Chuyên Đề An Táng
 
 

LỄ AN TÁNG

Mt 25, 1-13

Đầu lễ:

Chết là gặp gỡ và kết hợp bất khả phân ly với Chúa Kitô. Nếu thế, bài Tin Mừng “10 cô phụ dâu đi đón chàng rể” trong khung cảnh lễ An táng hôm nay thật thích hợp, để chúng ta đến tiễn đưa người quá cố này về “nhà chồng”, về ngôi nhà mà ông sẽ sống muôn đời, hay đúng hơn là đời đời kiếp kiếp.

Giảng lễ:

I. Sống là hẹn hò.

Đời người mãi mãi là cuộc hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa. Không ai xác định được thời hẹn, nhưng có thể xác quyết được điểm hẹn.

1.Không hẹn giờ: “Chàng rể đến”, đó là tiếng hô của người xướng lễ báo hiệu tiệc cưới bắt đầu. Tại sao các cô phụ dâu lại luýnh quýnh cả lên như vậy? Chẳng qua là vì chàng rể đến mà không hẹn giờ trước. Khác với phong tục Việt nam ngày xưa: Chàng rể đến nhiều khi còn phải đợi ngoài ngõ, chờ đúng giờ tốt mới được nhà gái cho phép vào.

Dù sao, chờ đợi luôn là yếu tố tất nhiên phải có đi kèm với hẹn hò ước nguyện. Không riêng gì người quá cố, mà cả chúng ta đây luôn sống trong niềm hy vọng về một Đấng vẫn đang hiện diện và đồng hành, nhưng vẫn chưa phải là giáp mặt. Có lúc ta thoáng thấy Người, dường như nghe được cả tiếng Người mời gọi; nhưng rồi lại hụt hẫng (như hai môn đệ trên đường đi Emmaus), vì Người không còn ở đó, mà lại hẹn gặp ở nơi khác.

2. Nhưng hẹn gặp: Dụ ngôn cho biết cả mười cô phụ dâu mệt mỏi đợi chờ và đã ngủ thiếp đi, nhưng trong thâm tâm các cô vẫn đinh ninh chàng rể sẽ đến. Chẳng bao lâu nữa chàng sẽ đến! Chẳng bao lâu nữa giây phút cuối cùng của đời người sẽ đi vào vĩnh cửu, giống như giây phút lìa trần của người hấp hối.

Giây phút chia ly để lại sự thương nhớ cho người tại thế, nhưng lại có thể là nỗi vui mừng khôn tả của người đã khuất, vì bây giờ không còn là đợi chờ hẹn gặp, mà là gặp gỡ diện đối diện.

Lẽ nào ta không vui niềm vui của các cô phụ dâu khi tiệc cưới bắt đầu, khi tân lang đang ở giữa họ? Lẽ nào ta không vui với ông M., khi ông đang ở với Chúa Giêsu, Đấng cả đời ông đã chờ đợi hẹn hò gặp mặt.

II. Chết là gặp gỡ.

Chết không phải là hết: bởi sự chết không phải là đích điểm mà chỉ là bước khởi đầu của gặp gỡ, của hạnh phúc hưởng kiến Thiên Chúa.

1. Khai mở sự sống: Làm người ai chẳng hy vọng hay khao khát ? Thế mà cái chết lại cắt ngang mọi dự định tính toán, bỏ dở mọi thành đạt của con người. Thế nhưng niềm tin Kitô giáo không cho phép dừng lại ở cái chết.

Đời sống của người đã khuất chỉ là thay hình đổi dạng, chứ không bị tiêu diệt. Đối với người yêu mến Chúa thì đó lại là ngày “sinh nhật Nước Trời”, như lời Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu trên giường hấp hối: “Tôi không chết, nhưng đang bước vào cõi sống”.

Theo sau quan tài là kẻ than người khóc, còn bản thân người quá cố mới chỉ là bắt đầu, vì thời kỳ thai nghén lâu dài nay đã chấm dứt và sự sống vĩnh cửu dường như mới khởi sự.

Thế gian hôm nay vẫn đẫy dẫy sự chết, nhưng chết chỉ là trong giây lát như để bước đi từ tạm thời sang vĩnh cửu. Tuổi thơ phải qua đi mới đến tuổi trưởng thành. Con sâu phải lột xác trong đau đớn mới thành con bướm và hạt lúa cũng phải chết đi trong lòng đất mới trổ sinh mầm sống mới.

Sự sống mới ấy là gì nếu không phải là được chấp nhận vào sự sống vĩnh cửu, là gặp gỡ thân tình với Đấng là nguyên thuỷ và cùng đích của mọi loài ?

2. Khởi đầu gặp gỡ: Dụ ngôn mười cô phụ dâu làm nổi bật ý tưởng phải tỉnh thức và sẵn sàng trước những bất ngờ, nhất là những bất ngờ về sự chết (Mt 25,13). Dụ ngôn còn cho thấy niềm hoan hỷ được gặp mặt chàng rể trong tiệc cưới Nước Trời của các cô khôn ngoan. Sở dĩ được gọi là khôn, vì các cô biết lo liệu, không phung phí để có thể thắp sáng đời mình vào giây phút trọng đại khi chàng rể đến.

Thực ra trong quãng đời tại thế, tìm Chúa và gặp Chúa là hai mặt của một quá trình. Tìm Chúa là đã gặp Chúa. Càng gặp gỡ càng thôi thúc kiếm tìm như cảm nghiệm của Thánh Augustinô: “Tâm hồn con vẫn khắc khoải chờ mong cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.

Chúng ta cầu xin cho người quá cố này bắt đầu một cuộc gặp gỡ bất khả phân ly với Đấng là hạnh phúc đích thực. Xin ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô Phục sinh thắp sáng đời họ, để họ theo Người vào phòng cưới Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa từng cầu nguyện với Chúa Cha: “Con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con cũng sẽ ở đó với con” (Ga 17, 24). Vậy khi Chúa mong ước về cùng Chúa Cha, thì Chúa cũng muốn sự có mặt của con (của ông M.) nghĩa là bao lâu con chưa về trời thì trong lòng Chúa vẫn có bóng hình của con, vẫn hẹn hò và chờ đợi con. Hôm nay người thân yêu của con đã ra đi trước con về Bến Hẹn và đang chờ đón con, vì chúng con có chung một Điểm Hẹn là chính Chúa. Xin cho người thân yêu của con sớm được yên nghỉ bên Chúa, để một ngày kia đời con đến hẹn cũng sẽ gặp được cả Chúa lẫn người thân.

(theo Phạm Công Phương, trong Đồng Hành).