Chuyên Đề An Táng
SỰ CHẾT – MỘT HY LỄ
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

                                                                                                                              

   

 Sự đáp trả của con người chỉ đẹp lòng Thiên Chúa khi họ biết vâng phục hòan tòan. Một của lễ được Thiên Chúa chấp nhận là khi người ta dâng hiến với thái độ tự nguyện và yêu mến.  

 Cuộc sống con người là một hy lễ liên tục từng giây từng phút ; khi họ có ý thức cao thì tất cả mọi sự đều có giá trị. Thánh Phaolô đã nói: “ Mọi sự đều có lợi cho những kẻ có lòng mến”.  

 

 Ai đó đã một lần có của lễ dâng cho Thiên Chúa sẽ hiểu được tâm tình và ước muốn của mình ra sao. Và hẳn nhiên họ cũng phải chuẩn bị cho mình có một tâm hồn xứng đáng khi đến với Chúa. “ Nếu anh đến dâng của lễ mà sực nhớ người anh em đang có chuyện bất bình với mình, thì hãy để của lễ lại, đi làm hòa với người anh em đã”. Thiên Chúa luôn muốn cho con người làm đẹp lòng Ngài. Đấy cũng là lý do làm cho cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa và có giá trị thực sự.

 

 

Một cách nào, cái chết của người thân yêu chúng ta cũng là điều đẹp lòng Chúa. Nên người công chính dù có chết non, cũng được an nghỉ. Vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi”( Kn 4, 7-8) ; “Người công chính đẹp lòng Thiên Chúa, nên được Thiên Chúa yêu thương. Và họ sống giữa những kẻ tội lỗi, nên được Thiên Chúa dời đi nơi khác”(c.10). Như vậy, chính Thiên Chúa là Đấng chủ động đón nhận cái chết của con người như  một hy lễ, đặc biệt là cái chết của người công chính. Chúng ta vẫn nói rằng:“Hoa thơm Chúa hái về sớm”.

 

 

     “Thế gian”, theo ý nghĩa của Kinh thánh còn mang một nội dung xấu xa, tội lỗi và là kẻ thù của Thiên Chúa nữa. Nên Chúa Giê-su đã nói cho các môn đệ biết rằng : “ Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước”(Ga15, 18). Và Ngài còn nêu rõ quan điểm của mình hơn trong lời cầu nguyện cho các môn đệ trước khi chịu chết: “ Con không cầu nguyện cho thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian…”(Ga 17, 9.15 – 16). Vì vậy được Thiên Chúa gìn giữ trong thế gian này trước những thế lực của sự ác, sự tội là một điều phúc. Ngược lại, được Thiên Chúa cất ra khỏi thế gian “kẻo sự gian tà biến đổi lòng họ, hoặc sự gian dối lừa đảo linh hồn họ”(Kn 4, 11) cũng là điều rất phúc. Ở đây chúng ta lại bắt gặp một sự tách biệt dứt khóat, có thể là đọan tuyệt với thế gian nữa, vì cái nghĩa hòan tòan xấu xa của nó. Hy lễ trong sự chết phải trở thành của lễ hòan tòan thánh thiện, được tách biệt khỏi những cái phàm tục của thế gian để từ nay chỉ thuộc trọn về Chúa mà thôi ( thánh - theo nghĩa của Thánh Kinh). Có thể, chúng ta không chọn lựa để chết hoặc chẳng xứng đáng chút nào so với sự thánh thiện của Thiên Chúa nhưng trước hết, vì Ngài muốn đón nhận chúng ta như một của lễ và chính Ngài khởi xứng điều này. 

 

        Thiên Chúa nhìn thấy nơi sự chết của con người chúng ta là một sự hy sinh cuối cùng trong cuộc sống của họ. Sự hy sinh ấy thuộc về Thiên Chúa một cách trọn vẹn khi họ dâng nó như một hy lễ. Cái chết đã gom góp tất cả mọi sự hy sinh khác trong đời về cho Chúa trong một của lễ duy nhất. Nếu như người ki-tô hữu ý thức rằng họ được sinh ra trong trần gian để làm theo ý Chúa thì bản thân sự chết muốn diễn tả điều ấy một cách rõ ràng nhất, bởi sống chết nơi ta thuộc quyền Thiên Chúa. Nếu như người ki-tô hữu muốn tìm thánh ý Thiên Chúa trong đời thì không gì rõ hơn bằng sự vâng phục trước cái chết của mình. 

 

 

 Cuộc tôn vinh Thiên Chúa Cha của Đức Giê-su đi đến đỉnh cao của nó, khi Ngài vượt qua tất cả mọi trở ngại và thử thách trong cuộc đời và nhất là trong cuộc thương khó, để cuối cùng Ngài thốt lên được: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” ( Lc 23, 46), đấy mới là của lễ trọn vẹn. Như vậy, mạng sống con người chỉ có giá trị khi nó được hòan lại cho Thiên Chúa là chủ tể sự sống. Đây là một sự thách đố về niềm tin nơi người ki-tô hữu khi phải đương đầu với đau thương, mất mát. Chính vì thế, để trở thành một hy tế hòan hảo qua sự chết là một điều khó khăn và họ gặp phải một sự giằng co không nhỏ. Dẫu vậy, trong sự đón nhận của Thiên Chúa là một yếu tố căn bản để hy lễ ấy có giá trị thực sự và giá trị đời đời nữa. Từ đó, chúng ta dám buông thả tất cả cho Thiên Chúa lôi cuốn để cuối cùng tan biến trong Ngài như thực tại của cái chết nơi các yếu tố vật chất vậy.

 

 

 Sự chết từ nay trở thành một điều quí hóa trước mặt Thiên Chúa vì nó không vô nghĩa nhưng được thăng hoa giá trị nhờ cái chết của Đức Giê-su Ki-tô trong hy lễ cuối cùng của Ngài.