CHIA  SẺ 8 : ĐỨC KI-TÔ XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA
 

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói :"Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1 14-15). 

 

            Một trong những điều trọng đại và đầy chất thi ca nhất trong lời rao giảng của Đức Ki-tô đó là Ngài loan tin về "Một Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần". Chúng ta hãy nghe Thánh sử Mát-cô thuật lại sự kiện nầy :

 

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói :"Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1 14-15).

 

Và chúng ta cũng có thể nói được rằng : toàn bộ giáo huấn của Đức Ki-tô liên quan mật thiết đến nội dung "Nươc Thiên Chúa" :

 

- Đức Giê-su bắt đầu loan báo Nước Trời (Mt 3, 1-12).

 

- Hiến chương Nước Trời (Mt 5, 1-7, 27).

 

- Trước hết hãy tìm kiếm Nước Trời (Mt 6, 20).

 

- Tiệc Nước Trời (Mt 8, 11-12; 22, 1-14).

 

- Các dụ ngôn Nước Trời (Mt 13, 1-52; 20, 20-28; 21, 33-      46; 26, 26-29).

 

- Người lớn nhất Nước Trời (Mt 18, 1-4).

 

- Nước Trời là của các em thơ (Mt 19, 13-15).

 

            - Đức Giê-su loan báo Nước Thiên Chúa (Mc 1, 14-15).

 

            - Những người giàu có và Nước Thiên Chúa (Mc10, 17-31) 

 

            - Phải sẵn sàng phục vụ Nước Thiên Chúa (Lc 9, 57-62).

 

- Các môn đệ được sai đi loan báo Nước Thiên Chúa (Lc 10, 9-11).

 

            - Ai sẽ dự tiệc Nước Thiên Chúa ? (Lc 13, 23-30).

 

            - Được tái sinh để vào Nước Thiên Chúa (Ga 3, 1-21).

 

- Những điều kiện để thừa hưởng Nước Thiên Chúa (Ga 5,16-26)…

 

Thế nhưng cái "Triều Đại Thiên Chúa", "Nước Trời","Nước Chúa" đó có nghĩa làm sao ? Muốn hình dung rõ nét, thiết tưởng chúng ta phải ngược dòng trở về cựu ước, theo chân các sứ ngôn để từng bước đi vào huyền nhiệm nầy.

  

I. Cựu ước tiên báo Nước Thiên Chúa :

 

            Trong các sứ ngôn loan báo viễn tượng về một "Triều Đại Thiên Sai", "Triều Đại  Thiên Chúa", có lẽ sứ ngôn I-sa-ia có lối trình bày sống động, giàu chất thi ca và trữ tình nhất. Với các chương 9, 11,  25, 35, 42, 49. I-sa-ia đã hé mở chân dung của "Triều Đại" ấy, của "Nước" ấy được cưu mang trong chính niềm hy vọng của dân Ít-ra-en.

 

"Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nổi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta  hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm (…) Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, Người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời…"  (Is 9, 1-6).

 

"Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng (…) Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất nầy, cũng như nước lấp đầy lòng biển" (Is 11, 1-9).

 

Qua một số các trích đoạn khác của các sứ ngôn Đa-ni-en, Giê-rê-mi-a, hay của Thánh Vịnh…chúng ta có thể đọc thấy một ý nghĩa chung về mầu nhiệm "Nước Thiên Chúa" như sau :

 

* Đó là một "Triều Đại", một "Vương Quốc" do Thiên Chúa trị vì, là lúc quyền năng Chúa được thể hiện, chân lý Chúa bao phủ.

 

* Trong Vương Quốc đó chan hoà sự công chính, yêu thương, vạn vật hoà hợp trong một trật tự an  bình.

 

Chúng ta sẽ dễ dàng tìm gặp những ý tưởng nầy trong chính Kinh Tiền Tụng của lễ Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ :

 

"Khi bắt mọi loài qui phục quyền bính mình, Người trao lại cho Cha là Đấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cửu và vô biên : vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an" 

 

II. Đức Ki-tô đến thực hiện lời tiên báo của cựu ước.

 

v           Đức Ki-tô hiên thực hoá lời tiên báo của các sứ ngôn :

 

Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra gặp đoạn chép rằng :

 

Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

 

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

 

để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…

 

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ :"Hôm nay, đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe".(Lc 4, 17-21)

 

v     Đức Ki-tô là trung tâm của Nước Thiên Chúa : 

 

"Đức Ki-tô là trung tâm của đoàn người được qui tụ trong gia đình Thiên Chúa. Người triệu tập họ quanh Người bằng lời nói, bằng những dấu chỉ chứng tỏ Nước Thiên Chúa đang hiện diện, bằng việc sai phái các môn đệ. Người sẽ làm cho Vương Quốc Người hiển trị bằng mầu nhiệm Vượt Qua của Người : Cái chết trên Thập Giá và Phục Sinh. "Phần tôi, một khi được đưa cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người đến với tôi" (Ga 12, 32). Mọi người đều được gọi kết hợp với đức Ki-tô" (x. GH 3; GLGHCG số 542). 

 

v     Đức Ki-tô loan báo và thực hiện Nước Thiên Chúa : 

 

- Để con người nhận biết chân lý, nhận biết quyền năng cứu độ, Đức Ki-tô đã rao giảng. Toàn bộ sứ điệp của Ngài là kêu gọi con người đón nhận vàgia nhập vương quốc Thiên Chúa (xem trang 67 - 68).

 

- Để người ta hoà hợp, yêu thương, công chính : Ngài qui tụ nhóm "Mười Hai" xung quanh Ngài làm "hạt nhân" để bắt đầu hình thành một "Dân tộc mới", một "đoàn Dân Mới" công bình, thánh thiện, yêu thương.

 

- Để người ta sống hoà hợp, an bình, hạnh phúc…Ngài ra tay làm phép lạ như "dấu chỉ Nước Thiên Chúa hiện diện" :

 

"Nếu tôi nhờ Thánh Thần Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông" (Mt 12, 28).

 

- Và để người ta được cứu độ, được thông phần sự sống vĩnh cửu, Ngài đã chấp nhận làm người phục vụ, hy sinh và tự hiến :

 

"Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc. 10, 45).

 

"Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12, 32; 12, 24).

 

III. Hội Thánh : Khởi điểm và hạt nhân của Nước Thiên Chúa          

 

v     Hội Thánh là khởi điểm của Nước Thiên Chúa :

 

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã trình bày ý nghĩa nầy như sau :

 

"Để chu toàn Thánh ý Chúa Cha, Đức Ki-tô đã khai nguyên nước Trời nơi trần gian" (LG 3). Và đây là Thánh ý Chúa Cha :"Nâng loài người lên tham dự đời sống của Thiên Chúa" (LG 2) bằng cách qui tụ mọi người quanh Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô. Sự qui tụ nầy, chính là Hội Thánh, là "mầm mống và là khai nguyên của Nước Thiên Chúa" trên trần gian (LG 5). 

 

v     Hội Thánh làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên :

 

- Bằng chính con đường của Đức Ki-tô : Khó nghèo, phục vụ, khoan dung, yêu mến, hoán cải… :

 

"Như Chúa Ki-tô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người…"(LG 8)

 

- Bằng chứng tá của Ki-tô hữu, đặc biệt của Người được thánh hiến

 

"Vì thế, tất cả các môn đệ của Chúa Ki-tô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. Cv2, 42-47),họ phải dâng mình làm hy vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12, 1), phải làm chứng về Chúa Ki-tô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát" (x. 1Pr 3, 15) (LG 10).

 

Trong Tông huấn "Đời Thánh Hiến", ĐGH G.P II đã mạnh mẽ xác quyết rằng : "Đời thánh hiến là nhăm để phục vụ vụ Nước Thiên Chúa" (ĐTH số 105) :

 

"Thế gian sẽ ra sao nếu không có các tu sĩ". Vượt qua những định giá phiếm diện căn cứ vào hiệu năng, đời thánh hiến có một tầm quan trọng rõ ràng, bởi vì đó là sự tràn đầy ơn nhưng không và tình yêu. Đời thánh hiến là như vậy bởi vì thế gian đang có nguy cơ bị cơn xoáy của cái phù du làm chết ngạt. "Không có dấu chứng cụ thể của đời thánh hiến, đức ái của Giáo Hội có nguy cơ nguội lạnh đi, cái nghịch lý cứu độ của Tin Mừng mất hết tinh nhuệ, "muối" đức tin hoá nhạt nhẽo trong một xã hội trên đà tục hoá". Đơi sống Giáo Hôi và ngay cả xã hội đều đang cần những người có khả năng hoàn toàn thánh hiến cho Thiên Chúa và cho những người khác vì tình yêu Thiên Chúa" (ĐTH số 105). 

 

IV. Sống thánh hiến : Dấn thân xây dựng Nước Thiên Chúa.

 

v     Bằng cách sống Đức Ái trọn hảo :

 

"Thực vậy, chúng ta cần có những con người biểu lộ dung nhan từ phụ của Thiên Chúa và dung nhan hiền mẫu của Giáo Hội; những con người đó đem đời sống riêng của mình vào cuộc hầu cho nhiều người khác có được sự sống và niềm hy vọng". (ĐTH 105).

 

v     Bằng cuộc sống và hoán cải theo Tin Mừng :

 

"Trong Giáo Hội, cần phải có những con người được thánh hiến, nhờ hồng ân Thiên Chúa, họ tự biến đổi mình và hoàn toàn sống đúng theo Tin Mừng, trước cả khi dấn thân phục vụ vì một lý do cao đẹp" (ĐTH 105).

 

v     Bằng đời cầu nguyện, lắng nghe và sống Lời Chúa :

 

"Chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới có thể lay chuyển được những con người thời đại nầy, họ cũng đang khao khát những giá trị tuyệt đối, và muốn trở thành một chứng tá có sức lôi cuốn" (ĐTH số 93).

 

"Trong đời tu chiêm niệm cũng như trong đời tông đồ, những con người cầu nguyện luôn luôn là những người đã làm nên những công trình lớn lao, bởi họ là những thông dịch viên chính thức của Thánh ý Chúa và bởi họ đã thực hiện thánh ý ấy"… "Việc suy niệm Lời Chúa và đặc biệt suy niệm các mầu nhiệm Chúa Ki-tô,như truyền thống thiêng liêng đã chỉ dạy, là nguồn mạch phát sinh cường độ mạnh mẽ cho sự chiêm ngưỡng và lòng hăng say trong hoạt động tông đồ" (ĐTH số 94).

 

v     Bằng việc ra công kiến tạo sự công chính, yêu thương, hiệp nhất khởi sụ từ cuộc sống cộng đoàn.

 

"Bằng cách liên tục cổ võ tình yêu huynh đệ, nhất là dưới hình thức đời sống chung, đời thánh hiến đã chứng tỏ rằng việc tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những tương quan nhân bản và có thể tạo nên một kiểu mẫu mới của tình liên đới" (ĐTH số 41).

 

v     Tích cực đẩy lùi những biểu hiện của sự dữ : đố kỵ, bất công, thiên vị, ghen ghét, thiếu kính trọng, khó thông cảm, cố chấp, thiên kiến, bất bao dung… Đó chính là việc xây dựng "Đức ái trong đời sống chung" mà Paolo Provera đã nhấn mạnh như là nhân tố quan trọng nhất để có thể "trưởng thành trong đời tu" qua những lời sau đây trong tác phẩm "Thánh hiến cuộc đời" :

 

            "Đời sống tu trì không thể phát triển đầy đủ nếu ta không thực thi dức ái. Thật vậy, những thiếu sót về dức ái gây nên những phiền muộn, những khó khăn và đau khổ, vì đó mà ta cảm thấy đời sống chung ra nặng nề…

 

            Khuyết điểm tha nhân có thể là cớ gây đau khổ và bất lợi; cần phải nhẫn nại, tránh lẩm bẩm, kêu ca, phê bình, phản ứng nhất thời, tính khí bẳn gắt, quạu cọ…tắt rằng, tất cả những gì làm ta lỗi đức ái. Tật ích kỷ của ta đòi mọi người phải thích ứng với ta ; nhưng đức ái lại thúc bách ta thích ứng với mọi người bất cứ lần nào có thể và thuận tiện…

 

Tật ích kỷ xui ta trốn tránh tất cả những gì loài người khinh thị hoặc gây mệt nhọc ; tinh thần công bình mời gọi ta san sẻ gánh nặng đời sống chung một cách bình thản và bác ái.

 

            Phàm ai chọn đời sống tu trì đều nghiệm thấy nơi mình tật ích kỷ vẫn đòi hỏi và bệnh tự ái vẫn lôi cuốn. Nếu ta nhượng

 

bộ chúng thì ta không hề đạt tới mức trưởng thành tu trì. Trái lại, ta phải hăng hái chiến đấu với chúng, cố gắng trung thành với Chúa, với sự dấn thân làm việc để thánh hoá bản thân, ngõ hầu tiến cao mãi trong đời tu trì" (Thánh hiến cuộc đời, trang 285-289)

 

v     Xây dựng cuộc sống thấm nhuần tình thương (nền văn minh tình yêu) : Chăm sóc các phần tử yếu đuối, già lão, đau khổ thể chất cũng như tinh thần, hàn gắn những chia rẽ, xoa dịu các vết thương, mau mắn thực hành hoà giải, tha thứ … 

 

Kết : Để tóm tắt nội dung của đề tài chia sẻ "Chiêm ngưỡng Đức Ki-tô xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa", chúng ta có thể đọc lại những lời sau đây của Hiến chế Giáo Hội để cảm nhận sâu sắc hơn về trách nhiệm của đời thánh hiến trong việc hiệp thông cùng Giáo Hội nỗ lực làm cho Nước Chúa hiển trị :

 

"Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa", Giáo Hội rao truyền cái chết thập giá Chúa, cho đến khi Người lại đến (x. 1 Cr 11, 26). Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh, để toàn thắng các khó khăn và sầu muôn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết". (LG 8)

 

Và có lẽ những lời cầu nguyện của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta sau đây sẽ giúp chúng ta cụ thể hoá những gì vừa suy nghĩ và học hỏi với nhau : "Để chiếu giải tình yêu Thiên Chúa"

 

            Lạy Chúa Giê-su của con,

 

            xin hãy giúp con biểu lộ được

 

            sự hiện diện của Chúa khắp nơi con đi qua.

 

            Xin hãy xâm chiếm hồn con và cả đời con

 

            bằng Tinh Thần của Chúa.

 

            Hãy thẩm thấu vào toàn thân con

 

            và chiêm hữu nó cho thật trọn vẹn

 

            đến nổi cả cuộc đời con

 

            chỉ còn là một sự toả sáng của Chúa.

 

            Xuyên qua con xin hãy làm cho

 

            Ánh sáng của Chúa được lan tỏa

 

            và hãy hết sức ở trong con

 

            đến nổi mọi người con gặp gỡ

 

            đều có thể cảm thấy

 

            sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn con.

 

            Họ cứ ngước mắt lên đi

 

            họ chẳng còn thấy con đâu,

 

            mà thấy Chúa, chính Chúa, Chúa Giê-su của con.

 

            Hãy ở lại với con, Chúa ơi,

 

            rồi con sẽ bắt đầu chiếu sáng

 

            như chính Chúa vẫn tự chiếu sáng.

 

            Hỡi Chúa Giê-su của con,

 

            Ánh sáng sẽ hoàn toàn đến từ Chúa,

 

            và không chút nào từ con.

 

            Chúa sẽ chiếu sáng các tâm hồn xuyên qua con.

 

            Xin hãy làm cho con ca tụng Chúa

 

            theo như Chúa vẫn hằng mong muốn

 

            bằng cách chiếu sáng các tâm hồn.

 

            Xin hãy cho con được rao giảng Chúa,

 

            chẳng cần lời giảng rao

 

            cũng chẳng cần bài thuyết giảng,

 

            nghĩa là chỉ bằng gương sáng,

 

            bằng sức mạnh lôi cuốn của những việc con làm,

 

            bằng ảnh hưởng của tấm lòng dễ mến mà con truyền cảm,

 

            bằng sự tràn đầy hiển nhiên của lòng mến

 

            mà trái tim con đem dâng lên Chúa, Chúa ơi. Amen

 

                        (Cầu nguyện với Mẹ Têrêsa, trang 95-96).

 

 

 N.B : Để giúp suy tư về đề tài nầy, đặc biệt về "Mầu nhiệm Hội Thánh", có thể đọc thêm hai bài suy niệm của Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận, trong "CHỨNG NHÂN HY VỌNG" :

 

            - Bài 15 : Chúa Giê-su sống trong Hội Thánh của Ngài

 

                            Thầy ở cùng các con mỗi ngày

 

            - Bài 16 : Hình ảnh Chúa Ba Ngôi

 

                            Hội Thánh là hy vọng của bạn