Chuyên Đề An Táng
SỰ CHẾT – MỘT GIẤC NGỦ
 Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

Ngủ là một nhu cầu rất quan trọng và không thể thiếu của con người. Ngủ để lấy lại sức khỏe thân xác và tinh thần. Y học cho rằng giấc ngủ là loại thuốc bổ nhất trong các lọai thuốc bổ.

 

 

Sau một giấc ngủ người ta cảm thấy thỏai mái và bớt đi sự căng thẳng, mệt mỏi nào đấy. Giấc ngủ chính là một nhu cầu nghỉ ngơi của con người, nên một danh nhân đã nói: Tôi không bao giờ đứng khi có thể ngồi và không bao giờ ngồi khi có thể nằm. Trong tất cả mọi nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thì giấc ngủ là quan trọng nhất. Ta tự xét lấy cuộc đời mình bỏ ra bao nhiêu thời gian để làm việc, còn bao nhiêu thời gian đề ngủ? 

 

           Không riêng gì con người chúng ta, mà muôn loài cũng đều phải ngủ. Thế nhưng giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đối với sự hoạt động tinh thần và cả cuộc sống con người . Thiên Chúa ban cho con người có một giấc ngủ.Và sự chết là một giấc ngủ dài nhất!

 

          Sự chết đưa con người vào giấc ngủ gần như là thiên thu mà người ta gọi là an nghỉ. Một tình trạng hoàn toàn tĩnh đúng nghĩa về mọi phương diện.Tình trạng này đưa con người thoát ra khỏi mọi sự chi phối khác trong vũ trụ nhưng họ vẫn tồn tại trong vũ trụ. Thế nên ta mới nói rằng: chết không phải là hết. Cũng như giấc ngủ của ta là để tiếp tục sống và làm việc cho những ngày tiếp theo, còn hơn thế nữa là muốn nó hay và tốt hơn ngày qua. Sự chết bảo đảm cho con người một giấc ngủ để đi vào thế giới màu nhiệm, thần thánh. Trong thế giới ấy không có một thứ vật chất nào nhưng lại rất  đẹp và làm cho người ta thỏa mãn được mọi khát vọng khác, chẳng khác gì những giấc mơ, trong đó chúng ta thấy mình có đủ thứ mình chưa có bao giờ nhưng chỉ là một thứ thuộc lãnh vực tinh thần mà thôi! Chính nó giúp cho giấc ngủ của ta được sâu hơn. Kinh nghiệm cho thấy giấc ngủ ngon là giấc ngủ có mơ màng và không có giấc ngủ nào mà không có mơ, chỉ tội khi thức dậy ta không còn nhớ nữa thôi.

 

 Sự chết đưa con người vào giấc ngủ triền miên mà người ta cứ phải mơ màng hoài, tức là khát vọng điều chưa đạt được. Người ta mơ về một thực tại có thật chứ không phải là huyền ảo nữa. Người ta khát vọng điều đã gắn chặt vào bản chất của họ mà bây giờ họ đang tiến lại gần nó để nhận ra nó một cách rõ ràng nhất. Hóa ra giấc ngủ ấy là điều chính đáng và rất tốt đẹp để con người thực hiện được những cơn mơ mộng không thực tế trong cuộc đời này. Vì thế người ta cần phải ở trong giấc ngủ ấy lâu dài để chìm đắm rồi chiêm ngưỡng được những thực tại này bằng sự nhận biết của linh hồn.Tuy nhiên người ta không thể hạnh phúc trọn vẹn nếu cứ mơ màng và khát vọng triền miên trong giấc ngủ! Thành thử ra họ phải được đánh thức dậy. Đã ngủ thì phải thức dậy.

 

 Đức Giê-su trước khi làm cho con gái ông Giai-rô sống lại đã nói : “Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Rồi Người cầm tay nó, lên tiếng gọi: “Này bé, chỗi dậy đi!” (Lc 8, 49-56). Đức Giê-su đã quan niệm sự chết là một giấc ngủ nghĩa là một việc hết sức bình thường và việc thức dậy cũng chẳng có gì khó khăn lắm. Nó chỉ là một sự nghỉ ngơi của thân xác. Dẫu sao, thì ta phải luôn nhìn nó trong quyền năng của Thiên Chúa. Từ cái nhìn này, nó làm cho sự chết của ta tràn đầy hy vọng.

 

      Giấc ngủ của sự chết đang chờ đợi Thiên Chúa đánh thức, chờ Thiên Chúa cho phục sinh. Đó chính là lúc Thiên Chúa thổi Thần Khí của Ngài vào để họ có sự sống mới. Sự sống sau giâc ngủ cũng như sự phục sinh sau cái chết có một sức mạnh lạ thường và mới mẻ hòan tòan bởi nó đã được biến đổi từ trong nội tại. Giấc ngủ trong sự chết chưa đầy ba ngày của Đức Giê-su chứng minh điều ấy. Ngài là Người tiên khởi khai mào cho một sự sống mới để mở một con đường hy vọng sống lại cho tất cả mọi kẻ chết an giấc từ bao đời nay. Như vậy, việc thức giấc của Đức Giê-su thật quan trọng và việc thức giấc này nói lên rằng đây là lúc Ngài ra tay thực thi quyền năng phi thường của mình, cũng như đã có một lần đức Giê-su ngủ trên thuyền các môn đệ lúc bị cuồng phong bão táp; sau khi thức dậy Ngài đã ra lệnh cho sóng gió yên lặng (Lc 8, 22 – 25).

Con người chúng ta không thể tự mình sống lại nhưng nhờ vào sức mạnh quyền năng của Thiên Chúa. Đấy là niềm xác tín cơ bản khi chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính “Tôi tin xác lòai người ngày sau sống lại”. Rõ hẳn trong lời tuyên xưng này cho ta hiểu về một giấc ngủ của kẻ chết là có thời hạn chứ không vô thời hạn. Và số phận của kẻ chết nằm trong một chương trình đã được qui họach hẳn hoi. Dầu sao, khi còn đang sống trong thời gian thì chúng ta vẫn cảm thấy như là một sự chờ đợi vô hạn, nhưng khi quan niệm nó là một giấc ngủ như Đức Giê-su thì tự nhiên ta sẽ có một cảm nghiệm và một sự tin tưởng khác.