Chuyên Đề An Táng
 
 

LỄ GIỖ

1. Cuộc sống ở đời này - cuộc sống của thân xác chúng ta - thật mong manh, ngắn ngủi:

a) Thánh Kinh nói: “Đời người như hoa sớm nở chiều tàn”. Có những em bé chết yểu khi chưa nhìn rõ mặt cha, khi chưa cất tiếng gọi mẹ. Có những thanh niên đương độ xuân thì đã nằm xuống nơi chiến địa, trên công trường.

Thánh Thomas tiến sĩ chết : 49 tuổi; Nguyễn Huệ: 40 tuổi; Hàn mạc Tử: 28 tuổi; Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: 24 tuổi ; Thánh nữ Maria Goretti: 12 tuổi và Chúa Giêsu: 33 tuổi.

Ngay cả chúng ta lúc này đang ngồi đây có gì là bảo đảm? Ngày mai, hay biết đâu chỉ vài giờ sau một cơn bệnh tật (trúng gió) hay một tai nạn sẽ cướp mất ngay lập tức sự sống thân xác này.

b) Người sống 70, 80 đã là thọ. Ông Cậu tôi sống góp mặt với đời được 61 tuổi đã là quí và cũng không thoát khỏi một thông lệ: cơn bệnh quái ác đã vùi dập số mạng. Ông Cậu tôi ý thức rõ: đời người quả mong manh, vắn vỏi.

c) Thế nên, người ta thèm sống, sợ chết. Ai cũng tham sinh uý tử.

Người ta không ngớt “chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”. Trăm năm đời người có là gì so với thực vật: cây bách cây tùng (hàng mấy trăm năm). So với động vật: con rùa (sống hàng bao thế kỷ).

Cụ già tóc bạc da mồi vẫn ham sống, sợ chết. Đức Hồng Y Mercier sống 74 tuổi, khi thấy sự chết đến gõ cửa phòng, đã buồn rầu khóc than: “Ôi đau đớn thay, phải mang theo vào lòng đất bao nhiêu dự định”.

Có người sống lâu gia tăng công trạng như vua Đavit; cũng có người sống lâu chất chứa tội ác như vua Salômon. Có người qua đi muôn đời nhắc nhớ, tiếc nuối; có người còn sống đã khối kẻ oán hận rủa hờn.

Khoa học cố lắm cũng không ngăn con người khỏi chết, có chăng chỉ kéo dài cuộc sống thêm được chút ít thời gian nữa: năm 1850, trung bình con người sống đến 40 tuổi; năm 2000: hơn 60 tuổi.

Vậy phải chăng sống lâu không quan trọng bằng sống lành?

Phải chăng chết vinh hơn sống nhục?

Phải chăng sống ngọt sống bùi, dẫu ngắn ngủi cũng cao quí hơn, đáng ước ao hơn là sống dai dẳng mà sống khê sống sượng!

Cha ông vẫn nói: Thà rằng ăn nửa quả hồng,

Còn hơn ăn cả chùm sung chát lè !

2.Ông Cậu tôi chắc chắn giờ này hiểu rõ đời sống không hệ ở thời gian vắn dài, nhưng là ở phẩm chất của cuộc sống.

Ông hiểu rõ lời Phúc Âm: “Ai ham sống, sẽ mất sống” (Ga 12, 25). Còn ai mất mạng sống đời này vì Ta, tức vì Chúa, sẽ giữ linh hồn được sống đời sau.

Thật ra, chúng ta sợ chết vì chết gây chia lìa, xa cách người thân; chết khiến ta không đem theo được những cái cả đời ta mất công tìm kiếm, tích góp; chết mang theo một bí ẩn: ai có kinh nghiệm sau chết sẽ ra sao?

3. Chỉ mình Đức Kitô có kinh nghiệm này: vì Người là sự Phục sinh. Người duy nhất tự sống lại từ cõi chết. “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta sẽ không chết đời đời”.

Tội Ađam-Evà đã đem đau khổ, sự chết chóc vào trần gian.

Chúa Giêsu đã chết, chấp nhận chết thay để chuộc tội ta. Người không cứu ta khỏi cái chết thể lý, mặc dù Người có thể và Người đã bao lần làm phép lạ (bằng uy quyền Thiên Chúa của Người) làm hồi sinh sự sống thân xác. Nhưng bằng sự sống lại đã giải thoát ta khỏi chết muôn đời, nghĩa là khỏi sự chết thiệt mất phần linh hồn. Ta có tin vào Ơn Cứu Độ của Người không?

Nếu có, thì giờ đây ta hãy sốt sắng dâng lễ tế cứu độ của Người, để xin cho người thân yêu của chúng ta, linh hồn Giuse, khỏi chết đời đời.