CHIA SẺ 4 : ĐỨC KI-TÔ KHÓ NGHÈO

 

 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5, 3).

 

"Đức khó nghèo tuyên xưng Thiên Chúa là sản nghiệp duy nhất đích thực của con người..." (ĐTH số 21). 

 

Trong ký ức của nhân loại hôm qua cũng như hôm nay, hình ảnh của Thánh Phan-xi-cô thành Assisi, vị thánh "hành khất", mãi mãi sống động. Người ta gọi Ngài là bạn của thiên nhiên, là nhà khoa học sinh thái. Tuy nhiên, để diễn tả đúng đắn và sâu sắc nhất về nhân cách và sự thánh thiện của Ngài, có lẽ chúng ta phải mượn lời của Philippe Sollers, phát ngôn viên đài truyền hình Pháp, đã nói trong dịp kỷ niệm 800 năm sinh nhật của Thánh Nhân :"Thánh Phan-xi-cô thành Assisi chết đang khi hát thánh vịnh...Bên sau Phan-xi-cô là cuốn Kinh thánh".

 

Câu định nghĩa đó muốn nói với chúng ta rằng : Kinh Thánh, cuốn sách ghi lại lịch sử thánh, lịch sử của "Dân Giao ước", mà chủ yếu được trình bày như "cuốn nhật ký" ghi chép những kinh nghiệm và bài ca của những người nghèo của Gia-vê. Phải chăng, Thánh Phan-xi-cô đã tìm gặp sự đồng cảm với những người nghèo nầy; và từ "thần hứng" đó, Người đã khám phá và cảm nhận sâu xa khuôn mặt đích thật của Đức Ki-tô, Người Nghèo vĩ đại nhất, tuyệt đối nhất của Thiên Chúa.

 

Gặp gỡ một Đức Ki-tô khó nghèo để chiêm ngưỡng cách sống nghèo của Ngài, để xin Ngài dạy chúng ta biết sống nghèo, trở nên nghèo và đạt được cái nghèo thật sự như Ngài mong  muốn, lại không phải là tiêu đích để Ki-tô hữu nói chung và người sống thánh hiến  nói riêng, phấn đấu và thực hiện mỗi ngày đó sao ?

 

            Trong Kinh thánh, đặc biệt qua môi miệng của Đức Ki-tô trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy "Nghèo" và "Giàu" được trình bày như hai đối cực :

 

            "Phúc cho ai có tâm hồn khó nghèo..." (Mt 5, 3).

 

"Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.." (Lc 6, 24), "Người giàu khó vào Nước Trời" (Mt 19, 23-24).

 

Như vậy, để hiểu rõ ý nghĩ của cái "Nghèo" của Đức Ki-tô, chúng ta hãy dừng lại xem thử "Cái Giàu" bị Đức Ki-tô lên án là cái giàu làm sao.

 

 

 

I. Cái giàu bị lên án :

 

            Qua Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta có thể đọc thấy hai chiều kích căn bản nầy trong "cái giàu bị lên án" : Loại trừ kẻ khác và qui về mình.

 

1. Loại trừ Thiên Chúa, lấy mình làm điểm tựa :

 

            Ngay từ buổi đầu sáng tạo, chúng ta đã thấy xuất hiện cơn cám dỗ kinh khũng của cái giàu nầy:

 

"Quả nhiên, Thiên Chúa biết :ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như những Thiên Chúa biết cả tốt xấu" (St 3, 5).

 

"Vì Dân Ta đã làm hai điều bất hảo :chúng đã bỏ Ta, mạch nước hằng sống, để đào cho mình những cái bể rò, không chứa được nước" (Gr 2, 13).

 

"Hồn ta hỡi, mình bây giờ của cải ê he, dư xài nhiều năm, thôi cứ nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đả...(Lc 12, 17-21).

 

Chính vì sự bất cần Thiên Chúa, loại trừ Thiên Chúa mà người giàu đã đào một hố sâu ngăn cách giữa mình và Thiên Chúa.

 

Áp-ra-ham nói với người phú hộ : "Hơn nữa giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến đổi bên nầy muốn qua bên các con cũng không dược, mà bên đó qua bên chúng ta cũng không được" ((Lc 16, 19-31).

 

2. Loại trừ anh em, không biết chia sẻ.

 

- La-da-rô nghèo khổ, thèm ăn những thức ăn trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no nhưng chẳng ai cho (Lc 16, 19-21).

 

- "Mầy sinh ra trong tội ngập tràn đầu, thế mà mầy lại muốn làm thầy chúng ta ư ?". Rồi họ trục xuất anh. (Ga 9, 34).

 

- Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ :"Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh". Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. (Mt 18, 29-30).

 

3. Làm bất cứ điều gì, miễn là mình có lợi, có danh.

 

- Vì một điệu vũ, Hê-rô-đê sẵn sàng cho một nửa nước cho con vũ nữ Hê-rô-đi-a-đê, và xuống tay chém đầu Gioan Tẩy Giả, một ngôn sứ nghèo nàn, phiêu bạt (Mc 6, 21-28).

 

- Các Thượng tế, sẵn sàng cúi đầu trước Phi-la-tô để bảo vệ quyền lợi, địa vị của giai cấp "ăn trên ngồi trước", nhưng cũng mau mắn kết án, loại trừ một Giê-su Na-da-rét, kẻ "không có viên đá gối đầu"

 

            Ngày hôm nay người ta và chúng ta có rơi vào cái "giàu" đáng sợ đó không? Cái giàu loại trừ Thiên Chúa, đóng kín chính mình, lấy mình làm thước đo mọi sự, điểm tựa cho tất cả ! Trước câu hỏi đó, chúng ta không thể nói "không". Bởi lẽ xã hội chung quanh ta, ngay cả chúng ta, nhưng người Ki-tô hữu, những tu sĩ, chúng ta đang bị cám dỗ nặng nề về sự giàu có thế gian : cơ sở, bằng cấp, phương tiện hoạt động tông đồ, sự dễ dãi, ưu đãi... để dễ dàng buông lõng, miễn chước thực hiện hy sinh, cầu nguyện, trông cậy, phó thác.

 

            Chúng ta cũng cần lưu ý rằng : khi không còn ngước mắt hướng về Thiên Chúa trong tin yêu phó thác, thì con người sẽ rơi vào một sự nghèo nàn kinh khủng, và từ đó sẽ gây nên bao đỗ vỡ trong quan hệ với tha nhân. Những cuộc chiến tàn khốc trên thế giới xưa nay, những khủng hoảng trong Giáo Hội, trong các cộng đoàn tu trì, những tình bạn thân yêu trở thành thù địch...tất cả phải chăng là kết quả của "cái giàu" trần tục bị lên án đó. Trái tim của những kẻ giàu có đó đã bị gai góc phủ đầy, Lời Chúa không thể phát sinh hoa trái nào nên hình nên dạng.

 

"Còn kẻ được gieo vào bụi gai là kẻ nghe lời, nhưng nổi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quí bóp nghẹt, khiến lời không sinh hoa kết quả gì" (Mt 13, 22).

 

 

 

II. Chiêm ngưỡng Đức Ki-tô khó nghèo.

 

 

 

1/. Lựa chọn một thân phận nghèo :

 

- Một gia tộc không hoàn hảo : Trong Bản Gia Phả của Thánh sử Mát-thêu (Mt 1,  1-16) có tên bốn người phụ nữ ngoại đạo : Một người loạn luân (Ta-ma, St 38), một gái mãi dâm (Ra-kháp Gs 2), một người ngoại giáo (Rút  R 3-4), một người ngoại tình (Bát-sê-ba, 2 Sm 11, 12). Khi nhận xét về tính cách bất toàn trong thân phận nhân loại, hiện thực qua bản gia phả,  mà Đức Ki-tô đã đón nhận khi Nhập thể làm người, Suzanne de Diétrich viết :

 

"Nhưng chắc chắn gia phả phúc âm cũng còn có một mục đích khác nữa : chúng nhấn mạnh cái thực tại xác thịt của mầu nhiệm nhập thể. Xác thịt mà Chúa Giê-su mặc lấy là xác thịt của một dân ngoại tình và phiến loạn". (S. De Diétrich, Hành trình cứu độ theo Thánh Kinh, Bản dịch của Fr. Gioan Lê Chúng OSB, trang 139).

 

- Một đất nước, quê hương nhỏ bé, ngèo nàn : Vào thời Chúa Giê-su, nước Do thái đang bị đế quốc Rô-ma đô hộ. Trong khi đó, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài, làng Na-da-rét, chi là một làng quê nhỏ bé, không một chút tiếng tăm : "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ?" (Ga 1,  46).

 

 

 

- Quan hệ xã hội, bạn bè thân quen, môn đồ : Những người nghèo, dốt nát, bị loại trừ. "SaoThầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ?" (Mt 9, 11).

 

- Nội dung sứ điệp : Đề cao người nghèo hèn, bé nhỏ :

 

* Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó (Mt 5, 3).

 

* Dựa vào Thiên Chúa thay vì tiền bạc (Mt 6, 19-34).

 

* Mầu nhiệm được mặc khải cho những người bé nhỏ (Mt 11, 25-27).

 

* Mỗi lần làm việc bác ái cho những anh em bé nhỏ nhất, là đã làm cho chính  Đức Ki-tô (Mt 25).

 

* Trở nên người rốt hết, tiếp nhận những trẻ nhỏ (Mc 9, 35-37).

 

* Từ bỏ của cải vì Đức Ki-tô (10, 17-31).

 

* Tiền dâng cúng của bà goá nghèo có giá trị lớn (Mc 12, 41-44).

 

* Kinh Magnificat : ơn cứu độ dành cho kẻ khiêm hạ (Lc 1, 46-55).

 

* Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai được gửi đến cho những người nghèo (Lc 4, 14-22).

 

* Người nghèo được tiếp nhận vào Nước Thiên Chúa (Lc 14, 7-24).

 

* Người thu thuế cầu nguyện với thái độ khiêm hạ (Lc 18, 9-17).

 

* Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi (Ga 3).

 

- Một cuộc đời nghèo :

 

* Sinh trong cảnh nghèo : Hang lừa, máng cỏ

 

* Sống nghèo : Nghề thợ mộc, đi rao giảng trong cảnh nghèo: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9, 58).

 

* Chết trần trụi trên cây thánh giá...

 

- Yêu thương, quan tâm đến người nghèo :

 

* Chạnh lòng thương đám dân nghèo bơ vơ (Mc 6, 34).

 

* Ưu tiên cho người nghèo (Lc 14, 12-14).

 

 

 

2/. Đức Ki-tô nghèo vì hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa :

 

* Chiến thắng sự giàu có của ma quỉ để trung thành với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. (Mt 4, 1-11).

 

* Dành cả cuộc đời để thực thi thánh ý Chúa Cha :

 

"Lương thực của Thày là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4, 33).

 

 "Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Lc 22, 42).

 

 

 

3/. Đức Ki-tô nghèo : tất cả cho con người.

 

* Đấng vốn giàu có đã trở nên nghèo vì chúng ta. (2 Cr 8, 9).

 

* Là mục tử tốt lành hy sinh vì đoàn chiên. (Ga 10, 11).

 

* Yêu thương, nâng đỡ, tha thứ khoan dung, phục hồi nhân phẩm...

 

* Hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.

 

 

 

III. Sống cái nghèo của Đức Ki-tô hôm nay.

 

 

 

1/. Luôn hướng cuộc sống theo cái nghèo của Đức Ki-tô:

 

* Chọn Chúa làm gia nghiệp, làm điểm tựa cho cuộc sống :

 

      "Ý nghĩa sâu xa của đức khó nghèo biểu hiện trong sự hoàn toàn dânghiến cho Cha tất cả những gì thuộc về mình " (ĐTH số 22).

 

      "Đức khó nghèo tuyên xưng Thiên Chúa là sản nghiệp duy nhất đích thực của con người" (ĐTH số 21).

 

* Tỉnh táo trước những cơn cám dỗ của thời đại : Phương tiện, học vấn, năng lực, sắc đẹp, sự thành công, ưu đãi...

 

2/. Xả thân phục vụ, làm giàu cho anh em.

 

* Sống tình liên đới, bác ái :

 

"Sự đáp ứng của đời thánh hiến thể hiện qua sự khó nghèo theo Tin Mừng được sống dưới nhiều hình thức khác nhau, và thường đi đôi với một dấn thân tích cực để phát huy tình liên đới bác ái" (ĐTH số 89).

 

* Sống thanh đạm, bớt tiêu dùng :

 

      "Như vậy, ngày hôm nay hơn những thời đại khác, đức khó nghèo theo Tin Mừng gợi lên sự quan tâm của những người, vì ý thức được giới hạn của những tài nguyên trên hành tinh, đang kêu gọi tôn trọng và cứu vãn thiên nhiên bằng cách giảm bớt tiêu dùng, sống thanh đạm và tự buộc mình kìm hãm các ước muốn" (ĐTH 90).

 

* Lựa chọn người nghèo, phục vụ những người khiêm hạ.

 

      "Sự lựa chọn người nghèo nằm trong chính cái lý của tình yêu được sống như Chúa Ki-tô đã sống. Tất cả các môn đệ Chúa Ki-tô phải có sự lựa chọn nầy, nhưng những ai muốn theo sát Đức Ki-tô bằng cách bắt chước lối sống của Người không thể không cảm thấy sự lựa chọn ấy liên quan đặc biệt tới họ" (ĐTH 82).

 

      "Biết bao người được thánh hiến hy sinh mà không tính toán công sức của họ để phục vụ những người khiêm hạ nhất trên đời nầy"(ĐTH 89).

 

* Bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh và những việc âm thầm :

 

       "Có những trang sử cũng không kém ý nghĩa đã được và còn đang được ghi lại bởi vô số những người được thánh hiến khác, đang sống sung mãn cuộc sống của họ được "tiềm tàng với Chúa Ki-tô nơi Thiên Chúa"(Cl 3, 3) để thế giới được cứu rỗi, mà không cần lợi lộc nào, vẫn suốt đời dấn thân vì những lý do ít dược biết đến và càng được quí chuộng. Dưới những hình thức khác nhau, đời thánh hiến dự phần vào sự nghèo khó tột cùng mà Chúa đã sống, và sự khó nghèo ấy đã đóng trọn vai trò đặc thù của nó trong mầu nhiệm cứu độ của việc Nhập Thể và cái chết cứu chuộc của Chúa Ki-tô" (ĐTH 90). (Xin đọc thêm GHTAC số 34).

 

* Phục vụ người nghèo cũng là nét đặc trưng của Dòng MTG : Luật tiên khởi của Dòng Mến Thánh Giá nhấn mạnh bốn đối tượng sau đây như là bốn ưu tiên trong công tác mục vụ của Dòng :

 

      - Giáo dục thiếu nữ.

 

      - Săn sóc các bệnh nhân.

 

      - Rửa tội trẻ em trong lúc nguy tử.

 

      - Hoàn lương các phụ nữ truỵ lạc. (Luật tiên khởi II, 2-5).

 

IV. Hoa quả thiêng liêng của việc sống nghèo theo Đức Kitô.

 

 

 

            Có thể có một lúc nào đó chúng ta sẽ bị cám dỗ hoài nghi về mục đích, về kết quả của việc lựa chọn sống nghèo theo Đức Kitô : Sống như thế liệu có mang lại hạnh phúc cho tôi không ? Cứ sống bình thường như mọi người cũng tốt thôi ! Có thật sự sống nghèo như thế sẽ mang lại những hiệu quả thiêng liêng tốt đẹp ?… Để trả lời cho những vấn nạn đó, những hoài nghi đó,  thiết tưởng chúng ta nên nhường lời cho Linh mục Marcello de Carvalho Azevedo S.J, cựu chủ tịch Hiệp hội Tu sĩ Braxin. Theo Ngài, "cái nghèo, đặc biệt cái nghèo trong hiện hữu, phát sinh những hoa trái tốt đẹp sau :

 

            1/. Hoa quả thứ nhất là sự Tự do : cái nghèo như thế giúp chúng ta không bị nao núng, chao đảo, khi bị người ta hiểu lầm, bị người ta sỉ nhục, bị đối xử bất công…Nó giúp ta không đặt quá nhiều hy vọng vào người ta, để rồi bị thất vọng về người ta; trái lại, chỉ nương tựa vào một mình Chúa mà thôi. Chúng ta được tự do, không bị tác động bởi dư luận, hay bởi tự ái.

 

            2/. Hoa quả thứ hai là sự Bình an: Khi chúng ta chợt khám phá ra những khuyết điểm, những giới hạn, những yếu đuối, những tội lỗi của mình, thì chúng ta cũng chẳng ngạc nhiên mà cũng không ngã lòng, bởi vì "tôi chính là như thế, tôi không có ảo tưởng tốt đẹp về con người của tôi"

 

            3/. Hoa quả thứ ba là Sự thật : Một khi đã ý thức rõ về con người của mình với tất cả những yếu kém của nó, chúng ta sẽ thành

 

 thật, không giả hình, không gian dối, không tìm cách khiến kẻ khác hiểu tốt cách không đúng đắn về mình". (Marcello de Carvalho Azevedo S.J. Tu Sĩ, Ơn gọi và Sứ mệnh, Bản dịch và tóm lược trong tập ronéo, trang 9).

 

 

 

            Kết : Cơn cám dỗ triền miên của nhân loại muôn nơi muôn thuở vẫn là "sự giàu có thế gian" trong cả hai chiều kích vật chất cũng như tinh thần. Cơn cám dỗ nầy ngày nay lại núp đưới nhiều hình thức được nguỵ trang bằng nhiều lớp vỏ : nhiều cơ sở, phương tiện tốt để phục vụ tốt. Bằng cấp, học vị để có đủ uy tín làm việc. Phải hoà nhập, ngang tầm với xã hội kẻo bị đào thãi. Người ta có gì mình phải có nấy mới khỏi lạc hậu... Nêu không tỉnh táo và nhận định một cách sáng suốt theo sát chỉ dẫn của Tin Mừng chúng ta dễ có nguy cơ đánh mất căn tính của đời thánh hiến, cuôc đời chỉ có ý nghĩa khi sống triệt để lời mời gọi "Khó Nghèo".

 

      Khi nhìn vào, đúng hơn, dấn thân vào "đại bộ phận" dân chúng sống quanh ta, chúng ta sẽ đễ dàng hiểu rõ hơn dụ ngôn "Người Sa-ma-ri tốt lành" và cũng dễ khám ra rằng : còn có nhiều người đang sống cái sứ điệp "nghèo" của Chúa Ki-tô hơn chúng ta bội phần, mặc dầu họ không khấn giữ nhân đức nầy :

 

      - Những người mẹ hiền quanh năm suốt tháng vất vả, tăm tối, hy sinh, khổ cực để lo cho chồng con...

 

      - Những nông dân chân lấm tay bùn, công nhân vất vả với đồng lương ốm đói, những học sinh, sinh viên chịu đói chịu khát chịu khổ đủ điều để phấn đấu cho tương lai bằng một đời sống tốt lành chân chất. Và rồi, những bệnh nhân, trẻ em mồ côi, những tù nhân... trong số những con người đó, có bao người đón nhận mọi bất hạnh với niềm tin yêu phó thác. Phải chăng họ là những chứng nhân của "cái nghèo theo Tin Mừng" mà chúng ta không ngừng học hỏi, khám phá, đồng hành và phục vụ. Đó cũng chính là kinh nghiệm đặc biệt mà Graham Kings đã để lại cho chúng ta như một chứng từ sống động. Chúng ta có thể đọc thấy phần nào chứng từ ấy trong lời kinh sau đây :

 

            Lạy Chúa,

 

            khi đến với Chúa

 

            con tháo bỏ đôi giày : những tham vọng của con

 

            con cởi bỏ đồng hồ : thời khoá biểu của con,

 

            con đóng lại bút viết : các quan điểm của con,

 

            con bỏ xuống chìa khoá : sự an toàn của con,

 

            để con được ở một mình với Ngài,

 

            lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

 

            Sau khi được ở với Ngài,

 

            con sẽ xỏ giày vào

 

            để đi theo đường của Chúa,

 

            con sẽ đeo đồng hồ,

 

            để sống trong thời gian của Chúa,

 

            con sẽ đeo kính vào

 

            để nhìn thế giới của Chúa,

 

            con sẽ mở bút ra

 

            để viết những tư tưởng của Chúa,

 

            con sẽ cầm chìa khoá lên

 

            để mở những cánh cửa của Chúa.

 

(Lời kinh. Sđd. tr. 28).