Chuyên Đề An Táng
 
 

LỄ AN TÁNG

Is 38, 1- 6.21- 22.7- 8

Mt 12, 1-8

Đầu lễ:

“Sống gởi, thác về”. Đúng, Bà cố Maria đã sống gởi thân xác ở trần gian này trong một quãng đời người 58 năm và nay Chúa gọi Bà cố về với Chúa. Trong ngày tiễn đưa Bà cố về gặp Đấng là Tình Yêu, là Hạnh Phúc tuyệt đối của đời mình, chúng ta không chỉ cầu cho Bà cố ra đi tốt đẹp, bình an và nghỉ yên trong Chúa, mà còn có dịp suy nghĩ về cuộc sống chết này và chuẩn bị cho cuộc ra đi gặp Chúa của chúng ta mai ngày nữa.

Giảng lễ:

I. Con người ham sống, sợ chết.

Con người ta, nói chung, đều ham sống và sợ chết.

1. Ham cuộc sống ở đời này: Có khi đời ban cho quá nhiều đặc ân đặc lợi, bổng lộc như đang sở hữu nhiều của cải, vị cao chức trọng, cuộc sống an nhàn hưởng thụ, khoái lạc vv… thành ra chết sớm thì tiếc xót vô cùng. Chẳng hạn vua Êzêkia trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe. Khi Chúa sai tiên tri Isaia đến nói với vua rằng: “Ông chẳng sống được bao lâu nữa đâu, sẽ chết thôi. Vậy lo mà thu xếp việc nhà việc nước đi thôi”. Nghe vậy vua đau đớn quay mặt vào tường, khóc nức khóc nở, có lúc gào to lên nữa. Nước mắt lã chã đầm đìa vì nuối tiếc cuộc sống tại thế này.

2. Bởi vậy, người ta sợ chết lắm: cứ nghĩ chết là hết, là chấm tận mọi sự, lìa bỏ mọi người thân yêu. Người ta cho cái chết là sự tàn bạo khủng khiếp nhất đối với thân phận một con người. Chết người đau xót ngàn vạn lần cháy nhà, mất của. Người ta còn truy tầm cả nguyên nhân cái chết và thường ra là đổ vạ cho bệnh tật. Nhất là những thứ bệnh trọng, trầm kha không thể cứu chữa. Như ung thư chẳng hạn: Bác sĩ, Khoa học vẫn bó tay…

Sách thánh nói rằng vua Êzêkia lâm trọng bệnh nguy tử là do một chỗ bị ung nhọt. Cái nhọt nào đến nỗi chết vậy? Tôi nghi là bệnh ung thư.

3. Nhưng nói cho cùng, bệnh tật dù nặng đến đâu đi chăng nữa, nhằm nhò gì với Chúa. Sinh thời Chúa Giêsu chữa đủ mọi loại bệnh tật: mù, câm, điếc, què, băng huyết… kể cả quỉ ám, kể cả hấp hối hay “lăn quay” ra rồi như con gái ông Zairô; nằm trong quan tài như con trai bà goá thành Naim hay muốn thối rữa trong mồ như Lazarô. Chúa muốn là chữa khỏi bệnh, Chúa muốn là cho hồi sinh sống lại ngay lập tức.

4. Thế nên bài đọc 1 còn muốn kín đáo nhắn nhủ chúng ta rằng: trước cái chết, đừng sợ. Hãy tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Ngài là Đấng cầm quyền sinh tử, Đấng làm chủ sự sống và sự chết. Sống chết là ở trong tay Ngài. “Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ sống”. Chúa nói với Martha như vậy.

Chúa biết rõ chúng ta tham sinh uý tử, ham sống sợ chết; nên trước những giòng nước mắt và lời cầu nguyện thảm thiết của vua Êzêkia, Chúa đã cho ông sống thêm 15 năm tại thế nữa. Còn che chở thành trì và vua khỏi rơi vào tay vua Assur xâm lăng. Thế mới biết Chúa thật độ lượng, thương xót chúng ta vô cùng.

Bà cố Maria cũng bị bệnh, trọng bệnh; nhưng Chúa vẫn để bà tỉnh táo và có thời giờ chuẩn bị tốt cho sự ra đi quyết liệt của mình. Phải chăng đấy cũng là một ân huệ, một cách tỏ lòng thương xót của Chúa. Về điều này, chắc chắn con cháu chúng ta không hề ân hận.

Đối với Kitô hữu, đức tin nơi Chúa dạy cho biết chết không phải là hết. Bởi chết không phải là đích điểm tàn lụi, mà lại là bước khởi đầu của một cuộc gặp gỡ, của cuộc hưởng kiến hạnh phúc với Thiên Chúa.

II. Chết là gặp gỡ.

Đời người mãi là một hành trình không ngừng tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa. Chết là trở về, là gặp lại vĩnh viễn và bất khả phân ly với Đấng là Tạo Hoá, là Nguồn Cội của mọi loài.

1. Có điều, chết không hẹn giờ: Chàng rể là Chúa Kitô có khi đến chậm, nhưng lại đến thình lình, nên bắt buộc các cô phù dâu phải chuẩn bị thôi. Các cô khờ dại luýnh quýnh cả lên do thiếu chuẩn bị tốt. Sống là chờ đợi ngày giờ ra đi, và ra đi vì có ước nguyện, có hẹn hò gặp Đấng vô hình, Đấng mà cuộc sống tại thế này ta chưa hề giáp mặt. Vậy nên, muốn cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp, đúng thì cần chuẩn bị cho cuộc ra đi. Tôi tin Bà cố đã làm được điều đó. Đây là điểm chúng ta có thể vui mừng với Bà cố.

2. Hai môn đệ trên đường Emmaus thoáng nhận ra Chúa, nhưng rồi Người lại hẹn gặp nơi khác. Hẹn gặp là lẽ tất nhiên, một khi đã tin nhờ biết rõ Đấng đã chết nay sống lại rồi. Đấng ấy là Đấng Cứu độ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, sự chết và nỗi sợ hãi. Chết để bước vào đời sống mới, đời sống phục sinh; nên chết là lúc khai mở cuộc sống bất diệt. Nó hoàn toàn khác biệt và cao cấp so với sự sống quá tầm thường, hữu hạn ở đời này, nên chẳng thiệt gì mà tiếc nuối cuộc đời này. Người khuất đi sẽ thay hình đổi dạng, chứ không hề bị tiêu diệt. Họ mặc chiếc áo mới được giặt trong máu Con Chiên chuộc tội, để đi vào cõi hạnh phúc đời đời. Đối với người tin và trung tín với Chúa, ngày chết lại là ngày “Sinh nhật Nước Trời”, như lời Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói trên giường hấp hối: “Tôi không chết, nhưng đang bước vào cõi sống”.

Theo sau quan tài, chúng ta hay nghe kẻ than người khóc; nhưng dưới ánh sáng đức tin, tôi nghĩ bản thân người quá cố lại vui. Biết đâu giờ này Bà cố vui, vui thực sự vì thấy sống ở đời như thời gian thai nghén, chờ đợi trong quặn đau; giây phút chết đi là cuộc “vượt cạn” lần cuối, để sự sống vĩnh cửu bắt đầu sinh ra.

Thế nên, Vua Êzêkia, khi cầu nguyện với Chúa, đã khéo nhắc Chúa rằng “Xin Chúa nhớ cho, cả đời con đã trung tín và thành tâm bước đi trước Nhan Chúa”. Tôi nghĩ đây cũng là lời cầu nguyện của Bà cố khi ra đi, khi chuẩn bị gặp Chúa : cuộc gặp của người con trọn đời trung tín với Chúa đến hơi thở cuối cùng. Ai bền vững trong đức tin sẽ được cứu rỗi.

III.Gặp Đấng là Tình Yêu: điểm tựa cuối cùng xua tan sợ hãi.

Tìm và mong khắc khoải gặp Chúa thì khi được gặp sẽ sung sướng dường nào. Bởi cuộc gặp gỡ này không còn phân ly bao giờ nữa với Đấng là Hạnh Phúc đích thực.

Trong bài Tin Mừng, tôi mê nhất lời này: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa câu: Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông chẳng lên án kẻ vô tội”. Chúa khác chúng ta lắm, khác các ông biệt phái Do thái tối ngày chỉ dò xét, hạch sách, bắt bẻ, lên án kết tội. Chúng ta vừa nghe họ bắt bẻ các môn đệ Chúa lỗi luật ngày Sabát… Chúng ta cũng hay chấp nhất, kết tội nhau. Còn Chúa, Chúa khẳng định Chúa là Tình Yêu, Người chỉ muốn lòng nhân từ. Nên trước tội nhân bị tố cáo, Chúa sẵn lòng tha: “Tội con đã được tha. Con về đừng phạm tội nữa”. Tin vào lòng nhân từ của Chúa, cũng có nghĩa là tin vào Ơn tha thứ cứu độ. “Đức Tin của con đã cứu con”. Chúa thường động viên những kẻ vững lòng tin nơi Chúa như thế.

Ta không có lý do gì để sợ tội mình không được tha. Cũng không có lý do gì để sợ bị tiêu diệt, mất phần linh hồn, ngoại trừ cố chấp trong tội và cố tình bỏ Chúa. “Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ sống và ai sống mà tin Ta sẽ không chết đời đời”.

Tình yêu độ lượng của Chúa thôi thúc Chúa xử sự với chúng ta như vậy. Đang khi người Do thái cứ nghĩ rằng muốn làm nguôi ngoai lòng Chúa, thì cứ bám luật mà sống, cứ dâng lễ tế thật nhiều như thể lắm quà biếu xén, đút lót, hối lộ, Chúa sẽ mềm lòng bỏ qua tha hết cho họ. Thật ra làm thế là coi thường Chúa, xúc phạm đến tình thương vô cùng của Chúa và còn là dựa vào công trạng bổng lộc của mình nữa. Chúa đâu bắt lỗi Đavit và thuộc hạ, ngay cả khi họ phạm luật đã ăn bánh tiến trong Đền Thờ, thứ bánh chỉ dành cho tư tế.

Bởi cảm nghiệm được sâu xa lòng nhân từ xót thương tha thứ của Chúa, Thánh Augustinô đã nói: “Tôi sống mà tâm hồn cứ khắc khoải mong chờ mãi, cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. Các Thánh đâu có sợ chết!

Hôm nay chúng ta dâng lễ An táng, để tiễn đưa Bà cố Maria về Bến Hẹn là chính Chúa. Tôi tin Bà cố sẽ được hưởng lòng nhân từ thứ tha cứu độ của Chúa. Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện với Chúa Cha thế này: “Con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con” (Ga 17, 24). Khi Chúa về cùng Cha, Chúa vẫn muốn sự có mặt của Bà cố Maria, của tôi, của chúng ta, của hết mọi người. Bao lâu ta chưa về trời, thì bấy lâu trong lòng Chúa vẫn có hình bóng ta, vẫn hẹn hò và chờ đợi ta.

Bà cố hôm nay đi trước chúng ta và bên Chúa hưởng bình an, Bà cố lại mong chờ hẹn ngày sẽ gặp lại con cháu và chúng ta trong Chúa là Hạnh Phúc của tất cả.