Chuyên Đề An Táng
 
 

Cuộc chia ly nào cũng đau đớn. Mất mác nào cũng đau buồn và nhớ thương khi người thân, người yêu của chúng ta ra đi vĩnh viễn. Hợp rồi lại tan. Vui rồi lại buồn. Cười rồi lại khóc. Đó là quy luật của kiếp nhân sinh. Kiếp người là một hành trình đi về. Về với cội nguồn, nơi ta xuất phát. Chẳng ai sống mãi trên thế gian này. Kẻ trước người sau, lần lượt sẽ ra đi. Nhưng nỗi đau nào ai thấu khi nhìn người ta yêu về nơi vĩnh hằng không một lời từ biệt. Lời an ủi trong lúc chia lìa nhắc ta rằng: " Hỡi người hãy nhớ là bụi tro, một mai rồi sẽ trở về bụi tro" . Thật vậy, đó là quy luật của tạo hóa. Sinh lão, bệnh,tử. Ngày ta sinh ra cất lên tiếng khóc chào đời, thì ngày ta ra đi người ta khóc thay cho chúng ta vì tiếc thương ta. Nỗi đau lớn nhất của cha mẹ là mất con, nhìn thấy con chết trong đau đớn.

Những câu hỏi của Đức Thánh Cha đặt ra có thể đưa chúng ta sát gần với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su hơn. Khi chúng ta suy niệm mầu nhiệm thương khó, thì chúng ta có khóc thương như chúng ta đang chứng kiến và cảm thông với các nạn nhân bị chìm tàu đang khóc thương con của họ, hay chỉ là một biến cố xẩy ra cách đây hơn hai ngàn năm?. Cha mẹ thế gian còn biết thương con cái mình như thế, huống chi Chúa Cha, Đấng yêu thương nhân loại, thì Ngài cũng đau đớn tột cùng khi nhìn Người Con Yêu của Ngài đang bị hành hình, giết chết và treo trên cây thập giá đầy ô nhục và tủi hổ.


Thế nhưng, tình yêu Thiên Chúa không dừng lại ở đau khổ và cái chết. Thiên Chúa đã biến nó thành vinh quang của niềm vui Phục sinh. Sự sống đã chiến thắng. Đau khổ biến thành chiến thắng trước sự độc ác và sự dữ của thế gian. Chết không phải là hết mà là bước vào thế giới thiên quốc của Thiên Chúa. Đó là đức tin của chúng ta, đó là lý tưởng cho chúng ta sống và đi theo Chúa Ki-tô. Cụ thể, trang Tin mừng chủ nhật Phục sinh hôm nay đã thuật lại cho chúng ta nghe, các tông đồ đã làm chứng khi Chúa sống lại. Ngôi mộ trống, tấm khăn liệm. Tảng đá lăn ra, và Chúa Giê-su hiện ra nói với các tông đồ.

 

Khi nói về cái chết của mình Chúa Giêsu cũng dùng kiểu nói: Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha. Cái chết như vậy có nghĩa là một sự hội ngộ khiến chúng ta đựơc quy tụ về với Đấng đã sinh thành ra mình. Đây là một cuộc trở về nhà Cha thật sự. Con người có sinh có tử, đó là luật của Đấng Tạo Hoá đã an bài, không ai biết được mình sẽ ra đi vào ngày giờ tháng năm nào và ở đâu. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Tạo Hoá, con người không thể làm ra sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết.