CHIA SẺ 6 : ĐỨC KI-TÔ YÊU THƯƠNG
 

"Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác" (1 Cr 7, 34)

 

            Tình yêu, đó là một khía cạnh, một huyền nhiệm sâu xa nhất, tế vi nhất và cũng phức tạp nhất trong kiếp sống con người. Thi sĩ Xuân Diệu đã không lầm khi tự hỏi :

            "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu !

                                                (Trích đoạn bài thơ "Vì Sao").

            Trong cuộc đời Ki-tô hữu, sống huyền nhiệm tình yêu phải chăng là một thách đố lớn lao nhất, gai góc nhất; nhưng cũng cao cả và giá trị nhất. Bởi vì, "Yêu Thương là điều răn mới" được Đức Ki-tô nhấn mạnh cách đặc biệt (Ga 13, 34-35; 15, 12-13), "Đức Mến" là nhân đức cao trọng trên tất cả (1 Cr 13, 1-13). Cách riêng, trong cuộc đời Thánh Hiến, sống tình yêu, sống đức mến, lại được cụ thể hoá, "pháp chế hoá" qua một sự cam kết công khai, một lời Khấn : Lời Khấn Khiết Tịnh.

            Ý nghĩa đặc biệt nầy đã được ĐTC G.P. II nêu bật trong Tông huấn Đời Thánh Hiến :

"Đức khiết tịnh của người độc thân, và của các trinh nữ, như một phương cách biểu lộ sự dâng hiến một con tim không san sẻ cho Thiên Chúa (1 Cr 7, 32-34), tạo nên sự phản ảnh tình yêu vô tận liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa trong mầu nhiệm sâu thẳm của đời sống Ba Ngôi. Tình yêu mà Ngôi Lời Nhập Thể làm chứng cho đến hy hiến cả mạng sống mình; tình yêu đã tràn vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần (Rm 5, 5), là Đấng thúc dục đáp trả bằng một tìnhyêu trọn vẹn dành cho Thiên Chúa và cho anh em" (ĐTH 21).

            Như vậy để giúp mỗi người chúng ta sống phong phú nhân đức "Khiết tịnh", hay tích cực hơn, để chúng ta thanh thản và quảng đại dâng hiến một tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa và anh em, chúng ta phải "cắp sách đi vào mái trường tình yêu " để cùng học yêu" với Vị Thầy vĩ đại của Tình yêu là Đức Ki-tô.

 

I. Đức Ki-tô đã yêu thương và dạy chúng ta yêu.

            Trong "nghệ thuật yêu thương" của Đức Ki-tô, chúng ta cảm nhận được điều nầy : Đó là một tình yêu "trọn vẹn cho Thiên Chúa" và "hết tình cho con người". Phải chăng đó là sự thể hiện trọn vẹn và cụ thể hai điều răn căn bản :"Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Đnl 6, 5; Mt 22, 37); và "ngươi phải yêu người thân cận như chính mình"(Lv 19, 18; Mt 22, 38).

1/. Đức Ki-tô yêu mến Thiên Chúa :

* Tất cả vì Cha, cho Cha, tìm vinh quang Cha, lo cho Cha được vinh hiển :

" Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4, 34). "Điều gì Chúa Cha làm thì Người Con cũng làm như vậy" (Ga 5, 19).

 "Vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng làm theo ý Đấng đã sai tôi" (Ga 5, 30; 6, 38).

"Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi nhưng là của Đấng đã sai tôi" (Ga 7, 16).

 "Lạy Cha, Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho Con làm" (Ga 17, 4).

"Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, một vâng ý Cha" (Lc 22, 42).

 

* Dành cho Thiên Chúa tất cả mà không đòi một điều kiện nào : Thân xác, linh hồn, đắng cay, đau khổ, cuộc đời…

            "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha" (Lc 23, 46).

"Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa đã chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài" (Dt.10, 5-7).

2/. Đức Ki-tô yêu thương con người :

            Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận đã cho thấy "nghệ thuật yêu thương con người" của Chúa Giê-su mang các chiều kích sau :

* Yêu thương trước : "Người đã yêu chúng ta trước" (1Ga 4, 19; Rm 5, 8).

* Yêu thương tất cả mọi người :"Các con hãy là con của Thiên Chúa Cha trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành và kẻ dữ…" (Mt 5, 45).

* Yêu thương kẻ thù :"Nếu các con yêu những người yêu các con…nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi…ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?…Nhưng Thầy bảo các con : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con" (Mt 5, 46-47.44).

*Yêu thương bằng cách hiến chính mạng sống mình :"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu nầy la : hiến chính mạng sống cho các bạn hữu mình" (Ga 15, 13).

*Yêu thương bằng cách phục vụ :"Các con cũng làm như Thầy đã làm" (Ga 13, 15).

(x. Chứng nhân hy vọng, sđd, trang 116-121).

 

II. Từ tình yêu của Đức Ki-tô đến Đức Khiết Tịnh hôm nay:

 

            Xuất phát từ "trường dạy yêu thương" của Đức Ki-tô, nhân đức Khiết Tịnh mà những người được thánh hiến cam kết đón nhận và sống đồng nghĩa với 'Đức Yêu thương".

Cha Marcello de Cavalho Azevedo đã minh hoạ ý nghĩa ấy như sau :

"Không có đức ái, sự trong trắng không có ý nghĩa. Tại sao con giữ mình trong trắng ? - Vì con ích kỷ, không chịu được ai ? - Vì không ai yêu con nổi ? - Hay vì con muốn giữ lòng con để yêu Chúa và yêu tha nhân trọn vẹn hơn ? - Chỉ lý do cuối cùng nầy mới chính đáng"(Tu sĩ, ơn gọi và sứ mạng, Sđd, trang 32).

"Yếu tính của Đức Khiết tịnh là : dọc theo dòng lịch sử, Thiên Chúa đã mời gọi một số người hiến thân trọn vẹn cho Tình Yêu. Họ được Chúa ban ơn có thể yêu Ngài hết lòng, mà không cần phải qua trung gian của tình yêu nhân loại. Họ toả chiếu tình yêu "miễn phí" của Ngài ra chung quanh, và khám phá trong những người khác tình Chúa yêu thương họ" (Sđd, trang 31).

Điều đó có phải là một ảo tưởng không ? Nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay, một xã hội đề cao "tình yêu xác thịt", "tình yêu chiếm hữu", tự do luyến ái, kế hoạch hoá vì mục đích thoả mãn tính dục, ly dị, phá thai…Lịch sử của Hội Thánh suốt hai ngàn năm nay đã minh chứng hùng hồn rằng : đó không phải là một ảo tưởng nhưng là một khẳng định, một hiện thực, một chứng tá đầy thuyết phục và rõ nét. Đức Thánh Cha G.P. II đã nói trong Tông huấn Đời Thánh Hiến :

"Người được thánh hiến chứng thực rằng điều mà đa số xem như không thể được, lại trở nên có thể được và thật sự giải phóng con người, nhờ ơn sủng của Chúa Giê-su.

Đúng vậy, trong Chúa Ki-tô, người ta có thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng khi đặt Ngài lên trên mọi tình yêu khác, và yêu thương mọi thụ tạo với sự tự do của Thiên Chúa. Đấy là một chứng tá mà ngày nay đang cần thiết hơn bao giờ chính bởi vì thế giới rất ít hiểu chứng tá ấy. Chứng tá nầy được cống hiến cho mọi người, cho giới trẻ, cho những người đã đính hôn, cho các đôi vợ chồng, cho các gia đình Ki-tô giáo - để minh chứng rằng : sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể làm những điều lớn lao, ngay giữa những thăng trầm của tình yêu nhân loại" (số 88).

            Chính trên nền tảng nhân bản đích thực đó (yêu Chúa, yêu người), mà trái tim của những người sống đời thánh hiến đích thực luôn nhân từ, rộng mở, cuộc đời luôn toả rạng niềm thanh thản tươi vui, cách ứng xử luôn quân bình, tự chủ :

"Điều cần thiết là đời thánh hiến nêu lên cho thế giới ngày nay những gương sáng của những người nam và người nữ sống đức khiết tịnh mà vẫn quân bình làm chủ được chính mình, có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm (…) Vì được nhận chìm trong mầu nhiệm (Ba Ngôi) đó, con người được thánh hiến có khả năng yêu mến cách triệt để và phổ quát, tình yêu nầy cho họ sức mạnh để tự chủ và kỷ luật cần thiết để không rơi vào ách nô lệ giác quan và bản năng" (ĐTH, số 88).

 

III. Đức Khiết Tịnh, công trình của Chúa Thánh Thần :

            Qua những chỉ dẫn trên, chúng ta hiểu và tin rằng : Người sống đời thánh hiến là những người thuộc về Thiên Chúa và thuộc về anh em trọn vẹn, hết mình trong tình yêu như Chúa Giê-su. Tuy nhiên, chắc chắn không ít lần chúng ta lại phân vân :Làm sao với trái tim nhân loại, với con người mỏng dòn, yếu đuối luôn nghiêng chiều về xác thịt, ích kỷ, đam mê… lại có thể yêu trọn vẹn, yêu cao cả, yêu thánh thiện như thế được ? Xin hãy an tâm. Vì, quả thật, tự sức chúng ta, chúng ta không thể có khả năng để sống khiết tịnh, không có khả năng để yêu thương với kích thước và đòi hỏi của Đức Ki-tô. Nhưng đây là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng được mệnh danh là "Tình yêu của Thiên Chúa", như lời khẳng định của Thánh Phao-lô Tông đồ :

"Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5, 5).

            Đức Thánh Cha G.P. II đã minh giải điều đó như sau :

            "Cũng giống như cả cuộc sống Ki-tô giáo, lời mời gọi sống đời thánh hiến có liên quan mật thiết với tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng, trãi qua hàng ngàn năm, luôn luôn thúc giục nhiều con người mới cảm nhận sức hấp dẫn của việc chọn lựa khắc nghiệt như thế. Dưới tác động của Người, dường như họ sống lại kinh nghiệm của tiên tri Giê-rê-mi-a :"Chúa ơi, Ngài đã khuyến dụ tôi, và quả thực tôi bị dụ" (Gr 20, 7). Chính Chúa Thánh Thần là Đấng khơi dậy niềm khát vọng đáp trả trọn vẹn; Chính Người dõi theo niềm khát vọng tăng trưởng, dẫn đến kết cục bằng câu trả lời tích cực và tiếp tục giúp đỡ trung thành thực hiện; chính Người giáo hoá và rèn luyện tâm trí của những kẻ được gọi, biến đổi họ nên giông Chúa Ki-tô khiết trinh, khó nghèo và vâng phục, đồng thời thúc giục họ nhận lấy sứ mệnh của Chúa Ki-tô. Trong khi để Chúa thánh Thần dẫn dắt mình tiến mãi trên đường tinh luyện, những kẻ được gọi, ngày qua ngày, trở nên những con người được đồng hoá với Chúa Ki-tô, kéo dài trong lịch sử sự hiện diện đặc biệt của Chúa phục sinh". (ĐTH số 19).

            Mà nếu Đức Chúa Thánh Thần đã ra tay tác tạo, thì hoa trái của Ngài sẽ là : "Bác ái, hoan lạc, bình an nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gl 5, 22-23). (x. Tu sĩ ơn gọi và sứ mệnh, trang 25).

 

IV. Để bảo vệ và phát triển Đức Khiết Tịnh :

            Chúng ta không làm gì hơn. Cứ theo những hướng dẫn khôn ngoan và đầy kinh nghiệm của "Mẹ Hội Thánh". Một số trong những chỉ dẫn đó là :

- Trong thinh lặng tôn thờ để gặp gỡ, cầu nguyện, hiệp  thông  với Thiên Chúa. (x. Tu sĩ, ơn gọi và sứ mệnh, trang 27-28).

            - Trong khổ chế và cuộc chiến đấu thiêng liêng.

            - Trong suy gẫm và sống Lời Chúa.

            - Trong no say tiệc Thánh Thể.

            - Trong thanh luyện của Bí tích Hoà giải.

            - Trong tình liên đới, hiệp nhất, bác ái với cộng đoàn.

- Trong nhạy cảm phục vụ với con tim biết lắng nghe và chia sẻ.

- Trong quảng đại, nhiệt tình phục vụ Hội thánh, người nghèo…

Cha Marcello de Cavalho Azevedo đã nêu bật những nét đẹp tuyệt vời trong nhân cách của Đức Trinh Nữ Maria, như là mô hình mẫu trọn hảo của một con người khiết tịnh thật sự :

Chọn lựa sáng suốt

Ý thức rất phong phú về đức nghèo,

Tâm hồn rộng mở đối với Chúa

Luôn sẵn sàng phục vụu người khác

Suy gẫm sâu sắc về thánh ý Chúa

Yêu thương nồng thắm Thánh Giu-se

Can đảm vô cùng khi đứng dưới chân thập giá 

            Và hiệp thông với Giáo Hội non trẻ mới sinh.

(Sđd, trg 28).

 

Kết :

Giá cao luôn được dành cho của quí. Tình yêu lớn đòi phải hy sinh nhiều. Như câu chuyện ngụ ngôn của Oscar Wide "Con chim hoạ mi và cây hoa hồng" : Để làm nên quà tặng tình yêu, chim hoạ mi chấp nhận ép tim vào gai nhọn của hoa hồng để cây hoa hút máu tạo nên một cánh hoa hồng đẹp, làm quà tặng tình yêu". Muốn sống tình yêu đó, muốn có trái tim đó, chúng ta phải khiêm hạ cầu xin và không ngừng "học yêu" trong mái trường của Chúa Giê-su, mái trường "Tin Mừng", như lời nguyện thâm thuý sau đây của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta :

           

            Chúa Giê-su rất yêu mến của con

            Chúa đã sinh ra với tình yêu

            Chúa đã phục vụ bằng tình yêu

            Và bước đi, với tình yêu

            Chúa đã được tôn kính, với tình yêu

            Chúa đã đau khổ và chết trong tình yêu

            Và đã ra khỏi mồ với tình yêu

            Con cảm tạ Chúa vì tình yêu Chúa đã cho con

            Và tình yêu mà Chúa đem đến cho thế giới

            Con xin Chúa hôm nay cũng như mỗi ngày,

            Hãy vui lòng dạy con Tình yêu

            Để con cũng vây, con biết yêu.

            Amen.

 

            (Cầu nguyện với Mẹ Têrêxa, trang 23).