Chuyên Đề An Táng
“Bộ mặt thế gian này đang qua đi”
 

 

 “Praeterit figura hujus mundi,” (1 Cr 7, 9).

 

Description: DSC06197

 

Vào tháng 9 năm 1648, trước ngày chịu chức Phó Tế, Đức Cha Jacques Bénigne Bossuet (1627-1704) đã suy niệm về sự chết như sau: “Ðời người không đáng là bao, và tất cả những gì có cùng có hạn đều chẳng đáng là bao. Người ta có sống trên đời này lâu dài bao nhiêu, cho đi một nghìn năm, thì rồi cũng đến ngày hết hạn. Cuộc đời tôi sống được tám mươi tuổi là cùng; cho được một trăm tuổi đi nữa, đã có một lúc tôi chưa có! Và đến một lúc tôi sẽ không còn nữa! và thời gian tôi sống, tôi chiếm một chỗ quá ít ỏi trong vực thẳm vĩ đại của thời gian! tôi chẳng là gì cả; cái khoảng thời gian ngắn ngủi đó không thể làm cho tôi khác biệt nhiều với cái hư vô mà tôi phải đi đến. Ðường đời tôi đi chỉ được tám mươi năm là cùng, và để đi đến đó, tôi phải vượt qua biết bao nhiêu hiểm nguy, biết bao nhiêu bệnh tật, v...v? ... và tất cả những gì tôi thấy cũng chỉ là điều hão huyền: “Praeterit figura hujus mundi,” “Bộ mặt thế gian này đang qua đi.” (1 Cr 7, 9).

 

Vâng, đời người không đáng là bao, vui ít buồn nhiều, những ngày tháng gian lao khổ cực nhiều hơn những ngày vui như lời Thánh Vịnh 90 đã viết:

 

“Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục

 

Mạnh giỏi chăng là được tám mươi

 

Mà phần lớn chỉ là những gian lao khốn khổ

 

Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi”  (Tv 90, 10).

 

Có lẽ Nguyễn Gia Thiều cũng đã cảm thấu được sự hư vô của kiếp người khi ông viết những dòng bi ai trong Cung Oán Ngâm Khúc:

 

“Thảo nào khi mới chôn nhau,

 

Đã mang tiếng khóc chào đời mà ra!” (câu 55 - 56)

 

...“Nghĩ thân phù thế mà đau,

 

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.” (câu 67 - 68)

 

 

 

Tại sao? Tại sao con người ta báo hiệu sự hiện hữu của mình trên cõi đời này không phải là một tiếng cười mà là một tiếng khóc? Phải chăng đó chính là dấu hiệu tiên báo về một cuộc đời đau khổ - “đời là bể khổ” theo nhân sinh quan Phật Giáo?

 

Quả thực nếu chỉ nhìn cuộc đời và cái chết như những viễn cảnh trên thì thực sự bế tắc và u uất. Sự chết đúng là một thực tế đáng sợ và là một sự thật không thể chối cãi. Nó cũng là sự công bằng đối với tất cả mọi người, từ “hạng thường dân đến người quyền quý, hạng phú gia với kẻ cơ bần” đều phải chết. Nói khác đi, cái chết là một bí ẩn và là sự bất lực của cả nhân loại. Đứng trước cái chết, “con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời... Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người. (GS 18).

 

Nhưng người kitô hữu chúng ta không sợ sự sống, không chán ngán cuộc đời và cũng không sợ sự chết, bởi vì “Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết. Vậy đức tin với những lý chứng vững chắc đem lại giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình. Đồng thời đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những anh em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô, và làm cho họ hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự nơi Thiên Chúa” (GS 18).

 

Biết được như thế, sống được như thế và làm được như thế, chúng ta không coi coi sự chết như một sự thù địch, nhưng trái lại, chúng ta phải biết ơn sự chết, vì nó chính là cánh cổng đưa chúng ta đi vào sự sống trường sinh, một sự tái sinh bất diệt trong Đức Kitô, một sự giải thoát đưa chúng ta tới sự sống viên mãn trong vương quốc của Ngài.

 

Description: DSC05948

 

Trước cái chết của Đức Cố Giám Mục Alexis trong ngày Lễ Chúa Kitô, kết thúc năm phụng vụ, khiến chúng ta hồi tâm phản tỉnh để trở về với cõi lòng để nhìn lại những ngày tháng mà chúng ta đang sống, ngày mà chúng ta sẽ từ giã cuộc đời này. Chúng ta sẽ đi về đâu? Đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời này? Đâu là những giá trị để chúng ta bám víu? Để từ đó chúng ta tìm ra câu trả lời cho những hành động của mình khi mùa phúc vẫn còn: Vì ai mà ta sống? Vì cái gì để ta hi sinh? Và vì lý tưởng nào để chúng ta phấn đấu? Nói cách khác, cái chết của Đức Cố Giám Mục trong dịp cuối năm phụng vụ hướng chúng ta nghĩ đến thời cánh chung, hướng về sự sống đích thực và vương quốc vĩnh cửu - Vương quốc của Đức Kitô - Vương quốc tình yêu và công lý. Đó là sự tỉnh thức và khôn ngoan như Chúa hằng mong muốn.

 

Đức Cố Giám Mục Alexis là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà Chúa đã đặt lên coi sóc Giáo phận. Ngài đã biết lựa chọn những giá trị vĩnh cửu khi còn tại thế để rồi hoàn tất cuộc đời một cách êm ái như đi vào giấc ngủ sâu. Ngài đã hiến trọn thân mình để dấn thân phục vụ những giá trị Tin Mừng trong niềm hân hoan và tận tụy, như lời Ngôn sứ Isaia: “Đẹp thay bước chân người đi gieo Tin Mừng – Pheo kơ Dôm Yak Jơ\ng Bo#k Jai Bơ\r Xô Pheo” (Is 52,7). Đó là điều tâm niệm của người mục tử nhân hiền khi còn sống, và đã được một nghệ nhân khắc họa tinh tế trên linh cữu của ngài bằng hai thứ tiếng để theo ngài đi vào lòng đất.

 

Description: DSC06190

 

Description: DSC06188

 

 

 

Con cái ngài vẫn tề tựu quanh ngài để nhìn ngắm một người cha hiền hậu đang an giấc trong Chúa Kitô Phục Sinh và cùng nhau suy gẫm về sự chết, suy gẫm về sự vô thường của trần gian. Nó đang qua đi cùng với tất cả các giá trị trong nó. Cuộc sống là một chuỗi những u sầu, bèo bọt, thê lương và tang tóc nếu vắng bóng Thiên Chúa Tình Yêu. Kiếp người quả đau khổ như tiếng khóc lúc chào đời, nhưng hãy sống sao để khi từ giã cõi đời, mọi người chung quanh khóc lóc vì lưu luyến nhớ thương, còn ta mỉm cười thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng. Muốn được như thế, cần phải biết sống trọn vẹn cuộc sống của chính mình, biết trao tình yêu, sự tha thứ, biết phụng sự Chúa và tha nhân trong cuộc đời phù du mau qua chóng hết này. Hay nói như Thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Vì thế, “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 39).

 

Description: DSC06186

 

 

 

“Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết.

 

Ôi Thượng Đế, kính lạy Người lần cuối.

 

Như đàn hạc hoài hương,

 

ngày đêm hối hả bay về tổ ấm trên núi cao,

 

xin cho đời tôi phiêu du tới quê hương vĩnh cửu ngàn thu”

 

(Thơ: Tagore)

 

 

 

Ban Truyền Thông – Văn Phòng TGM Kon Tum

 

(ngày 20.11.2011)