Chúa nhật XXVII thường niên - Năm B
TRẺ THƠ
SƯU TẦM

Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như những trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào đâu.

Tục ngữ Ả Rập có câu:

- Hương thơm của tuổi thơ thì xuất phát tự thiên đàng.

Còn người Ấn Độ thì bảo:

- Thức uống làm cho người ta hết khát, đó là nước. Trái cây làm cho người ta được lại sức, đó là trẻ thơ.

Những ý tưởng này đã gợi lên phần nào những nét đẹp của tuổi thơ. Thực vậy, những người đã lớn, khi nghĩ về tuổi thơ, bao giờ cũng cảm thấy một cái gì dịu mát và êm đẹp. Bao giờ cũng hối tiếc vì nó đã vuột khỏi tầm tay của mình.

Người ta đã gọi tuổi thơ là tuổi thiên thần. Vẻ đẹp của tuổi thơ không phải chỉ ở nơi mái tóc đen nhánh, ở nơi cặp mắt trong sáng hay ở nơi thái độ nhí nhảnh và nhõng nhẽo. Vẻ đẹp chính yếu của tuổi thơ là vẻ đẹp của tâm hồn. Nhờ vẻ đẹp này mà Chúa Giêsu luôn yêu thương, chúc lành cho các em, rồi đã lấy các em làm tiêu chuẩn, làm điều kiện, làm khuôn mẫu cho những ai muốn được vào Nước Trời:

- Ai không trở nên như trẻ nhỏ, thì chẳng được vào Nước Trời đâu.

Vậy vẻ đẹp tâm hồn của tuổi thơ là gì? Tôi xin thưa trước hết đó là sự đơn sơ.

Thực vậy, cặp mắt của tuổi thơ là cắp mắt của chim bồ câu, như lời Chúa đã so sánh:

- Hãy đơn sơ như chim bồ câu.

Nhìn vào cặp mắt đó, người ta sẽ thấy phản chiếu lên một sự trong sáng. Tuổi thơ không tính toán cộng trừ nhân chia. Không âm mưu, không phức tạp nhưng trước sau như một, không nghi lễ kiểu cách, không bôi bác giả hình, không rào trước đón sau…Các em hoàn toàn tin tưởng vào những lời chỉ dạy của cha mẹ, của thày cô, không một chút nghi ngờ và thắt mắc.

Từ đó, tôm hồn các em mang một nét đẹp thứ hai, đó là sự thành thật. Tục ngữ Việt Nam đã nói:

- Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.

Trước khi lên đường đi phương xa, chúng ta thường phải hỏi ý kiến những người già cả vì họ đã từng trải và có thể chỉ dạy cho chúng ta những kinh nghiệm quí giá. Trái lại, khi trở về nhà, muốn biết những gì đã xảy ra trong thời gian vắng mặt, chúng ta cứ hỏi các em nhỏ. Chúng sẽ không ngần ngại kể lại tất cả đúng với sự thật mà chúng đã ghi nhận, cho dù sự thật ấy, người lớn nhiều khi rất muốn dấu diếm.

Thái độ thành thật này cũng là thái độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta:

- Có thì nói có, không thì nói không, thêm ra bớt vào là do ma quỉ.

Một ông bố muốn trốn chủ nợ, bèn sai con ra nói với người khách bất đắc dĩ rằng:

- Bố cháu đi vắng.

Đứa nhỏ mở cổng, rồi lễ phép nói với người khách:

- Thưa bác, bố cháu sai cháu ra nói với bác rằng bố cháu đi vắng.

Đơn sơ và thành thật mà thôi chưa đủ, đặc tính thứ ba nổi bật nơi tuổi thơ, đó là sự phó thác. Thực vậy, các em cảm thấy mình nhỏ bé trước mặt cha mẹ, vì các em chưa có nghề nghiệp để tự túc tự cường, chưa có tiền bạc để sinh sống, chưa có đủ sức mạnh để chống trả với những hiểm nguy.

Chẳng hạn một em nhỏ bị đứa bạn xử ức, em khóc và không thể làm gì được. Thế nhưng, biện pháp cuối cùng em có thể thực hiện, đó là chạy về méc bu. Hay khi gặp một con chó dữ từ đàng xa xông tới, em sẽ làm gì? Chạy trốn thì không được mà chống cự thì cũng chẳng xong. Bấy giờ em sẽ không ngần ngại kêu ba, kêu má đến giúp dỡ. Đi bên ba má, em sẽ cảm thấy được an toàn.

Tuổi thơ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ, nơi người lớn mà chẳng cần biết đến lý do, mà không lo đến hậu quả. Đó cũng chính là thái độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta:

- Các con hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo cũng không gặt, thế mà chẳng con nào bị chết đói. Bộ các con không trọng hơn chim trời hay sao?

Cho đến bây giờ, Chúa vẫn hằng yêu thương chúng ta, miễn là chúng ta luôn giữ được những nét đẹp của tâm hồn tuổi thơ: đó là thành thật, đơn sơ và phó thác cho tình thương của Ngài.