Chuyên Đề An Táng
 
 

LM MARTINÔ TRẦN VĂN ĐOÀN

NĂM 1992  PHOTO TRƯỜNG THĂNG.

Kính thưa Đức Cha Giuse , Giám mục Đà Nẵng.

Đức Đan viện phụ, đan viện Thiên An.

Thưa toàn thể gia quyến huyết tộc, linh tông, thân hữu  cha  Martinô.

Quý vị khách quý, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và toàn thể anh chị em.

 

Dẫu biết rắng : “nhân sinh tự cổ thùy vô tử”. Con người từ xưa ai không chết. Có sống, có chết.

Dẫu biết rằng “sinh ký tử quy“, sống gửi chết về.

Dẫu biết rằng cuộc sống nhân sinh ” như bóng đèn, như mây nổi như gió thổi như chiêm bao”, một giấc mơ không trọn, một giấc Nam Kha, “nồi kê chưa chín”. Công danh phù thế như lá rụng đầy sân, như bèo dạt hoa trôi, nước chảy qua cầu, bóng ngựa qua cửa sổ.

 

Lại được Lời Chúa và đức tin soi dẫn.

 

Chúng ta biêt rất rõ : Cát bụi sẽ trở về cát bụi. Biết đi đâu, về đâu. Sống là một cuộc lữ hành, chết là được về bên Chúa. Biển đời ta chèo chống, nhưng thiên đàng mới là bến đậu.

Dù biết rõ Chúa là “sự sống lại và là sự sống”.

Dù vẫn tin vào lời ca ” chết đi là khi vui sống muôn đời” và khi Chúa thương gọi về ” hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ”

Thế nhưng mang trái tim con người xác thịt, chúng ta không khỏi ngậm ngùi khi phải ly biệt những người thân yêu, một chuyến đi với lời hẹn “xin vĩnh biệt mọi người, tôi ra đi lần cuối, không bao giờ trở lại, hẹn nhau trên nước trời“. Làm sao có thể ngăn dòng lệ trên bờ mi khi mãi mãi không “còn thấy nhau trên cỏi đời nầy”, không nghe tiếng nói, không còn nắm được bàn tay ấm áp, không còn nhìn thấy nụ cười, chia xẻ với nhau niềm vui và nổi khổ!

Một cuộc chia ly quá sức chịu đựng của trái tim con người.

Chỉ trong thời gian chưa  đến một năm, giáo phận Đà Nẵng chưa có thêm một tân linh mục nào lại phải tiển đưa đến năm vị : lm Phêrô Lê Như Hảo, Lm Giuse Ngô Đình Chính, Lm F.X Nguyễn Tiến Cát, lm Gioan Baotixita Nguyễn Bá Vi và hôm nay linh mục Martinô Trần Văn Đoàn.

Ngày 11 tháng 11 vừa qua, linh mục còn nhận nhưng lời chúc mừng quan thầy Martinô, qua điện thoại ngài báo cho biết tình hình sức khỏe khá hơn. Mọi người chờ đợi ngày cha trở về giáo phận Đà Nẵng thân yêu.

Và cách đây hai hôm, ngài đã trở về, trở về  trên một chiếc xe tang.

Ý Chúa thật nhiệm mầu.

Tin  cha Martinô qua đời đã loan nhanh với tốc độ ánh sáng qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Gần như đồng lúc mọi người quen biết tại Việt Nam và trên thế giới bàng hoàng : làm sao chuyện nầy có thể xảy ra? Nhưng cuối cùng tất cả phải đón nhận sự thật không vui nầy.

Cha ra đi vào năm 73 tuổi, sau 45 năm phục cụ Thiên Chúa, Giáo hội và quê hương. Một khoảng thời gian tương đối dài so với đời người, nhưng mấy ai sống bên ngài lâu năm mà biết rõ về ngài? Nếu không có những thông tin chính tay ngài ghi và lưu lại trong công hàm giáo phận Đà Nẵng, có lẻ chúng ta sẽ rất lúng túng khi ghi lại lý lịch trích ngang.

Từ làng quê Thanh Hương, cậu bé Martinô đã ước muốn dâng mình cho Chúa trong dòng nhưng mộng không thành  như lời ngài tâm sự với các đệ tử ruột, khuyến khích họ đừng nản lòng ” hồi nhỏ đi tu cha học kém nhất, có lần bị đuổi nhưng nhờ có chị làm “xơ” mới đi tu tiếp” . Nên nhớ lại  khi Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi về  địa phận Qui Nhơn, nhận thấy quá thiếu linh mục mà đào tạo qua Tiểu chủng viện phải mất nhiều thời gian và ngài tìm ra giải pháp là “tu muộn“. Chính nhờ dịp may đó mà anh Martinô  trở thành linh mục. Cha thường nói “cha đi tu muộn ” là vậy.

Từ Qui Nhơn, Gia Hựu đến Chủng viện Xuân Bích Huế, rồi làm linh mục phục vụ nhiều nơi như Tam Kỳ, Hà Tân, Tam Tòa, Hòa Ninh…mái tóc sớm bạc màu, cái lưng cong cong, bóng dáng của cha Martinô in đậm nét trong lòng mọi người.

Giờ đây xin cho phép tôi được đại diện cho tất cả bày tỏ vài tâm sự trước linh cửu cha Trần Văn Đoàn.

 

Cha Martinô kính mến.

Chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa thân xác cha sẽ được đưa vào lòng đất mẹ. Nhận nhiệm vụ nói lên những lời tưởng niệm và từ biệt, con cảm thấy bối rối và lúng túng vì tuy quen biết nhau trên 40 năm, con cũng chưa thực sự biết rõ ngọn ngành. Ngay cái giáo xứ Thanh Hương cha ghi con cũng không tìm thấy trên mạng Tổng Giáo phận Huế. Bạn bè cha cũng không rõ tại sao cùng lớp, cùng chịu chức ngày 13 tháng 6 mà họ thì bảo do  tay Đức cha Phêrô Maria, còn cha lại ghi Đức cha Paul Seitz Kim, giáo phận Kontum.

Tuy vậy, mọi người sẽ đồng ý với con rằng linh mục Martinô là một con người rất dễ thương.

Từ quê hương Thanh Hương Phong Điền, đến Qui Nhơn, Gia  Hựu. Từ Hà Tân, Tam Tòa đến trại giam Hòa Sơn hay An Điềm. Từ Hòa Ninh đến Manila, Hoa Kỳ. Từ vai trò giám đốc ơn gọi dự tu đến nhà hưu dưởng. Bất cứ nơi đâu và thời gian nào cha vẫn giữ được nét mặt vui tươi, ánh mắt hiền lành, giọng nói chậm rãi, từ tốn và một nụ cười mĩm rất có duyên.

Mùa xuân năm 1974, cha không tìm được linh mục nào cùng cha lên Hà Tân giúp giáo dân chuẩn bị Năm Thánh 1975. Cha đã thuyết phục con leo lên xe gắn máy cùng cha lên Thượng Đức. Đường gập ghềnh, nhiều ổ gà, ổ voi, cầu gảy. Cha bình tĩnh lạ thường, còn con nín thở, xanh mặt, lo âu khi đi ngang qua vùng Ba Khe, nơi thường xảy ra các vụ nổ xe cán mìn, phục kích và bắn sẻ…Hà Tân trong cơn lửa đạn, dân chúng vùng không an toàn tụ về đây, không công ăn việc làm, cha vội lên kế hoạch định cư, sản xuất. Cha dẫn con đi thăm các cơ sở, say sưa giải thích chổ nầy khai thác mỏ than, nơi kia canh tác trồng trọt. Chỉ một thời gian ngắn sau, mặt trận Thượng Đức bắt đầu, mọi công sức bỏ ra đều trôi sông trôi biển. Cha trằng tay nhưng vẫn hăng say “xóa bàn làm lại”. Bất cứ nơi nào Bề Trên sai đến, cha vui vẻ nhận lời, không tính toán so đo, hết lòng yêu mến phục vụ. Cha là người biết khơi dậy tiềm năng của giáo dân, chấp nhận khả năng tương đối của người khác, để từ từ nâng họ lên tham gia công việc chung. Những giáo dân ngày nay xưa còn là những cô bé, cậu bé nhút nhát nay tiếp tục là những chức việc, trưởng nhóm nhiệt thành tại các giáo xứ là một bằng chứng. Cha thường khuyên khích họ “Cán bộ của cha Đoàn phải là Sony, vững bền chứ không phải loại nào khác”. Cha đem thương hiệu danh tiếng Sony bền bỉ và hiệu năng để nói lên ước mơ của mình. Cha phát động việc học giáo lý và Lời Chúa, xây dựng nhiều hội đoàn trẻ và mệt mõi với ba thánh lễ buổi sáng Chúa Nhật, dành buổi chiều cho các sinh hoạt. Không những lo việc đạo, như con ong cần cù lao động, cha gây ngạc nhiên khi giữa thời bao cấp khó khăn tiền bạc và giấy phép, đã trùng tu được thánh đường Tam Tòa xuống cấp trầm trọng. Thánh đường xưa không còn nhưng trong một tuần lễ nữa, Tam Tòa sẽ khánh thành một thánh đường mới, đồ sộ và nguy nga hơn.

Nhưng vẫn còn đó ngôi nhà thờ áp đá Hòa Ninh và nhà xứ xinh đẹp trên một ngọn đồi. Vẫn còn đó cây vả Hòa Ninh sai trái, giống lấy từ quê hương Thừa Thiên của cha.

Vẫn còn đó bao bạn trẻ, bao người nghèo nhờ cha mà cố gắng vươn lên thóat khỏi tuyệt vọng. Nơi nào cha cũng quan tâm đến nồi cơm của giáo dân, tạo công ăn việc làm cho mọi người. Giáo dân Tam Tòa còn nhớ không, vào thời bao cấp, có gia đình nhiều con  phải  ăn trái bầu thay cơm, nghe thế cha vội về nhà đem gạo đến giúp. Với nghề làm cà rem cha giúp nhiều người có thực phẩm:  cụ già vót que, thanh niên sản xuất, trẻ con, người yếu đi bán kem… Các thiếu nữ Tam Tòa vẫn xinh đẹp nhờ ngồi trong bóng  mát, thoăn thoắt móc len, bán sản phẩm cho cả nước và xuất khẩu. Thanh niên trai tráng khai thác sặt , tham gia  ngành mành trúc… thay vì nhảy tàu buôn lậu, bất hợp pháp và dễ mất mạng. Ngày nay có người là tỷ phú, là ông nọ bà kia, các bạn và gia đình có còn  nhớ đến thưở hàn vi, nhớ công ơn cha, mà biết chia xẻ cho những người kém may mắn hơn không?

Và cũng vì nhiệt thành trong công việc, thẳng thắn trong ứng xử mà phải chuốc lấy bao tai bay vạ gió. Nhưng như vị thầy khả kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cha  đã luôn ngẩng cao đầu trước thử thách, luôn giữ vững  niềm tin, hy vọng để tiếp tục sứ mệnh của mình.

Giờ cha sắp ra đi, bao giòng lệ nhớ thương cha sắp tràn trào. Con xin đại diện cho giáo phận Huế, Qui Nhơn. Đà Nẵng và tất cả nói lên lời tri ân cảm tạ một con người hết lòng vì Chúa và vì mọi người.

Trong chuyến độc hành về  quê trời, xin Chúa thương tha thứ những khuyết điểm, tội lổi yêu đuối của con người và ghi nhận bao công khó phần hồn phần xác cha đã thực hiện.

Chúng con biết rằng Chúa là gia nghiệp đời cha, là người nắm giữ phần phúc của cha, xin Người sớm nói với cha những lời âu yếm.

” Hởi con Martinô, đầy tớ tốt  lành và trung tín..Con hãy vào hưởng sự vui mừng với Chủ con”

Chúng con xin hứa tiếp tục cầu nguyện, hy sinh giúp đở cha, Phần cha, một ngày kia trên quê hương vinh phúc,  hãy cầu xin Thiên Chúa độ trì cho đoàn con được vững bước như cha nhất là trong năm thánh Đức tin nầy.

Xin bái biệt cha Martinô yêu quý.

Chúng con không nói lên lời vĩnh biệt mà chỉ là lời tạm biệt.

Hẹn một ngày tái ngộ trên quê trời hạnh phúc.

Tạm biệt cha.

Tạm biệt cha.