Chuyên Đề An Táng
 
 

LỄ GIỖ 2 NĂM

Đức Cố Hồng Y F.X.NGUYỄN VĂN THUẬN.

(Ngày 15.9.2004 tại Chapelle, 88 Avenue Denfert Rochereau, 14e arrond, PARIS)

Hôm nay là Lễ giỗ 2 năm của Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận. Cám ơn Cha Minh đã có nhã ý mời tôi chia sẻ một vài cảm tưởng riêng về Ngài dịp này. Tôi sẵn lòng, vì trước đây tôi cũng là chủng sinh của Địa phận Nha Trang, từng thọ ơn Ngài là chủ chăn rất nhiều.

Quả thực, Ngài là Vị Cha tinh thần mà cuộc đời đã để lại nhiều ấn tượng; sự ra đi gieo niềm thương nhớ luyến tiếc nơi nhiều người.

Cũng cám ơn Quí ông bà anh chị em sẵn lòng nghe những phát biểu còn non yếu, bất cập, thô thiển của tôi về Ngài. Vì nói về Ngài, lẽ ra cần nhiều Vị giảng thuyết hùng hồn tài ba.

1. Cảm nghiệm đầu tiên của tôi về Đức Cố Hồng Y Thuận: Đó là một con người sống đơn giản, không màu mè, kiểu cách.

Tôi không dám dùng chữ đơn sơ, vì sợ có người hiểu lầm bảo tôi đánh giá Đức Hồng Y đơn sơ như trẻ con. Ngài đơn giản, không màu mè ngay trong cung cách giảng thuyết của một Vị Chủ chăn : Ta nhớ Ngài đã đi đây đó giảng thuyết rất nhiều và thu hút người nghe.

Trước đây, khi còn ở Địa phận Nha Trang, tôi thấy cách giảng thuyết của Ngài thế này: Kể vài ba câu chuyện. Ví dụ chuyện thời sự quốc tế đây đó; rồi chuyện trong Nước; rồi chuyện ở một xứ đạo nào đó trong Giáo Phận. Những câu chuyện thường mang tính cách hài hước kín đáo hay chút hóm hỉnh. Người nghe cười nhẹ và có cảm giác ban đầu chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng vài ba phút cuối, Ngài mới xâu kết ý nghĩa các câu chuyện lại với nhau theo một chủ ý muốn nói. Rồi dẫn đến kết luận gợi ý nhanh chóng và kết thúc.

Người nghe ngỡ ngàng cứ theo dõi, chờ đợi thêm. Rồi chưng hửng, thèm thuồng. Cách giảng ấy kích thích, bắt người nghe phải suy nghĩ bổ sung thêm về ý nghĩa của các câu chuyện và đâu là điều Đức Cha còn muốn nhắn nhủ thêm từ đó.

2. Đơn giản, vì Ngài không viết sách luận thuyết về Thần học hay hùng hồn diễn giải theo kiểu thường tình của các nhà thần học, thuyết giảng đại tài. Ngài viết trong những chương đầu của cuốn Chứng nhân hy vọng : «Con không quen nói nhiều về khoa học và thần học. Cha biết con chỉ là một cựu tù nhân»[1]. «Hãy nói như con cảm thấy. Hãy làm như Đức Giáo Hoàng đã  bảo con. Với tâm tình khiêm tốn đơn sơ!»[2

Thế nhưng, đơn giản không màu mè không có nghĩa là bên trong rỗng tuếch, nông cạn. Không có gì để nói. Không biết cách nói hay diễn tả. Nếu thế thì Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều có thèm gì muốn nghe và mời Ngài giảng tĩnh tâm vào năm 2000, năm khai mở thiên niên kỷ thứ ba!

Đơn giản mà vẫn không xa lìa Kinh Thánh, truyền thống Công Giáo và Giáo Huấn của Giáo Hội. Chính Đức Gioan Phaolô II đã khen ngợi Ngài, sau khi nghe giảng: «Hiền Đệ đã dựa vào Kinh Thánh & Giáo huấn của các Giáo Phụ, cũng như trên kinh nghiệm bản thân mà Hiền Đệ thủ đắc đặc biệt khi bị cầm tù vì Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Hiền Đệ đã làm nổi bật sức mạnh của Lời Chúa, Lời mà đối với các môn đệ Chúa Kitô vốn là sức mạnh của niềm tin, là lương thực cho tâm hồn, và là nguồn mạch tinh khiết và trường cửu cho đời sống thiêng liêng của họ»[3]

3. Đơn giản không có nghĩa là hững hờ, vô bổ, vô tích sự. Không quan tâm, lạnh lùng hay vô thưởng vô phạt.

a) Cuộc sống đơn giản của Ngài đã từng thấm sâu khi Ngài còn ở Việt Nam, ở Chủng Viện, ở Địa phận: Lần kia, có dịp dự bữa ăn ngồi gần Đức Cha. Dĩ nhiên ở tình huống đó, tôi bẽn lẽn, ăn ít và ăn chậm. Ngài ăn nhanh hơn. Nhưng vẫn để ý và sau đó, gắp bỏ cho tôi nhiều lần. Chờ tôi ăn xong, Ngài mới làm dấu kết thúc.Tôi cảm nhận thấy Ngài quan tâm đến Chủng sinh, Linh mục với tâm hồn người Cha và trái tim săn sóc của người Mẹ.

Cứ thế, các bài giảng thuyết đơn giản của Ngài đã lan tỏa sang tận Mỹ Châu Hoa Kỳ …và len lỏi vào cả lòng Đức Giáo Hoàng, Giáo Triều Rôma, trung ương Giáo Hội. Chỉ vì Ngài đã xác tín vào Tình Yêu đổi mới của Chúa Kitô, khai mở một nẻo đường hy vọng tràn trề cho mọi người bước theo.

b) Đơn giản mà không u uất thất vọng, đầu hàng đau khổ, cam tủi nhục đổi vinh quang tạm thời. Ngài xác định: «Tôi mang sợi giây này và Thánh giá này hằng ngày trên mình (sợi giây các Đức Giám Mục vẫn đeo), không phải để nhớ lại kỷ niệm ngục tù». Nhiều khi người khác nhớ lại uất hận, căm tức. Còn Ngài: «mà để giúp tôi luôn xác tín rằng…chỉ có Tình Yêu Chúa Kitô mới thay đổi được trái tim con người»[4]

Chính Tình Yêu Chúa Kitô đó đã làm mềm lòng những anh coi ngục. Có người đã để cho Ngài được viết sách tu đức khi bị quản thúc tại làng Giang Xá, để các Linh Mục ở cách xa Ngài cả 300 cây số đến gặp Ngài ban đêm để được nghe nói về Công Đồng Vaticanô II (vì trước ở miền Bắc không có ai dự CĐ Vaticanô II cả). Cán bộ coi tù dẫn Ngài đi xức dầu bệnh nhân ban đêm và cả nhờ ông ta, mà Ngài đã truyền chức Linh Mục cho nhiều chủng sinh các Giáo Phận gởi tới trong tù![5].

Rồi ngay cả khi cán bộ không biết phải viết báo cáo hằng tháng về Ngài ra sao, Ngài đã thảo giùm. Rồi anh ta ký. Cấp trên xem, khen, thưởng chai rượu cam. Đem về hai người uống chung với nhau: cán bộ coi tù và Ngài[6]

c) Đấy, đơn giản mà không rỗng tuếch, nhưng hữu hiệu: những con đường không hiểu được của Thiên Chúa! Ngay trong đớn đau, vẫn làm mục vụ, vẫn cậy trông. Vẫn gặp được an ủi. Vẫn hy vọng ngập tràn. Đơn giản, nhưng lại là chứng nhân của niềm tin và hy vọng.

Đức Thánh Cha kết luận về các bài giảng tĩnh tâm của Ngài : “Qua những lời huynh đệ và đầy khích lệ, Hiền Đệ đã dẫn đưa chúng tôi trên những nẻo đường hy vọng mà Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta… và kêu gọi chúng ta luôn canh tân trên bình diện bản thân và Giáo Hội”[7]4. Đơn giản mà vẫn hào hứng, đầy tính thuyết phục.

Đơn giản mà không ở nhưng, nhưng hoạt động như một chứng nhân tích cực. Và đơn giản mà vẫn không thấp hèn, tẻ nhạt ; nhưng ẩn chứa một ý chí cao thượng, tình cảm chân chính vĩ đại. Xin đan cử lời Ngài viết về Mẹ mình, bà cố Elisabeth : “Mỗi tối, mẹ dạy con những chuyện Kinh Thánh. Mẹ kể cho con lịch sử các Thánh Tử Đạo VN, nhất là về tổ tiên chúng ta. Mẹ dạy con yêu mến Tổ Quốc. Mẹ giới thiệu Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng như mẫu gương các nhân đức kitô giáo. Mẹ là phụ nữ mạnh mẽ đã chôn táng các anh em mình bị những kẻ phản bội thảm sát, những người mà Mẹ đã chân thành tha thứ sau đó, luôn tiếp đón họ như thể không có gì xảy ra. Khi con ở tù, Mẹ là nguồn an ủi nâng đỡ lớn lao cho con. Mẹ nói với mọi người : Xin cầu nguyện để con tôi được trung thành với Giáo Hội và ở lại nơi nào Chúa muốn”[8]

Đơn giản mà hòa quyện và bay bổng : những tâm tình yêu mến Thiên Chúa, Giáo Hội tột độ hòa quyện vào tình yêu đối với Tổ Quốc, dân tộc, gia đình…

5. Đơn giản nhẹ nhàng, mà vẫn sâu đậm lắng đọng :

“Con có một Tổ Quốc VN, Quê Hương yêu quí ngàn đời. Một Nước VN, một dân tộc VN, một tâm hồn VN, một văn hóa VN, một truyền thống VN. Là người Công giáo VN, con phải yêu Tổ Quốc gấp bội”[9]

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận là thế. Đó là cảm nghiệm của tôi về Ngài: Một người VN yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào. Một chứng nhân hy vọng, yêu Thiên Chúa, yêu Giáo Hội.