CHIA SẺ 5 : ĐỨC KI-TÔ VÂNG PHỤC 
 

Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. (Dt 5, 8-9).  

 

      Nếu đặt câu hỏi : Khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã trao ban điều gì cao cả nhất và cũng nguy hiểm nhất cho con người ? Người ta có thể trả lời mà không sợ sai : TỰ DO. 

      Vâng, "tự do" đó chính là cái khả năng, cái phẩm chất độc đáo nhất làm cho con người trở nên "linh ư vạn vật", giúp con người trở nên vĩ đại, thành tạo vật tuyệt vời, nên con thảo của Thiên Chúa. Nhưng "tự do" cũng có thể ném chúng ta xuống vũng lầy của nô lệ, tội lỗi, phản bội... Chúng ta không được quên rằng, ngay từ buổi bình minh của lịch sư nhân loại, vì đã sử dụng tự do sai lệch mà tổ tông loài người đã "đánh mất vườn địa đàng", ném con cháu xuống vực thẳm của tội lỗi và sự chết. (x. St 3, 1-7). Cũng may, một "Người Con Nhân Loại" khác, một "A-đam mới", vì đã biết dùng tự do của mình một cách đúng đắn, trọn  hảo, đã đưa nhân loại vào "quỉ đạo của tình yêu và ân sủng". Người "Con Nhân Loại" đó chính là Đức Ki-tô mà hôm nay chúng ta cùng chiêm ngưỡng để cùng học nơi Ngài bài học  "sử dụng tự do", bài học "vâng phục".

 

 

 

I. Đức Ki-tô vâng phục : Thi hành ý muốn Chúa Cha.

 

      Điều đầu tiên chúng ta tìm thấy trong cuôc sống tự do tuyệt đối của Con Thiên Chúa chính là : Ngài hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha.

 

"Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4, 34).

 

Chúng ta hãy nghe Đức Thánh Cha G.P.II cắt nghĩa điều đó trong Tông huấn "Đời Thánh Hiến" :

 

Người là Đấng vâng phục tuyệt đối, từ trời xuống thế không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người (Ga 6, 38 ; Dt 10, 5-7). Người đặt để sinh mệnh và hành động của mình trong tay Chúa Cha (x. Lc 2, 49). Vì vâng phục như con thảo, Người chọn hình thức nô lệ : "Người đã làm cho mình hoá ra không (...), vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá" (Pl2, 7-8). (ĐTH 22).

 

      Đó cũng chính là ý nghĩa sâu xa cuối cùng của "Đức Vâng phục" mà tất cả mọi Ki-tô hữu, đặc biệt những người được thánh hiến, được gọi mời sống và thực hiện.

 

"Đức vâng phục, thực thi theo gương Chúa Ki-tô, Đấng lấy việc thi hành ý muốn của Chúa Cha làm lương thực cho mình, biểu lộ vẽ đẹp thanh thoát của sự lệ thuộc đầy tình con thảo chứ không phải nô lệ, đầy ý thức trách nhiệm và được lòng tin cậy lẫn nhau thúc đẩy, phản ảnh cho mọi người về mối dây liên hệ trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa". (ĐTH 21).

 

      Khi chọn ý muốn của Thiên Chúa làm "kim chỉ nam" cho

 

việc sử dụng tự do như thế xem ra có mâu thuẩn với ý nghĩa đích thực của tự do hay không ? Nói cách khác, làm sao có thể sống đức vâng phục từng ngày trong một niềm xác tín rằng : sống như thế chính là thể hiện trọn vẹn tính nhân bản và làm phong phú đời sống tâm linh, là cách thế phát triển toàn diện con người ? Chúng ta hãy lắng nghe lời giải đáp của Đức Thánh Cha :

 

"Đức vâng phục trình bày một cách đặc biệt hùng hồn việc Chúa Ki-tô vâng phục Chúa Cha như là mẫu mực, và khởi đi từ mầu nhiệm Chúa Ki-tô, đức vâng phục minh chứng rằng : vâng phục và tự do không mâu thuẩn nhau.

 

 

 

Thật vậy, thái đô của Chúa Con cho thấy rằng mầu nhiệm về tự do của con người là con đường vâng phục ý muốn Chúa Cha, và mầu nhiệm của vâng phục là con đường chinh phục từng bước sự tự do chân thật. Người được thánh hiến đúng là người muốn diễn tả mầu nhiệm đó bằng lời khấn vâng phục. Do đấy, họ muốn biểu lộ ý thức về mối tương quan nghĩa tử, nhờ mối tương quan ấy họ đón nhận ý muốn Chúa Cha như lương thực hằng ngày (x. Ga 4, 34), như đá tảng vững chắc, như niềm vui, thuẩn đỡ và nơi trú ẩn cho họ (x. Tv 18/17,3). Như thế, họ cho thấy họ lớn lên trong sự thật toàn diện của con người họ, trong khi vẫn được gắn liền với nguồn mạch hiện hữu của họ, và công bố sứ điệp đầy an ủi nầy :"Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào" (Tv. 119/118, 165). (ĐTH 91).

 

            Như thế, vâng phục không phải là chuyện riêng của "kẻ bề dưới", mà là cho tất cả những ai muốn đáp lại lời mời gọi thánh thiện của Tin Mừng ; cũng không phải chỉ dừng lại ở chuyện "giữ nghiêm túc mọi luật nhà", là "vâng lời tối mặt" ý muốn của "bề trên", mà phải là cuôc lên đường liên tục, cuộc "vượt qua" đầy  nhiêu khê để tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa trong mọi biến cố, mọi phút giây, mọi tương quan...trong cuộc sống.

 

 

 

II. phải thể hiện đời sống vâng phục thế nào ?

 

            Trước hết, chúng ta thử điểm lại những việc làm cụ thể của Chúa Ki-tô mang dấu ấn của cuộc đời vâng phục Chúa Cha :

 

            -Thờ phượng Cha.

 

            - Thi hành sứ mệnh của cha,

 

            - Làm công việc của Cha,

 

            - Giữ luật Cha,

 

            - Đón nhận chén đắng Cha trao,

 

            - Chết để tôn vinh Cha.

 

            Từ cuộc sống và sứ điệp của Đức Ki-tô, để sống vâng phục, chúng ta có thể rút ra vài áp dụng cụ thể sau :

 

1/. Sông vâng phục, đó là đón nhận và sống Lời Chúa :

 

            * Bởi vì đó là dấu chỉ thuộc về Đức Ki-tô :

 

Người đáp lại :"Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8, 21).

 

            Để nhận thức rõ hơn ý nghĩa nầy, có lẽ chúng ta nên đọc lại chứng từ của Đức Hồng y F.X Nguyễn văn Thuận trong "Chứng nhân hy vọng" :

 

Trong thời gian ở tù tôi đã viết :"Con hãy tuân giữ một qui luật thôi : Phúc Âm. Hiến pháp này cao vượt trên tất cả mọi hiến pháp khác. Đó là luật mà Chúa Giê-su đã để lại cho các Tông đồ (x. Mt 4, 23). Nó không khó khăn, phiền phức hay gò bó như các luật khác ; trái lại nó sinh động, nhân hậu và phấn chấn đối với tâm hồn con. Một vị thánh sống xa phúc âm là vị thánh giả" (ĐHV 986).

 

Thật vậy, viêc thấm nhập Lời Chúa không chấp nhận cách suy tư và xử thế kiểu con người và dẫn đưa chúng ta bước vào trong một lối sống mới do Đức Ki-tô khai mào. Ai sống Phúc Âm có thể cùng với thánh Phaolô tiến tới chỗ "mặc lấy tư tưởng của Đức Ki-tô" (1 Cr 2, 16); và có khả năng đọc ra các dấu chỉ thời đại với chính cái nhìn của Đức Ki-tô và như thế để lại ảnh hưởng sáng tạo trên lịch sử; kinh nghiệm được sự tự do đích thật, niềm vui, lòng can đảm sống thực với Tin Mừng; tìm được niềm tin cậy mới nơi Thiên Chúa Cha và mối tương quan đích thực và tình con thảo chân thành, đồng thời hướng đến việc phục vụ con người một cách cụ thể.

 

Nói cho cùng, Phúc Âm vén mở cho chúng ta ý nghĩa sâu thẳm của cuộc sống. Như thế rốt cuộc chúng ta biết được lý do tại sao chúng ta sống và giáo huấn của Đức Ki-tô làm cho chúng ta hy vọng trở lại. Kết quả không phải chúng ta sống nữa, mà là chính Chúa Ki-tô sống trong chúng ta. Qua các lời Kinh Thánh, chính Ngôi Lời ở trong chúng ta và biến đổi chúng ta trong Người : chúng ta trở nên Lời Chúa sống động. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã tự hỏi :"Làm thế nào để cho Chúa Giê-su hiện diện trong các linh hồn?" Và người trả lời :"Nhờ phương tiện vận chuyển, nhờ việc thông truyền lời nói mà tư tưởng của Ngôi Lời, Con Thiên Chúa nhập thể làm người đến được với các linh hồn. Có thể khẳng định rằng Chúa nhập thể trong chúng ta khi chúng ta chấp nhận cho lời của Ngài đến sống trong chúng ta" (Giáo huấn của Đức Phaolô VI, V 1968,936 "Chứng nhân hy vọng", bài suy niệm số 7, trang 107-108).

 

* Bởi đó chính là phương thế giúp nhận ra ý Chúa :

 

"Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi". (Tv 119, 105).

 

"Nhờ năng đọc Lời Chúa, họ được soi sáng để phân định về chính bản thân, về cộng đoàn, hầu giúp họ tìm ra đường lối Chúa trong các dấu chỉ của thời đại. Như vậy, họ có một thứ bản năng siêu nhiên, giúp họ không hùa theo não trạng thế gian, nhưng đổi mới tinh thần để có thể nhận ra đâu là ý Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo" (Rm 12, 2. ĐTH số 94).

 

* Đó cũng chính là ý muốn của Chúa Cha, qui luật tối cao hướng dẫn đời sống đức tin :

 

"Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người" (Lc 8, 35).

 

"Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như qui luật tối cao hướng dẫn đời sống đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được Chúa ghi chép một lần cho muôn đời, Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Tiên Tri cùng các Tông Đồ.

 

Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Ki-tô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn...Lời chúa còn có một sức

 

mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội" (Hiến chế DV 21).

 

* Đó là con đường mang lại hạnh phúc vĩnh cửu :

 

"Thưa Thầy, , bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6, 68).

 

2/. Sống vâng phục là chu toàn luât Chúa, luật Dòng, sông tình bác ái hiệp thông.

 

      * Luật Chúa tập chú vào hai điều răn căn bản :Mến Chúa, yêu người (Mt 22, 34-40; 7, 12).

 

      * Luật Dòng : Phản ảnh đặc sủng của Đấng sáng lập, bao hàm một định hướng chung :hướng về Ba Ngôi, Cha, Con, Thánh Thần giúp tiến tới hoàn thiện trong đời thánh hiến. (ĐTH 36).

 

      * Sống hiệp thông trong Giáo Hội, huynh đệ bác ái cộng đoàn là môi trường, là phương thế giúp đón nhận và thực thi ý Chúa :

 

"Đời sống huynh đệ là nơi chốn tốt nhất để phân định và đón nhận ý Chúa và dể cùng nhau tiến bước một lòng một trí với nhau. Nhờ đức ái làm cho sống động, sự vâng phục liên kết các thành viên của một Hội dòng trong cùng một chứng tá và cùng một sứ mạng, dẫu rằng trong nững hồng ân khác nhau và trong sự tôn trọng cá tính của mỗi người...

 

"Trong Giáo Hội và trong xã hội, đời sống cộng đoàn còn đặc biêt là một dấu chỉ của mối dây liên kết được tạo nên bởi ý chí chung muốn tuân phục cùng một tiếng gọi, bất chấp những khác biệt về chủng tộc, hoặc nguồn gốc, về ngôn ngử hay văn hoá. Trái ngược với tinh thần bất hoà và chia rẽ, quyền bính và vâng phục cho ta một dấu chỉ sáng ngời của tính hiền phụ duy nhất đến từ Thiên Chúa, của tình huynh đệ phát sinh từ Thánh Thần, của tự do nội tâm nơi những con người đã phó thác mình cho Thiên Chúa, mặc dù những người đại diện cho Ngài có những giới hạn đi nữa..." (ĐTH 91).

 

Với những chỉ dẫn trên, chúng ta có thể kết luận với nhau rằng : Khi chúng ta đặt mình dưới Luật Chúa, Luật Tin Mừng, Luật Hội Thánh, Luật Dòng trong thái độ tin yêu, hiệp nhất, bác ái, khiêm hạ và trong tinh thần xây dựng Nhiệm Thể, trong tư cách Chứng nhân và thể hiện tình con thảo của Đức Ki-tô, chúng ta sẽ thấy mọi sự là "ách êm ái, gánh nhẹ nhàng" (Mt 11, 28-30). Mà thực vậy, bất cứ điều gì được thực hiện trong tình yêu và với tình yêu thì sẽ trở nên tuyệt vời :"Ở giữa lòng Hội Thánh, em sẽ là tình yêu" (Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng, Tiến sĩ)."Những chiến tích lừng danh mà thiếu tình yêu thì chỉ còn là mây khói" (Chiara de Lubich).

 

Ngày hôm nay, thế giới đang đứng trước một thách đố lớn lao về việc sử dụng tự do, quyền bính, về việc đón nhận và thực thi những nguyên tắc luân lý hướng dẫn cuộc sống...Trong khi nhiều người thời nay quan niệm tự do đó là buông thả, tháo thứ, quyền bính là áp đặt, vâng phục là nô lệ... thì đời sống của những người tu sĩ phải là một chứng tá hùng hồn về việc vun đắp sự tự do đích thực, làm sáng ngời những chân lý về Thiên Chúa và con người được thể hiện qua việc lựa chọn sống đức Vâng Phục trong tình yêu và tự do.

 

"Khi nhìn nhận các giới răn nầy, con tim Ki-tô hữu và đức ái mục vụ của chúng ta như nghe ra lời kêu mời của Đấng "đã yêu chúng ta trước" (1 Ga 4, 19). Thiên Chúa yêu cầu chúng ta phải nên thánh như chính Ngài là thánh (x. Lv 19, 2), phải nên hoàn hảo, trong Đức Ki-tô, như chính Ngài là hoàn hảo (x. Mt 5, 48) : tính chất khe khắt của giới răn vốn đặt nền tảng trên tình yêu từ ái và khôn vơi của Thiên Chúa (x. Lc 6, 36) và mục đích của giới răn là dẫn dắt chúng ta, cùng với ân sủng của Đức Ki-tô, trên con đường tiến đến sự sống viên mãn vốn dành riêng cho những người làm con Thiên Chúa" (Thông điệp "Ánh rạng ngời chân lý" số 115).

 

            Và để kết thúc bài chia sẻ này, chúng ta hãy cùng xét mình với Mẹ Tê-rê-xa Calcutta về việc thực hành đức vâng phục :

 

Tôi có luôn giữ trước mặt mình mối quan hệ Cha Con giữa Đức Kitô và Cha của Ngài không ?

 

            Hoàn toàn lệ thuộc vào cha...

 

            Luôn mở ra cho Cha...

 

            Chấp nhận sứ mạng cứu độ Cha trao...

 

Tôi có hoàn toàn từ bỏ ý riêng, lấy thân mình làm vật tế sinh dâng lên Chúa ?

 

Tôi có coi vị Bề Trên của tôi như mối liên kết trọng yếu giữa tôi với ý định cứu chuộc của Thiên Chúa cho tôi ?

 

            Sự vâng phục của tôi có hiệu lực và hữu trách không ?

 

            Nó có nói lên tình yêu của tôi đối với Chúa không ?

 

            Sự vâng phục của tôi có mau lẹ không ?

 

            Nó có được thực hiện với một trái tim hoan hỉ không ?

 

            Nó có liên tục không ?

 

            Nó có bị hoen ố bởi tinh thần phê phán không ?

 

(Cầu nguyện với Mẹ Têrêsa.Sđd. Tr. 145)