CHIA SẺ 2 : ĐỨC KI-TÔ CẦU NGUYỆN
 

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 

(Lc 6, 12). 

 

            Có một người thưa với Mẹ Tê-rê-xa :"Thưa Mẹ Tê-rê-xa,  Mẹ đã yêu thương đám quần chúng mà người khác xem họ như  những đống rác rưởi của nhân loại. Con muốn biết nhờ bí quyết nào mà Mẹ có thể yêu thương được như thế?". Mẹ Tê-rê-xa từ tốn trả lời :"Bí quyết của tôi thật giản đơn : Tôi cầu nguyện".

 

            Trong khi đó W.Grossoum lại nhìn thế giới với không ít bi quan khi nhận xét rằng :"Thế giới đang bịnh hoạn vì thiếu tình yêu. Thiếu tình yêu vì chúng ta không cầu nguyện đủ".

 

            Quả thật nếu chúng ta chưa cầu nguyện đũ, hoặc chúng ta chưa dám chọn "cầu nguyện", như Mẹ Tê-rê-xa, làm bí quyết để yêu thương con người, yêu thương nhau, thì thật là thích hợp khi chúng ta cùng bắt đầu "những ngày sa mạc" nầy bằng cách chiêm ngắm ĐỨC KI-TÔ, CON NGƯỜI CẦU NGUYỆN. 

 

I. Đức Ki-tô cầu nguyện không ngừng.

 

            Qua những chỉ dẫn của Tin Mừng, chúng ta gặp một Đức Ki-tô có một đời sống cầu nguyện sâu xa, liên lỉ.

 

- Từ sáng sớm đến chiều tối, Ngài đắm mình trong cầu nguyện với Chúa Cha (Mt 14, 23).

 

- Người cầu nguyện một mình trong nơi thanh vắng (Lc 9, 18).

 

- Người cầu nguyện ngay cả lúc người ta đang tìm Ngài (Mc 1, 37).

 

- Người cầu nguyện trong những lúc hệ trọng liên quan đến sứ vụ cứu thế như :

 

 

 

v     Khi lãnh phép rửa của Gioan. (Lc 3, 21).

 

v     Khi vào hoang mạc 40 đêm ngày chuẩn bị cho giai đoạn công khai của sứ vụ cứu thế. (Mt 4, 7).

 

v     Khi chọn nhóm Mười Hai làm Tông Đồ (Lc 6, 12).

 

v     Khi hiển dung trên núi Ta-bo (Lc 9, 29).

 

v     Trước khi chịu khổ nạn : - Lời nguyện tế hiến (Ga 17) - Lời nguyện trong Vườn Cây Dầu (Lc 22, 42).

 

v     Khi bị treo trên thập giá cho đến chết (Lc 23, 34-46). 

 

II. Nội dung cốt yếu trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. 

 

1). Tiếng "ABBA" (Cha ơi, Ba ơi) thân thương: 

 

            Chúng ta đừng quên rằng : dân Ít-ra-en cũng cầu nguyện với Thiên Chúa bằng tiếng "ABBA". Tuy nhiên, trong tiếng "abba" đó vẫn mang chiều kích "kính nhi viển chi", xa xôi, cách biệt, chung chung. Thiên Chúa là "Cha chung" của mọi người, của cả dân tộc Ít-ra-en, của một cộng đồng...

 

            Chỉ với Đức Ki-tô, trong Đức Ki-tô và trên môi miệng Đức Ki-tô, tiếng "abba" mới vang lên trọn vẹn ý nghĩa của tình thân mật, gần gũi, của mối thâm tình Cha-Con, của tương quan liên vị Phụ-Tử.

 

            Chính Đức Ki-tô mới là "Người Con chí ái của Chúa Cha" mà Ít-ra-en  mới chỉ là hình bóng.

 

- "Cha ơi, con tạ ơn Cha, vì Cha đã nhậm lời con" (Ga 11, 41).

 

- "Cha ơi, giờ đã đến, xin hãy tôn vinh con Cha, ngõ hầu con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17).

 

- "Cha ơi, hãy cứu con khỏi giờ nầy, nhưng chính vì giờ nầy mà con đã đến" (Ga 12, 17).

 

- "Cha ơi, xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha" (Lc 22, 42). 

 

2). Trong tiếng "CON" của Đức Ki-tô có cả nhân loại:         

 

            Nhưng cái độc đáo và cũng là khúc quanh quan trọng, tuyệt đối nơi lời nguyện của Đức Ki-tô đó là : trong tiếng "CON" mà Ngài thưa với Chúa Cha có cả nhân loại. Vâng, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Đức Ki-tô đã qui tụ tất cả nhân loại trong Ngài để đem về cho Chúa Cha. Ngài đã kéo mọi sự lên cùng với Ngài. (Ga 12, 32). Nhờ sống trọn vẹn ý nghĩa tình Con đối với Cha trong sự vâng phục thánh ý, Đức Ki-tô đã đem nhân loại vào sự sống vĩnh cửu.

 

"Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết....và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê"(Dt 5, 7.9-10). 

 

III. Hai ngàn năm Dân Chúa nguyện cầu. 

 

            1. Kinh Lạy Cha : Trung thành với lời dạy của Chúa Ki-tô, Hội Thánh, Đoàn Dân Mới của Thiên Chúa, luôn trung thành chiêm ngưỡng "Phu Quân" cầu nguyện và học cách cầu nguyện với Ngài và trong Ngài.

 

Lời kinh đẹp nhất của Hội Thánh được vang lên suốt 2000 năm qua vẫn mãi là "KINH LẠY CHA". Đây chính là lời kinh tiêu chuẩn mà mọi kinh nguyện khác phải qui hướng về. Chính nơi lời kinh nầy chúng ta gặp được hai yếu tố nền tảng  chất chứa trong hai tiếng "ABBA" và "CHÚNG CON" :

 

v     Tiếng "ABBA" (Lạy Cha) đầy thân thương diễn tả cả một chân trời của ơn cứu độ. Chẳng phải cùng đích của chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa là để chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa trong Đức Ki-tô đó sao ? Và phải chăng chính tiếng "ABBA" thân mật, gần gũi ấy đã làm cho việc mặc khải dung mạo từ nhân của "Thiên Chúa là Cha" do Đức Ki-tô mang đến trở nên sinh động và cụ thể.

 

v     Trong khi đó tiếng "CHÚNG CON" lại nói lên tính liên đới, hiệp thông, duy nhất của "đoàn dân được cứu chuộc trong máu Đức Ki-tô", tính công giáo, phổ cập của Hội Thánh là thân thể duy nhất của Đức Ki-tô (1Cr 12, 12-13).

 

 

 

            2. Những kinh nguyện đơn sơ khác.  

 

            Ngoài kinh "LẠY CHA", Dân Chúa còn có cả một "kho tàng"kinh nguyện. Trong vấn đề nầy, chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của Đức TGM F.X Nguyễn Văn Thuận  trong Bài giảng của Ngài dành cho Đức Thánh Cha và giáo triều Rô-ma từ ngày 12-18 tháng 3 năm 2000 vừa qua :

 

"Tôi thích cầu nguyện với các lời kinh phụng vụ, các thánh vịnh và thánh thi. Tôi rất thích bình ca, nên tôi nhớ thuộc lòng phần lớn. Nhờ việc huấn luyện trong chủng viện, các bài thánh ca phụng vụ đó đã thấm nhập sâu đậm trong tim tôi ! Thế rồi, các lời kinh trong tiếng mẹ đẻ rất cảm động, mà toàn gia đình đọc mỗi chiều trong nhà nguyện gia đình, làm tôi nhớ lại tuổi thơ. Đặc biệt ba kinh Kính Mừng Maria và kinh Hãy Nhớ mà mẹ tôi đã dạy tôi đọc mỗi sáng chiều.

 

Tôi yêu lời kinh của thánh Phan-xi-cô thành Assisi, người đã suốt đêm ở giữa tuyết lặp đi lặp lại :"Lạy Chúa con, là tất cả của con!", và lời kinh của linh mục Marmion, đan viện phụ Maredsous :"Lạy Chúa con, lòng thương xót của con". Thật thế, trong số các phương tiện giúp duy trì sống động tinh thần cầu nguyện, có các lời kinh rất ngắn gọn như những mũi tên bắn lên trời, mà không gì trên thế giới này có thể cấm đoán hay ngăn chặn được, chính vì chúng là hơi thở của linh hồn và là nhịp đập của con tim.

 

Tôi nhìn lên Chúa Giê-su như là mẫu gương cầu nguyện. Lời cầu của Ngài chân thành và đơn sơ hướng về Chúa Cha. Cũng có khi lời cầu nguyện của Chúa thật dài, không theo các công thức dọn sẵn, như lời cầu linh mục sau bữa tiệc ly : nồng cháy và tự phát.Nhưng thông thường, những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, Đức Trinh Nữ, và các Tông đồ thật ngắn gọn, nhưng cao đẹp, được liên kết với cuộc sống thường ngày. Tôi là người yếu đuối và nguội lạnh, tôi yêu thích cách đặt các lời kinh ngắn gọn nầy trước nhà tạm, nơi bàn làm việc, đọc trên đường đi, hay khi ở một mình. Các lời nguyện nầy càng được lặp đi lặp lại, càng thấm nhập vào trong tôi :

 

            "Nầy tôi là nữ tỳ của Chúa" (Lc 1, 38).

 

            "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa..."(Lc 1, 46-55).

 

            "Họ không còn rượu nữa" (Ga 2, 3).

 

"Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34).

 

            "Nầy là con bà, đây là mẹ con" (Ga 19, 26-27).

 

"Xin hãy nhớ đến tôi khi nào Ngài vào nước của Ngài"(Lc 23, 42).

 

            "Trong tay Chúa con xin phó thác hồn con" (Lc 23, 46)

 

            "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" (Cv 22, 10).

 

"Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự. Chúa biết con yêu Chúa" (Ga 21, 17).

 

"Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi" (Lc 18, 13).

 

Tất cả những lời cầu ngắn gọn nầy, nối liền nhau, làm thành một cuộc sống cầu nguyện. Cũng vậy, giống như một dây xích được làm nên bằng những cử chỉ kín đáo, những cái nhìn, và lời nói thân tình, tạo thành một cuộc sống yêu thương. Tất cả giúp chúng ta luôn ở trongmột bầu khí cầu nguyện, mà không buộc chúng ta phải xa rời nhiệm vụ hiện tại, nhưng trái lại giúp chúng ta thánh hoá mọi sự".

 

(Chứng nhân hy vọng, Bài suy niệm thứ mười ba, Bản Việt ngữ, trang 184-186).(Đọc thêm:"Cầu nguyện là nghệ thuật cao cả nhất"trong tác phẩm "Nên thánh thời đại mới" của Kilian Mc Gowan C.P. Bản dịch của LM JBM Trần Minh Cương, trang 231-234).  

 

Như vậy, chúng ta có thể kết luận với nhau rằng : cho dù ở góc cạnh nào, theo cách thế nào, với phương pháp nào mặc lòng, thì chiều kích căn bản của việc cầu nguyện vẫn là hướng về Thiên Chúa, gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa, ngỏ lời cùng Thiên Chúa, với trái tim và đôi tay ôm trọn anh chị em đồng loại. Đó chính là cung cách mà Đức Ki-tô đã thực hiện và để lại cho chúng ta như  mẫu gương, như chứng từ, như lời dạy căn bản. Đó cũng chính là điều mà bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau của cộng đoàn Dân Chúa, từ những tháng năm mịt mờ xa xôi của cựu ước cho đến mãi hôm nay, vẫn không ngừng thực hiện, như lời của Thánh Tô-ma A-qui-nô :"Bao lâu người ta qui hướng về Chúa, bấy lâu người ta cầu nguyện". Hay như câu định nghĩa đơn sơ, thanh thoát của Thánh Nữ Tiến sĩ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su :

 

"Đối với em, cầu nguyện là cái chớp cánh tình yêu, là ánh mắt đơn sơ hướng lên trời cao, là tiếng kêu của lòng biết ơn và của con tim giữa cơn thử thách cũng như giữa niềm hân hoan ! Sau cùng, cầu nguyện là cái gì lớn lao, siêu vời, làm triển nở tâm hồn và kết hợp em với Chúa Giê-su". Trong khi đó, Mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta đã nói với chúng ta những lời đầy xác tín :

 

 "Chúng ta hãy cầu nguyện như chúng ta cần hít thở. Hãy yêu mến cầu nguyện, hãy cảm thấy nhu cầu cầu nguyện trong ngày, và hãy cố gắng mà cầu nguyện.Tôi coi công việc của tôi như một lời cầu nguyện".