Chuyên Đề An Táng
hành trình dức tin của bà cố
Tác giả bài viết: Lm Phêrô Nguyễn Văn Phương

Kính thưa cộng đoàn, cách riêng những người con yêu quý của bà cố Ma-ri-a: (Cô Nguyệt, cha Gia-cô-bê, cô Thao, chú thím Hợp và thân bằng quyến thuộc của bà cố)

“Người chết nối kết người sống”. Đúng vậy. Bà cố Ma-ri-a Hoàng Thị Hai nằm xuống đã nối kết chúng ta trong cộng đoàn đức tin gồm đủ mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận như chúng ta thấy đây.

Chắc ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến nhiều cái chết, đã tham dự nhiều thánh lễ an táng, đã được nghe chia sẻ nhiều về ý nghĩa của cái chết, đặc biệt là cái chết trong niềm tin Ki-tô giáo. Nhưng trong thánh lễ an táng của bà cố hôm nay, tôi muốn cùng với cộng đoàn ngắm nhìn và suy tư cái chết theo hướng nhìn của năm Năm Đức Tin.

Vâng, chắc chắn mọi người vẫn còn nhớ:  Ngày 11/10/2011,  Đức  Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Tự  sắc: Cánh Cửa Đức Tin đã khai mạc Năm Đức Tin cho Giáo hội hoàn vũ nhằm “đưa toàn thể giáo hội bước vào một giai đoạn suy tư đặc biệt và tái khám phá đức tin”.

Trong Tự Sắc ấy Ngài đã viết: “Một điều có tính quan trọng quyết định trong năm đức tin là trở lại với lịch sử đức tin của chúng ta”. Trở lại với lịch sử đức tin là điều cần thiết để cùng nhau tái khám phá ra hành trình đức tin và đời sống đức tin mà Chúa muốn con cái Ngài bước theo. Chúng ta lần lượt tìm hiểu: Câu chuyện lịch sử đức tin của dân Chúa trong Cựu ước, câu chuyện lịch sử đức tin của dân Chúa trong Tân ước và cuối cùng là hành trình đức tin của bà cố trong dòng lịch sử ấy.

1.  Câu chuyện lịch sử đức tin của dân Chúa trong Cựu ước:

Nói đến lịch sử đức tin, chúng ta cần phải nói đến đức tin của dân Chúa trong Cựu ước. Dân  ấy chính là dân Do Thái đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng để chuẩn bị cho Con Chúa xuống thế  làm người cứu chuộc chúng ta. Hồi còn là dân du mục, họ sống nay đây mai đó cùng với đàn chiên đàn cừu của họ. Lúc đó, cuộc sống của họ gắn liền với đàn chiên. Họ sống bằng cách ăn thịt chiên, uống sữa chiên, mặc áo lông chiên.

Chính vì vậy mà họ phải yêu thương và bảo vệ đàn chiên, đàn cừu bằng mọi cách và bằng mọi giá. Nhưng nghiệt một nỗi: Trên đường đi tìm đồng cỏ xanh tươi, tìm dòng suối mát cho đàn gia súc, họ thường  gặp những kẻ thù: Kẻ thù của họ hoặc là thú dữ rình bắt chiên ăn thịt hoặc là các nhóm thổ dân, họ gặp trên đường đi, tấn công để cướp đàn vật là tài sản duy nhất và là chính cuộc sống của họ.

Thời đó chưa có vũ khí như:  Súng ống, đại bác hay vũ khí hoá học như người ta vừa mới sử dụng ở Sy-ri-a … nên họ phải tìm những núi đá mà ẩn thân, hay là tảng đá để đứng vững trên đó mà chiến đấu chống lại kẻ thù. Cho nên đối với người Do thái người tin giống như người đứng vững trên tảng đá. Chính vì vậy mà trong hoàn cảnh dân Chúa đang lo sợ trước liên minh sức mạnh của kẻ thù, ngôn sứ I-sai-a đã có lối chơi chữ rất hay để khích lệ dân Chúa hãy vững tin vào Chúa:  Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7, 9).

2. Câu chuyện lịch sử đức tin của dân Chúa trong Tân ước:

Người đàn bà bị loạn huyết đã 12 năm trong bài Tin Mừng là một điển hình. Bà đã rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã tự bà không thể giải quyết, nhưng với đức tin cao độ bà đã vượt qua những rào cản của luật lệ (x. Lv 15, 19 – 37) để đụng chạm vào áo Chúa Giêsu và bà đã được chữa lành. Đúng là “Đức tin khai mở quyền năng Thiên Chúa”.  Nhờ đức tin bà đã được chữa lành. Chính Chúa Giê-su đã khẳng định điều đó: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”.

Thực ra, đức tin của dân Chúa từ thời Cựu ước đã trở nên sống  động  theo dòng thời gian và được lưu truyền trong Hội thánh cho đến ngày nay. Nhờ đức tin ấy, Mẹ Ma-ri-a đã nhận lời truyền tin để trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa; rồi vội vã lên đường đem Chúa đến cho gia đình ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Nhờ đức tin mà Mẹ đứng vững dưới chân Thánh Giá Chúa. Nhờ đức tin, các Tông đồ đã bỏ mọi sự mà theo Đức Ki-tô để trở nên chứng nhân Tin Mừng, đem ơn cứu độ đến với muôn dân. Nhờ đức tin, các vị tử đạo đã anh dũng hy sinh đổ máu mình ra làm chứng cho Chúa và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ giết hại mình. Nhờ đức tin mà ở mọi thời luôn có đông đảo những người sống đời tận hiến vì nước trời. Nhờ đức tin, mà có nhiều Ki-tô hữu dám dấn thân cho công lý và hoà bình.

Như vậy lịch sử đức tin của dân Chúa cả trong Cựu ước lẫn Tân ước là một cuộc hành hương trong đức tin mà bài đọc II, tác giả thư Do thái đã cho ta thấy rất rõ, lại còn cho ta một câu định nghĩa chính xác về đức tin: “Tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng những điều ta không thấy.” (Dt 11, 1). Điều đó có nghĩa là người tinđã chiếm lãnh được cách chắc chắn những sự ở trên trời, nghĩa là sự sống đời đời, là hạnh phúc trong Chúa.

3.  Hành trình đức tin của bà cố trong hành trình lịch sử đức tin của Dân Chúa:

Tôi được biết vào năm 1969, bà cố bị cơn bệnh có thể gọi là “thập tử nhất sinh”. Gia đình đã chuẩn bị hậu sự. Căn bệnh đó giống căn bệnh của người đàn bà trong bài Tin Mừng, nhưng nhờ lòng tin bà cố đã được cứu chữa. Bà cố bị căn bệnh đó suốt 3 năm có thể nói như những lời trong Tin Mừng: “Bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang…”. Đứng trước hoàn cảnh đó ông cố, bà cố và mọi người trong gia đình vẫn kiên vững trong đức tin, trong lời cầu nguyện. Chúa đã ra tay khiến ông cố gặp một người bạn ; người bạn đó đã chỉ cho bài thuốc lá cây và bà cố đã được chữa lành như một phép lạ.

Như chúng ta đã biết: người tin đã chiếm lãnh cách chắc chắn những sự trên trời, nhưng người tin như chúng ta vẫn còn phải bước đi dưới đất. Mà còn bước đi dưới đất thì phải bước đi sao cho vững. Con cái Chúa chỉ có thể bước đi vững vàng nhờ vững tin vào Chúa mà thôi. Đối với người Do thái, do truyền thống văn hoá du mục, họ đã cho rằng Người tin giống như người đứng vững trên tảng đá vậy.

Đối chiếu với những lời cầu nguyện trong Thánh vịnh chúng ta thấy rất nhiều chỗ nói rằng: “Chúa là núi đá, Chúa là thành trì” bảo vệ tôi… Sau này, Chúa Giê-su bảo thánh Phê-rô: “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy” cũng theo nghĩa đó. Đá đó chính là Chúa. Đo đó, Hội Thánh xây dựng trên đá tảng là chính Thiên Chúa nên Hội thánh vững bền. Người có Đức tin là người xây dựng cuộc đời mình trên chính Thiên Chúa nên người tin luôn đứng vững trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Nhờ Đức Tin bà cố đã đứng vững trong mọi hoàn cảnh: Hoàn cảnh di cư phiêu bạt từ Sài Gòn về Bình Dương, rồi về Vinh Hoà này, hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, những hoàn cảnh éo le khác…

Hôm nay chúng ta dâng lễ cầu nguyện cho bà cố, nhưng đúng hơn là cùng với bà tạ ơn Chúa vì hạt giống Đức tin Chúa đã gieo trong  lòng bà. Hạt giống ấy đã nảy mầm, đã lớn lên và sinh hoa kết trái.

Hoa trái đầu tiên là gắn bó với Chúa liên lỉ: Những ai đã từng thăm bà cố tại phòng sẽ thấy ngay. Bước vào phòng ta nhìn thấy tượng chịu nạn trên bàn. Khi bà cố nằm xuống sẽ nhìn thấy tượng chịu nạn trên tường trước mặt. Trước khi trút hơi thở cuối cùng  bà cố luôn nhờ các con, các cháu kêu tên cực trọng và phó linh hồn cho bà. Tôi có thể nói suốt cuộc đời bà luôn lấy Đức Ki-tô làm điểm tựa vững chắc. Câu nói của bà cố tôi được nghe nhiều nhất mỗi khi thăm bà là “con ước ao được về với Chúa nhưng con muốn vâng theo thánh ý Chúa.”

Đối với con cháu, bà cố có nhiều hình thức giáo dục đức tin. Nhưng ấn tượng nhất là hình ảnh người mẹ chắp tay các cậu quý tử hồi còn bé lại rồi dang ra với lời đọc “Chúa ở cùng anh chị em”. Qua đó, chúng ta thấy nỗi niềm khát mong cho con mình trở thành linh mục là như thế nào! Tôi đã hỏi cháu Ân: Bà dạy gì về đức tin cho con? Cháu đã trả lời bà luôn nhắc con cầu xin bảy ơn Chúa Thánh Thần. Có lẽ cha quản xứ chúng con đã thừa hưởng điều dạy này nên tuần nào cha xứ cũng dâng ít nhất là một lễ kính Chúa Thánh Thần.

Đối với mọi người: Những người giúp việc được ăn uống như người nhà. Điều đáng ghi nhớ nhất là: Bà chẳng ưa gì chủ thuyết vô thần nhưng một hôm bộ đội miền bắc bị bắt giam bà cố đã liều mình trong một tình huống rất nguy hiểm đưa cơm cho họ ăn vì bà sợ họ đói. Bà cố không có bằng cấp về học thuật, bà cố chỉ là người bé mọn của Tin Mừng, nhưng bà cố luôn hành xử rất phù hợp với giáo huấn của hội Thánh và cũng hợp với tinh thần của vị thánh chúng ta mừng kính hôm nay: Giữa lòng Hội thánh con sẽ là Tình yêu.

Tôi còn phải nói gì nữa nhỉ? Còn nhiều lắm, nhưng không thể không nói đến tinh thần lo cho việc chung của bà cố. Những việc đóng góp cho việc xây dựng nhà Chúa, khuyến học, bác ái xã hội bà cố luôn hết lòng, hết sức mình….

Kính thưa cộng đoàn,

Trong khung cảnh lễ an táng của bà cố, chúng ta trở lại với lịch sử đức tin để làm gì? Để chúng ta vui mừng vì trong lịch sử ấy dân Chúa trong Cựu ước cũng như Tân ước cho chúng ta nhiều mẫu gương sống động về Đức Tin. Từ đức tin của tổ Phụ Áp-ra-ham, vua Đa-vít… Đức Ma-ri-a, các thánh tông đồ… Chúng ta có thể nói rằng có cả một đám mây nhân chứng đức tin để chúng ta dõi bước đi theo.

Chúng ta cũng vui mừng tạ ơn Chúa vì hành trình đức tin của bà cố nằm trong hành trình lịch sử đức tin của Hội thánh. Bà cố đã 90 năm vun trồng và thể hiện đức tin vừa đơn giản vừa thực tế. Tất cả chúng ta đều có thể cùng với bà tiếp nối sống niềm tin ấy để nối kết người sống với người chết trong mầu nhiệm các thánh thông công. Hành trình đức tin của bà cố với cái nhìn của Ki-tô hữu vẫn sẽ sống mãi với con cháu bà, với làng xóm, với thân bằng quyến thuộc, với chúng ta.

Nguyện xin Chúa Cha giàu lòng thương xót đón nhận của lễ chúng con dâng hôm nay cùng với bà cố làm một với của lễ duy nhất là Con Chúa mà cho bà cố được hạnh phúc bên Chúa mãi mãi. Xin bà cố cầu nguyện trước toà Chúa cho chúng con để ngày sau chúng con sẽ cùng với bà cố hợp đoàn cùng các thánh trong nhà Cha trên trời. Hẹn gặp lại bà cố trong nước trời.