CHIA SẺ 3 : ĐỨC KI-TÔ KHIÊM HẠ
 

Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói :"Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn".(Mt 11, 25)

            "Trên từng cây số" của chiều dài lịch sử cứu rỗi mà Kinh thánh Cựu-Tân- ước trình bày, chúng ta luôn tìm gặp hai mẫu người, hai hình ảnh đối ngược nhau, tương phản nhau :

Trước hết là một vài gương mặt điễn hình của cựu ước :

* Mô-sê, một người bị săn đuổi, lang thang chăn cừu trong hoang địa xứ Ma-đi-an, đối mặt với một Pha-ra-ô, vị hoàng đế Ai Cập uy quyền lẫm liệt. (Xh 12, 29-32).     

* Đa-vít, "người mục tử có gương mặt đẹp", chỉ với chiếc ná và vài viên đá cuội, đã hạ gục tên dũng sĩ Go-li-át to lớn và được trang bị "đến tận răng". (1Sm 17, 32-51).

* Ê-li-a, vị ngôn sứ một đời cô độc, không lùi bước trước một hoàng hậu I-dê-ven và vua A-kháp trong cuộc chiến bảo vệ niềm tin. (1V 19, 1-8).

* Giu-đi-tha, người goá phụ "liểu yếu đào tơ", vì sự sống còn của dân Chúa, đã chém đầu viên đại tướng Ho-lô-phec-nê oai hùng bách chiến bách thắng. (Gđt 13, 1-10).

* Ét-te, Móoc-đô-khai, những người mang thân phận lưu đầy và bị án tử, với niềm tin yêu phó thác đã chiến thắng tên đại thần ác độc Ha-man. (Et 5-7).

            Trong khi đó, Tân ước đã cho chúng ta gặp thấy :

 

* Giu-se, Ma-ri-a, Hài nhi Giê-su, một gia đình nghèo nàn chân chất, đã từng phải trốn chạy trước chủ trương tàn độc của Hê-rô-đê, tàn sát các trẻ em ở Bê-lem để giữ vững ngai vàng.

* Gioan Tẩy giả, vị ngôn sứ "bản lề" của "hai Giao ước", đã chấp nhận mất đầu để bảo vệ cương thường đạo lý mà những kẻ băng hoại đầy thế lực, uy quyền như Hê-rô-đi-a-đê, Hê-rô-đê đã chà đạp.

* Nhóm Mười Hai Tông đồ, phần đông dốt nát, túng nghèo, qui tụ với nhau chung quanh một người nghèo kiết xác đến đổi "không có viên đá gối đầu", đối mặt với giai cấp tư tế, biệt phái luôn dành cho mình những đăc quyền đặc lợi và uy thế trần gian.

* Và nhất là Đấng Cứu Thế Giê-su :

 - Một em bé sinh trong hang lừa, máng cỏ, lớn lên trong xưởng thợ.

 - Một ngôn sứ bị dè biểu là "con anh chàng thợ mộc",

 - Một người bị xếp vào loại tội lỗi, phá hoại và cuối cùng bị kết án tử hình giữa những tôi  nhân…

đã phải đối mặt với  những con người quyền uy, thế lực, giàu sang...như Phi-la-tô, Hê-rô-đê, Biệt phái...

Phải chăng tất cả những gương mặt đó, những con ngừơi đó đã làm bừng sáng lên những lời dạy của Chúa Giê-su :          

"Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn".(Mt 11, 25).

"Phúc thay ai có lòng khó nghèo, ai khóc lóc, ai bị bách hại..."(Mt 5, 3-12).

"Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên". (Lc 18, 14).

"Phần Thày, thầy ở giữa anh em như những người giúp việc"(Lc 22, 27).

 

Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm một "Đức Ki-tô khiêm hạ", để chính cuộc đời và sứ điệp của Ngài sẽ biến đổi chúng ta.

I. Đức Ki-tô khiêm hạ trong mầu nhiệm nhập thể.

 

            Để giúp suy niệm về sự khiêm hạ của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Nhập Thể, có lẽ đoạn thư của Thánh Phao-lô sau đây là một gợi ý thích hợp :

"Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân giống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự". (Pl2, 6-8).

 

1/. Đức Ki-tô khiêm hạ khi tự xoá mình đi :

 

Là Thiên Chúa, Ngài đã "hạ cố" thẳm sâu, đã đi xuống hết cở : "làm người và ở cùng chúng ta" (Ga 1, 14). Một sự trút bỏ kỳ diệu, một sự xoá mình lạ lùng. Huyền nhiệm nầy chúng ta không thể lý giải bằng lý trí. Mà thực vậy, "con tim có những lý do mà lý trí không sao hiểu nổi". Vâng, sự khiêm hạ thẳm sâu đó chỉ có thể cắt nghĩa bằng tình yêu và thực hiện với tình yêu.

            Học sự khiêm hạ của Đức Ki-tô trong khía cạnh nầy dó là từng ngày hạ mình xuống, xoá mình đi, xem cái tôi, xem địa vị là "nhỏ rức". Thực hiện việc "hạ mình" như thế quả không dễ đối với bản tính hư hèn chuộng cái "danh", cái "lợi", cái tăm tiếng, cái sĩ diện hảo của "nòi con cháu A-dong". Miệng thế gian đã chẳng nói rằng : "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục" (thà chết chẳng thà chịu nhục). Hay "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp".

            Như thế, khi chúng ta bị xúc phạm, bị lăng nhục, bị xem thường, bị kết án, bị phán đoán, đánh giá sai...hãy nhớ ngay đến "Đức Ki-tô đã trút bỏ vinh quang...".

 

2/. Đức Ki-tô khiêm hạ khi "mặc thân nô lệ, nên giống phàm nhân".

 

            Trút bỏ, hạ cố, xoá mình để dấn thân vào một "sự hiện hữu mới", một môi trường mới, một vị trí mới nhỏ nhất, thấp nhất. Noi gương Đức Ki-tô khiêm hạ đó là biết từng ngày dấn thân đón nhận cái phận hèn, cái tăm tối, cái bị lãng quên, cái không ai chuộng. Đây lại cũng là một điều khó. Vì thường tình, ai mà không thích chọn cho mình một chỗ tốt, một địa vị khá, một môi trường làm việc, sinh sống đàng hoàng, một công việc có giá trị, một sự công nhận về giá trị bản thân. Chọn lựa Đức Kitô khiêm hạ là bình thản theo Ngài trong tự do và yêu thương, trong vui tươi và hạnh phúc trên mọi nẽo đường của hy sinh, tăm tối, thấp hèn, nhỏ bé.

 

II. Đức Ki-tô khiêm hạ trong cung cách ứng xử với tha nhân.

            * Chấp nhận làm "một người phục vụ":

"Bởi lẽ giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ" (Lc 22, 27; Ga 13, 1-15).

            * Không phân biệt đối xử : Người thu thuế, gái điếm, kẻ phung cùi, biệt phái, đàn bà, con nít...tất cả đều có thể đối diện, gặp gỡ, rờ đụng, ăn uống với Chúa Ki-tô.

            * Quan tâm đặc biệt những người nghèo : Cái tính "cách mạng và triệt để" của nhân cách và sứ điệp của Đức Ki-tô phải chăng đó là sự quan tâm đặc biệt đối với những người nghèo (về cả hai phương diện : thể xác cũng như tinh thần), những người bị loại trừ, những kẻ thấp cổ bé miệng, những người bị ruồng bỏ, kết án.

            Sống sự khiêm hạ của Đức Ki-tô trong cách ứng xử với tha nhân đó chính là biết mở lòng đón nhận mọi người, không trừ ai, không định kiến lựa chọn, nhưng tìm thấy mọi người trong trái tim yêu thương và lòng kính trọng; đó chính là biết quan tâm đặc biệt đến những phần tử nhỏ bé, ít ỏi, bị thiệt thòi, bịnh hoạn, ít học, không có những đặc diểm (nhan sắc, trí khôn, gia cảnh...) đang hiện diện trong cộng đoàn và chung quanh ta; đó cũng chính là sẵn sàng cúi xuống để phục vụ, sẵn sàng đảm nhận mọi công tác, nhiệm vụ thấp hèn, tăm tối.

 

III. Đức Ki-tô khiêm hạ trong cuộc khổ nạn.

 

            Cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô phải chăng là "điểm đến" cuối cùng của sự tự hạ, của cuộc hạ cố :" Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự". (Pl 2, 8). Chiêm ngưỡng cuộc khổ nạn, nhìn lên Thập giá của đức Ki-tô chúng ta dễ nhận ra bao nhiêu bài học của sự tự khiêm tự hạ. Sống sự khiêm hạ của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm nầy đó chính là mỗi ngày can đảm đón nhận mọi chén đắng của khổ đau trong tâm hồn và thể xác, những tủi cực của bịnh hoạn tật nguyền riêng ta hay của mọi người chung quanh, những hiểu lầm, bị kết án bất công, những giới hạn trong khả năng, những thua thiệt trong quyền lợi, cả những tính hư tật xấu của mình hay của những người khác. Chúng ta làm sao biến câu tâm nguyện :"Đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con là Thập giá Chúa Giê-su" thành hiện thực trong cuộc sống, chứ đừng giữ lại như một câu "bùa chú" sáo rỗng.

 

Kết : Ngày hôm nay, sự tự hạ của Đức Ki-tô vẫn còn đang tiếp diễn mỗi ngày qua "Thân Thể mầu nhiệm của Ngài" là Hôị Thánh, qua "Nhiệm tích Thánh Thể", qua những người nghèo khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, nhờ sự tự hạ trong bí tích Thánh Thể của Đức Ki-tô mà chúng ta nhận được lương thực trường sinh; nhờ sự xoá mình kỳ diệu nầy, Đức Ki-tô đã trở nên "tấm bánh được bẻ ra" để nhân loại được trao phần sự sống vĩnh cửu. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận sâu xa cái bé bỏng, giới hạn,  tầm  thường  của

thân phận mình trước tình yêu bao la và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa để rồi biết xoá mình và yêu thương phục vụ như Ngài chúng ta mới có thể thanh thản hát lên cùng với Đức Ma-ri-a, Người Đầy tớ khiêm hạ của Thiên Chúa, bài Magnificat :

            "Linh hồn tôi ngợi khên Đức Chúa,

            thần trí tôi hớn hở vui mừng ..." (Lc 1, 46-55).

            Nhưng để được như thế, chúng ta hãy cầu xin. Đó cũng chính là tâm tình cầu nguyện mà Đại thi hào Tagore đã dệt thành những vần thơ bất hủ :

Chỉ mong Ngài lấy đi

Mong chẳng còn gì thuộc về con

Mong chẳng còn gì là của con

Để con được trắng tay

Con chỉ còn Ngài để giữ lấy

Con được chọn Chúa mãi là của con

 

Chỉ mong Ngài xoá đi

Mong chẳng còn gì để chiếm hữu

Mong chẳng còn gì ràng buộc con

Để con được ngước lên

Con tìm được Ngài là chân lý

Con được cùng Chúa đồng hành luôn

 

Chỉ mong Ngài cất đi

Mong chẳng còn gì để nắm giữ

Mong chẳng còn gì mà tự tôn

Để con chỉ biết yêu

Yêu một mình Ngài trọn đời con

Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.

                                                   (LKĐNTNK trang 20)