Chuyên Đề An Táng
 
Đoan Hùng

Thánh lễ an táng cố Linh Mục Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên

VietCatholic News (23 Sep 2009 08:31)

THÁNH LỄ AN TÁNG CỐ LINH MỤC PHÊRÔ-TUẦN NGUYỄN CAO HIÊN

Sáng ngày 22-9-2009, vào hồi 8g30, tại nhà thờ GX Châu Bình Thủ Đức, thánh lễ an táng cố Linh Mục Phêrô-Tuần Nguyễn Cao Hiên đã diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng và cảm động.

 

Thánh lễ do Đức cha Vincent Nguyễn Văn Bản, Giám Mục Chính Tòa Ban Mê Thuột, học trò cũ của cố Linh Mục Phêrô, làm chủ tế. Cùng đồng tế có các cha: Giuse Trương Đình Hiền, chánh xứ Tuy Hòa, hạt trưởng giáo hạt Phú Yên, đại diện cho Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, GM GP Qui Nhơn, cha Tổng Phụ trách 2 dòng Đức Mẹ Đồng công Cứu chuộc, Đức Ông Đinh Đức Đạo, cùng với hơn 50 Linh Mục thuộc GP Qui Nhơn, dòng Đồng công và các cha linh tông huyết tộc bằng hữu xa gần...

 

Tham dự thánh lễ có rất đông các thầy dòng Đồng công, nam nữ tu sĩ các dòng, anh chị em CCSLSQN, đại diện giáo dân các giáo xứ thuộc GP Qui Nhơn mà cố Linh Mục đã từng phục vụ, giáo dân GX Châu Bình cùng bà con thân bằng quyến thuộc của cố Linh Mục Phêrô...

 

BÀI CHIA SẺ LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ AN TÁNG CHA PHÊRÔ TUẦN NGUYỄN CAO HIÊN

 

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

 

Đứng trước cái chết của người thân, trước sự chia xa vĩnh viễn với cuộc đời dương thế của những người đã từng chung sống, đã từng chiến đấu và làm việc, đã từng đồng lao cộng khổ… trong lòng mỗi người chúng ta đều dậy lên một thứ tình cảm mất mát, đau thương, một nổi xót xa của sinh ly tử biệt. Đã mang thân phận người là phải đi qua “chiếc cầu bi thương” đó. Và phải chăng, đó chính là một trong những “dư quả” của tội Nguyên Tổ mà ngay từ những trang đầu, Thánh Kinh đã cắt nghĩa bằng ngôn ngữ của một lời tuyên án: “Ngày nào ngươi ăn trái cây nầy, ngươi sẽ phải chết” (St 2,17)

 

Tuy nhiên, trong cái chết của người Kitô hữu, đặc biệt trong cử hành Phụng vụ Tang lễ của những người tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, lại toát lên một vẻ khác thường: Niềm hân hoan của cuộc hành hương về nhà cha, nổi vui của ngày đoàn tụ... “Khi Chúa thương gọi tôi về, lòng tôi hân hoan như trong một giấc mơ…”. Đặc biệt, chính trong trích đoạn Lời Chúa của Sách Khôn Ngoan mà chúng ta vừa nghe, không chỉ loan báo một tín thư an ủi nhưng là một khẳng định, một tuyên tín của tin yêu và hy vọng:

 

“Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa…Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy…Những ai trung thành, sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn”. (BĐ 1)

 

Phải chăng, đó là một cắt nghĩa rõ nét và chính xác của mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Kitô, mầu nhiệm “Vượt Qua từ cõi chết đến sự sống vĩnh hằng” mà dụ ngôn “hạt lúa mì gieo vào lòng đất thối rửa đi sẽ sinh nhiều bông hạt” lại là một cách diễn tả khác của Tin Mừng như chúng ta vừa nghe.

 

Vâng, đối với chúng ta, những người được dìm xuống trong dòng nước tái sinh của nhiệm tích Thánh Tẩy, để được chỗi dậy cùng với Đấng Phục Sinh, chết chính là cuộc hồi hương tìm về tổ ấm, là đĩnh đạc đi vào quê hương hằng sống để sống hạnh phúc miên viến, là cuộc tiến bước vào nhà cha, căn nhà chính Đấng Cứu Độ đã ra công dọn sẵn: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em…để Thầy ở đâu anh cũng sẽ ở đó” (Ga 14,3).

 

Và cách riêng, cái chết của một linh mục, một linh mục thánh thiện đạo đức, đã hoàn tất sứ vụ của mình, như cha cố Phêrô Tuần Maria Nguyễn Cao Hiên của chúng ta đây, lại càng làm cho dấu chỉ nầy trở nên đầy thuyết phục và rõ nét.

 

Tuy nhiên, để trả giá cho cái ngày chung cuộc tuyệt vời hôm nay, cha Phêrô Tuần Maria đã phải trãi qua một cuộc hành trình dương thế đầy nhiêu khê và phấn đấu của 87 năm cuộc sống làm “Ecce Homo” và 59 năm cuộc đời của một “Alter Christus”. Sau đây là những “cột mốc” trên cuộc hành trình thăm thẳm đó:

 

Sinh ngày: 05/02/1922

 

Nguyên quán: Tân Mỹ, Quỳnh Lang, Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình.

 

Cha: Đaminh Nguyễn Văn Thứ, Mẹ: Maria Nguyễn Thị Yên

 

1934 – 1937: Học Trường Tập, Trung Linh.

 

1937 – 1941: Tiểu Chủng Viện Ninh Cường.

 

1941 – 1943: Học Đại Chủng Viện Xuân Bích, Hà Nội.

 

1943 – 1944: Giúp Tiểu Chủng Viện Ninh Cường.

 

1945 – 1950: Học Đại Chủng Viện Quần Phương, Bùi Chu.

 

16- 04- 1950: Thụ phong Linh Mục.

 

1950 – 1954: Phụ tá Trường Tập, Ninh Cường, Bùi Chu.

 

1954 – 1955: Linh hướng công binh Bùi Chu - Phát Diệm tại Nha Trang.

 

1955 – 1956: Văn phòng giám mục di cư tại Sài Gòn.

 

1956 – 1959: Giám đốc khu B Latinh (Tiểu Chủng Viện), Tân Phước, Sài Gòn.

 

1960 – 1963: Nhập Dòng Đồng Công, Thủ Đức, Sài Gòn.

 

1963 – 1964: Linh hướng Dòng Lasan tại Qui Nhơn.

 

1964 – 1966: Cha phó Chính Tòa, Qui Nhơn.

 

1966 – 1969: Linh hướng Tiểu Chủng Viện Qui Nhơn.

 

1969 – 1971: Cha sở Qui Hải, giáo phận Qui Nhơn.

 

1971 – 1997: Cha sở Tịnh Sơn, giáo phận Qui Nhơn.

 

8/1997 – 11/1997: Cha sở Mằng Lăng, giáo phận Qui Nhơn.

 

11/1997 – 4/1998: về lại giáo xứ Tịnh Sơn, giáo phận Qui Nhơn.

 

1998 – 2001: Cha sở Đông Mỹ, giáo phận Qui Nhơn.

 

2001 – 2002: Hưu dưỡng tại nhà hưu Làng Sông Qui Nhơn.

 

2002 – 2005: Hưu dưỡng tại nhà hưu Giáo Phận Qui Nhơn.

 

2005 – 2007: Hưu dưỡng tại trụ sở Bùi Chu, Sài Gòn, và linh hướng các thầy thần học tại TGM Bùi Chu.

 

2007 – 2009: Hưu dưỡng tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, Thủ Đức.

 

19- 9- 2009: Qua đời tại Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, Thủ Đức, Tp. HCM. Lúc 19 giờ 15

 

Kính thưa cộng đoàn,

 

Để đánh giá sự thánh thiện, hoàn hảo của cha Phêrô Tuần Maria, có lẻ cách diễn tả của cố linh mục Phêrô Bùi Huy Bích là thích hợp, khi ngài chia sẻ với một linh mục trẻ đang phụ tá cha Phêrô, cha Giuse Lê Thu Thâu: “Thâu ơi, tao cá mầy. Mầy có thắng 5 con ngựa cũng không theo kịp ngài đâu !”. Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội, Giáo Phận có được một linh mục tuyệt vời như thế. Rồi đây, trong những chuyện kể về ngài, chúng ta sẽ được sẻ chia nhiều giai thoại, nhiều bài học quí giá để làm hành trang cho cuộc đời linh mục và cho tất cả những ai muốn sống trọn vẹn những chân lý của Tin Mừng; nhất là Tin Mừng về bác ái hy sinh, Tin mừng về khiêm hạ phục vụ, Tin mừng về khó nghèo trinh khiết, Tin mừng về tình yêu nồng cháy đối với Chúa Giêsu Thánh Thể và tình yêu chân tình huynh đệ đới với những người nghèo…

 

Có một từ ngữ ngắn gọn của Ngài mà anh em linh mục Qui Nhơn hay nhắc đó là “Đủ xài”…Trong một tại nạn xe trên tuyến đường mục vụ cho một họ đạo vùng sâu trở về, chân ngài bị thương khá nặng. Người ta hỏi ngài: “Có sao không cha?”. Ngài chỉ mĩm cười thanh thản trả lời: “Đủ xài”. Với cha, “đủ xài” phải chăng đó chính là “đủ chút hy sinh nhỏ bé dâng cho Chúa và dâng hiến cho đoàn chiên”, là “đủ sự chịu đựng và can đảm để tiếp tục dấn thân phục vụ”; là “đủ nhận ra những khó nghèo, đau khổ, thiếu thốn, yếu đuối của đoàn chiên để quảng đại biết cho đi và khoan dung tha thứ”; là “biết đủ giới hạn của thân phận người mõng dòn, yếu đuối để sẵn sàng phó thác trong tin yêu khiêm hạ”, là “đủ tìm thấy nụ cười và niềm vui trong chính nổi đau trong tâm hồn và trên thân xác”, đặc biệt những cơn đau dữ dằn của căn bệnh ung thư giai đoạn cuối…

 

Một cuộc sống như thế, thì một cái chết làm sao mà không đẹp được. Điều nầy làm chúng ta nhớ lại câu chuyện của cha thánh Gioan Maria Vianney, vị thánh linh mục được Giáo Hội dùng làm điểm qui chiếu canh tân đời sống linh mục trong Năm Linh mục này…

 

Một ngày kia, sau nhiều giờ miệt mài với hối nhân nơi tòa giải tội, cha thánh Vianney trở về với những bước chân kiệt sức và té ngã trên cầu thang. Giáo dân hay được chạy đến và hô hoán lên: “Cha bị bệnh, đi kêu bác sĩ gấp!”. Ngài chỉ khoác tay, ôn tồn bảo: “Kêu linh mục chứ không kêu bác sĩ”…Và sau khi được lãnh các bí tích sau hết, ngài đã ôn tồn nói với vị linh mục trẻ: “Đẹp làm sao cái chết của một linh mục hoàn tất trách nhiệm của mình”.

 

Ở gữa chúng ta hôm nay, hình như cũng đang có một Viaaney của thời đại đã hoàn tất trách nhiệm mục tử cách hoàn hảo và đã chết một cái chết đẹp tuyệt vời.

 

“Thưa Cha Phêrô, Cho dù lời thánh vịnh nào đó vẫn thường nhắc nhở chúng con về cái hữu hạn, bé bỏng, mỏng manh, dễ mất hút, lãng quên của cuộc đời:

 

“Một cơn gió thoảng, đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích...” xin Cha hãy tin rằng, Giáo Phận Qui Nhơn nầy, cộng đoàn Dòng Đức Mẹ Đồng Công cứu chuộc nầy, bao thế hệ học sinh và cháu con nầy, những người nghèo hèn khốn khổ nầy…sẽ không bao giờ quên Cha trong lời kinh, trong thánh lễ, trong những nhắc nhớ nhau thực hiện những gương lành, những bài học, những lời huấn đức, những dặn dò của cha trối lại đâu !

 

Xin Cha hãy luôn nhìn về Giáo Phận, đặc biệt, nhìn đến và nguyện cầu cho Đức Cha Giáo Phận đang đau bệnh, luôn nhìn đến chúng con, các chủng sinh, tu sĩ, các linh mục học trò, các thế hệ Kitô hữu đã được Cha ban các bí tích và nuôi dạy trong mái trường Giáo Hội…để một ngày không xa, chúng ta sẽ đoàn tụ trong nổi vui ngút ngàn vì tất cả được Đức Kitô Phục Sinh “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21); và đó cũng là ngày lời tiên tri ngày nào của Đấng Cứu Thế sẽ dứt khoát hện thực miên viễn: “Hạt lúa mục nát đi sẽ sinh nhiều bông hạt”. Chúng con xin bái biệt Cha. Amen.

 

Sau thánh lễ là nghi thức phó dâng và tiễn biệt do cha Tổng Phụ trách 2 dòng Đức Mẹ Đồng công Cứu chuộc chủ sự. Sau đó đoàn rước đi bộ đưa linh cửu cha Phêrô ra nghĩa trang của nhà dòng cách đó chừng hơn một km. Tại đây, Linh Mục Giuse Trương Đình Hiền chủ sự nghi thức hạ huyệt kết thúc tiến trình lễ Tang.