Chuyên Đề An Táng
 
 

Sống ý nghĩa để được sống

Đầu tháng 11.2007, báo chí Tp.HCM đã tốn nhiều giấy mực viết về cái chết của "đoá hoa hướng dương" Lê Thanh Thuý, một cô gái trẻ luôn ấp ủ trong lòng ước mơ cao đẹp. Mọi người gọi cô là "đoá hoa hướng dương" không chỉ vì cô yêu thích hoa hướng dương, mà còn vì cô đã nỗ lực vươn lên dù biết quảng đời còn lại của mình chỉ trải qua từng ngày, từng giờ. Mặc cho căn bệnh ung thư quái ác đang hoành hành và huỷ dần sự sống, cô vẫn vui sống với những chương trình hành động đậm tính nhân văn: lo lắng, chăm sóc cho các bệnh nhi đồng cảnh ngộ. Những dự tính còn trải dài phía trước, nhưng cuộc đời Thuý đã phải dừng lại. Nhiều trái tim rung động, nhiều giọt nước mắt rơi xuống tiễn đưa một đoá hoa luôn hướng về ánh sáng mặt trời.

Hôm nay, chúng ta cũng nghe thấy những giọt lệ khóc thương người thân yêu từ bài Tin Mừng. Matta, Maria và bà con láng giềng khóc thương trước cái chết của Lazarô. Anh chết đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Người ta yêu quý sự sống, "tham sinh huý tử", nên cảm thấy hụt hẫng, đớn đau trước cái chết của một người thân yêu.

Đức Giêsu cũng bồi hồi thổn thức trước nỗi đau của nhân loại. Ngài đến với hai chị em Matta - Maria trong lúc họ đang đau khổ nhất để chia sẻ nỗi đau với họ. Ngài, trong bản tính nhân loại, cũng không cầm được dòng lệ khi người bạn chết đi. Thế nhưng, vượt qua những đau thương hiện tại, Ngài đã loan báo cho gia đình cô Matta và cho cả nhân loại một niềm hy vọng. Đó là sự sống vĩnh cửu có từ nơi Ngài: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dù có chết cũng sẽ được sống" (Gn 11,25). Sự sống lại của Lazarô chính là dấu chỉ để mọi người nhận biết Đức Giêsu là Đấng ban sự sống và sự sống lại cho những ai tin vào Ngài.

Con người yêu quý sự sống, nhưng cũng cảm thấy sự sống sao mong manh quá. Từ cổ chí kim, người ta luôn tìm kiếm đủ mọi phương dược để được bất tử, hay ít là kéo dài tuổi thọ con người. Nhưng quy luật muôn đời không thay đổi: Ai ai rồi cũng phải chết.

Cái chết tạo nên một thử thách cho đời sống đức tin của chúng ta. Có những người chỉ nhìn thấy sự chết tước đoạt của con người tất cả, nên ra sức sống buông thả, bởi chết là hết. Họ sống theo triết lý Lamã xưa: "Hãy ăn uống no say, vì ngày mai bạn có thể chết". Nhưng cũng có người sống theo quan niệm khác. Họ tin còn có sự sống vĩnh cửu. Họ sống một cuộc sống tích cực, đầy ý nghĩa để chuẩn bị cho cuộc sống đời sau và cái chết không là nỗi sợ hãi đối với họ.

Là Kitô hữu, chúng ta tin có sự sống lại. Và sự sống đời đời ấy không bắt đầu khi chúng ta chết đi mà bắt đầu ngay ở đời nầy. Nó được dệt bằng những nỗ lực trong từng công việc hằng ngày của chúng ta. Do đó, trong tất cả mọi việc, dù lớn hay bé, chúng ta hãy làm trong viễn cảnh vĩnh cửu; để nhờ những hy sinh bé nhỏ ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ được hạnh phúc khi bước qua cái chết.

Nhìn những công việc tốt đẹp của Lê Thanh Thuý, người ta nhận ra nơi cô một tâm hồn quảng đại luôn hướng về sự thiện như đoá hoa hướng dương hướng vế ánh sáng mặt trời. Ước gì mỗi người chúng ta cũng sống thế nào để mọi người nhận thấy chúng ta luôn hướng về Ánh Dương là Đức Kitô, nguồn sống của tất cả mọi người chúng ta.