệt vọng, thì hôm nay qua Đức Giêsu Kitô, Thập giá là đường dẫn đến hy vọng vinh quang niềm tin và ánh sáng: “Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng có ánh sáng đem lại sự sống ” (Ga 8,12).

Vì thế, việc theo chân Chúa đến chặng đường Thập giá không chỉ giúp chúng ta đi sâu vào biến cố tử nạn đau thương của Chúa, nhưng còn để hoán cải lòng chúng ta, và làm cho Thập giá trở thành phương tiện thánh hóa, đem lại ơn cứu độ cho mình và cho người khác.

Từ đây, Thập giá sẽ không chỉ đặt lên cao cho chúng ta bái kính tôn thờ, nhưng Thập giá còn là ánh sáng soi dẫn và giúp chúng ta sống hoàn thiện hơn trong tư cách là người môn đệ của Chúa Kitô: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác Thánh giá mà theo Ta” (Lc 9, 23).

Anh chị em thân mến,

Chúng ta suy tôn Thánh Giá, để biết được ác tính của tội đã làm cho Chúa phải chết nhục nhã dường ấy.

Nhờ suy tôn Thánh Giá Chúa, sẽ giúp chúng ta biết được vì ai mà con Đức Chúa Trời phải bầm dập thân xác như vậy.

Và khi hôn kính Thánh Giá, xin cho chúng ta quyết tâm trở về với Chúa, chứ đừng cố tình xúc phạm đến Chúa nữa.

Thánh giá vẫn mãi mãi là biểu tượng của tình yêu. Thánh giá vẫn luôn là lời mời gọi để nhắc nhở cho con người về tên phản bội, kẻ tội lỗi, người vô ơn vẫn luôn tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta.

Thánh giá vẫn luôn có đó, để mời gọi con người nhìn lên đây là bằng chứng tình yêu Thiên Chúa, khi Ngài hiến thân vì chúng ta. Thế nhưng, dù cho tội lỗi đến đâu, thì tình yêu thương và lòng tha thứ của Chúa vẫn phủ lấp được sự yếu hèn tội lỗi của con người.

Chúng ta hãy quan sát Thánh Giá Chúa cho kỹ, nhìn cho sâu, để thấu hiểu tình yêu Chúa cao vời vợi. Cùng với lòng biết ơn, vì Chúa đã chết để cho chúng ta được sống. Xin cho chúng ta cố gắng sống đáp lại tình yêu thương cao vời ấy. Amen.