Thứ Năm Tuần Thánh - Năm A
YÊU ĐẾN CÙNG

                                      Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Một chiều năm xưa cách đây hơn 2.000 năm, tại nước Do thái, trong một căn phòng ấm cúng. Chúa Giêsu thì thầm những lời tạm biệt cho các môn đệ. Trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu đã bộc lộ hết tình yêu thương dành cho các môn đệ ba dấu ấn tình yêu đó là: Ban giới răn mới, lập Bí tích Thánh Thể và thiết lập chức linh mục.

Tất cả những nghĩa cử đó được qui tóm trong một câu mà thánh Gioan đã ghi lại trong Tin mừng là: “Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Thế nào là yêu đến cùng?.

Yêu đến cùng là yêu không tính theo thời gian, cũng không phải là yêu cho đến chết. Nhưng yêu đến cùng có nghĩa là khả năng Thiên Chúa có bao nhiêu, thì Ngài yêu thương hết bấy nhiêu.

Việc đầu tiên yêu cho đến cùng là hạ mình. Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời quyền năng vô cùng làm được mọi sự, nhưng vì yêu thương nhân loại, Ngài đã hạ mình xuống sống với chúng ta là loài thụ tạo thấp hèn.

Ngài là Thiên Chúa giàu có, nhưng vì yêu thương chúng ta mà Ngài đã hạ mình xuống sống nghèo khó. Sinh vô gia cư tử vô địa táng.

Ngài là Đấng thánh thiện, nhưng vì yêu mà đã hạ mình xuống sống với chúng ta là những kẻ tội lỗi. Ngài nói: Thầy không gọi các con là tôi tớ nhưng là bạn hữu. Chúa còn hạ mình hơn nữa là vai đầy tớ rửa chân cho các môn đệ.

Thánh Gioan tả lại: Đang khi dùng bữa, Chúa Giêsu chỗi dậy rời bàn tiệc, cởi áo choàng ra, lấy khăn thắt lưng, lấy nước đổ vào chậu.

 Cởi áo choàng nghĩa là Ngài cởi bỏ địa vị Thiên Chúa. Lấy khăn thắt lưng là Chúa đóng vai đầy tớ. Rồi quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ. Ngài rửa đi những bàn chân còn vương lấm bụi trần tham - sân - si. Ngài rửa đi những ghen tương tranh giành chỗ thấp chỗ cao. Ngài rửa đi những ích kỷ hẹp hòi, để từ nay các ông sẽ trở thành những môn đệ chân chính của Ngài.

Rửa chân xong Chúa nói: “ Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con không?. Các con gọi Ta là Chúa là Thầy thì đúng lắm. Ta là Chúa là Thầy mà rửa chân cho các con, vậy các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Thầy làm gương cho các con, để các con bắt chước gương của Thầy mà làm như Thầy đã làm” (Ga 13, 12-15).

Qua đó, Chúa muốn dạy chúng ta muốn yêu thương phục vụ người khác, thì đừng nghĩ đến địa vị của mình. Hay nói cách khác là ra khỏi tính hẹp hòi ích kỷ của mình, rồi quên mình khiêm tốn phục vụ mới theo gương Chúa được.

  Yêu cho đến cùng là hiến mình. Chúa nói: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng kẻ hiến mạng sống mình cho người mình yêu” (Ga 15, 13) . Việc Chúa cởi áo trong bữa Tiệc ly là hình ảnh báo trước việc Chúa sẽ bị lột áo trên Núi Sọ.

 Việc Chúa hạ mình rửa chân cho các môn đệ, là hình ảnh báo trước việc Chúa bị sỉ nhục trước toà án quan Philalô.

Việc Chúa hiến mình chịu chết trên thập giá là hình phạt dành cho tội nhân. Chúa muốn trở thành thấp hèn nhất trong xã hội để minh chứng tình yêu thương chúng ta. Ngài chết đi để cho chúng ta được sống.

Yêu cho đến cùng là huỷ mình. Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, nhưng đã hạ mình xuống giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, là hạ mình lắm rồi.

Để minh chứng tình yêu, Ngài đã hiến mình chịu chết trên cây thánh giá như tên tử tội, nhưng vẫn còn là con người. Bây giờ Thiên Chúa ấy lại đi đến giới hạn tình yêu cuối cùng là huỷ mình ra không, trở nên lương thực thiêng liêng cho chúng ta ăn vào. Ngài muốn tan biến, muốn nên một, muốn ở lại trong tâm hồn chúng ta.

Chính vì thế, khi suy niệm về Bí tích Thánh Thể, thánh Augustinô nói rằng: “Mặc dầu Đức Chúa Trời quyền phép vô cùng, làm được mọi sự, cũng không làm gì hơn nữa cho con người. Đức Chúa Trời khôn ngoan vô cùng, thông biết mọi sự, cũng không nghĩ ra được gì hơn nữa cho con người. Và Đức Chúa Trời giàu có vô cùng, cũng không biết lấy gì hơn nữa cho con người, bằng cách Ngài lập nên Bí tích Thánh thể, để ở cùng ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Anh chị em thân mến,

Vì yêu thương nhân loại nên Chúa ban giới răn mới. Vì yêu thương con người, nên Chúa ban chính Mình Máu thánh. Vì yêu thương chúng ta, nên Chúa lập chức linh mục. Các linh mục là hiện thân của Chúa Kitô ở trần gian. Vì thế, ở đâu có linh mục, là có Thánh Thể Chúa; ở đâu có Thánh Thể Chúa, là dấu có linh mục.

Hôm nay, tưởng niệm việc Chúa ban giới răn mới, thiết lập Bí Tích Thánh Thể và chức linh mục, tất cả nói lên tình yêu thương nhân loại đến cùng. Xin Chúa ban cho chúng ta cảm nghiệm sâu hơn tình Chúa yêu thương, để rồi chúng ta cố gắng sống đáp lại tình yêu Chúa mỗi ngày. Amen.