Chuyên Đề An Táng
 
 

Rơi lệ

Người ta khóc vì nhiều nguyên do. Vui quá cũng khóc; buồn quá cũng khóc; đau khổ hay mất mát quá lớn cũng làm người ta khóc. Khóc là một cảm xúc tự nhiên của con người.

Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay Ngài cũng khóc "Chúa Giêsu rơi lệ". Nhưng tại sao Ngài khóc? Có phải vì Chúa nhớ thương một người bạn thân đã ra đi vĩnh viễn không? Chắc không phải thế đâu, vì Ngài biết việc Ngài sắp làm cho Lazarô là cho anh được sống lại. Vậy có phải Ngài khóc vì thấy có nhiều người khóc thương anh ấy không? Chắc cũng không phải thế, vì Chúa Giêsu không bao giờ chạy theo những tình cảm chóng qua của con người. Vậy tại sao Ngài khóc?

Thật ra, trước sự mất mát và đau buồn của tang gia và những người thân, Chúa Giêsu cũng xúc động. Đó cũng là cảm xúc tự nhiên của Con Thiên Chúa làm người. Nhưng nguyên do sâu xa hơn khiến Ngài phải "rơi lệ " và thổn thức là do:

1. Sự cứng lòng tin của người Dothái và niềm tin nửa vời của Mátta và Maria. Trước bao nhiêu việc Ngài làm, bao nhiêu lời Ngài nói mà dân chúng vẫn thờ ơ, nghi ngờ. Thái độ ấy có ngay ở những người thân tín nhất của Ngài. Chúa khóc vì thương cho họ, ví tội nghiệp cho họ. Ngài đã mở mắt cho họ nhưng họ vẫn còn mù tối vì thái độ không cộng tác và những thành kiến cố hủ nơi họ.. Ta cũng hãy nhớ lại , có lần Đức Giêsu cũng dừng chân lại trước của thành Giêrusalem và khóc thương thành: "Giêrusalem, Giêrusalem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi ! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi" (Mt 23, 37-38). Đó là tấm lòng xót thương bao la của người cha, người mẹ cho con cái mình.

Có người nói rằng: Tại sao Thiên Chúa không hành động theo ý Ngài nếu Ngài thấy điều đó là tốt đẹp cho con người? Câu trả lời là vì Thiên Chúa không muốn biến chúng ta thành những cổ máy Robot. Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do và con người phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng tự do của mình. Nếu con người dùng tự do của mình để nghe theo Thiên Chúa, để làm điều thiện theo lời Ngài dạy, thì con người sẽ tìm được hạnh phúc và sẽ mãi mãi sống trong tự do thật sự. Còn ngược lại, con người sẽ phải đau khổ, phải chết và bị trầm luân mãi mãi trong đau khổ.

Lời Chúa vẫn còn đó, vẫn âm vang mỗi ngày bên tai và trong lòng chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có thái độ nào trước lời mời gọi của Chúa mà thôi.

2. Đức Giêsu khóc cũng vì Ngài nghĩ đến cái chết của Ngài sắp xảy đến. Cái chết của Lazarô là dấu hiệu tiên báo về cái chết của chính Đức Giêsu cũng như tiên báo sự chiến thắng tạm thời của Satan. Sự xúc động của Đức Giêsu ở đây cũng giống như tâm tình của Ngài trong cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu (Ga 12, 27. 13, 21). Việc Đức Giêsu phục sinh cho Lazarô cho chúng ta thấy quyền năng của Ngài như Ngài đã nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống". Hãy vững tin vào Ngài.

Chúng ta cũng hãy nhìn xem về thái độ của Mát-ta và Maria. Họ tuyên xưng và tin rằng Đức Giêsu là sự sống và tin Ngài có quyền làm cho kẻ chết sống lại. Nhưng trong thực tế, họ vẫn nghi ngờ. Chúng ta có thể nói được điều đó là vì khi Đức Giêsu bảo "Hãy đẩy tảng đá" ở cửa mộ của Lazarô ra, thì Mátta thưa với Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rối vì đã 4 ngày". Thế đấy, tuyên xưng niềm tin bằng tâm tình và bằng lời nói thì xem ra rất dễ. Nhưng đi vào thực tế, thì chúng ta lại rất hay nghi ngờ. Chúng ta cũng hãy xét lại mình xem, tâm tình của chúng ta khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa có giống như Mát-ta không?

 

26. Gieo mầm sự sống – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Tuần qua, trên báo có bài viết: “Đường đi của cái chết” nói về những đường dây ma túy từ Châu Phi và từ một số quốc gia đang đổ vào Việt Nam dưới rất nhiều hình thức. Một điều khó khăn cho những người có trách nhiệm đó là ma túy ngày nay rất đa dạng và rất mới, còn hành động của những kẻ gieo rắc cái chết trắng thì hết sức tinh vi và là một mạng lưới xuyên quốc gia. Những chất ma túy này hằng ngày đang gieo bao nhiêu sự chết chóc cho người Việt, gây nên một sự bạc nhược uể oải cho lớp trẻ, và ăn mòn tuổi trẻ của nhiều người. Bên cạnh những cái chết trắng còn có nhiều người đang gieo cái chết âm thầm cho người khác qua việc sản xuất thực phẩm không an toàn, hoặc gieo rắc những hình ảnh những lối hành xử giết chóc vào trong tâm hồn người khác qua phim ảnh bạo lực sách báo với lối sống thù hằn. Ở Việt Nam còn có cái chết mà các nơi khác rất ít có, đó là cái chết đường phố: những hung thần trên đường phố tại Việt Nam mỗi tháng cũng cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, mỗi năm hơn 10 ngàn người chết vì tai nạn giao thông, và cũng có từng đó người thương tật.

Thưa quý OBACE, xã hội và thế giới quanh ta dường như càng ngày càng được bao trùm bởi sự chết chóc, lo âu và sợ hãi như thế, thì Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng muốn cho con người được sống và sống hạnh phúc. Đức Giêsu chính là Đấng đã sống lại từ cõi chết và đem đến sự sống cho nhân loại. Câu chuyện Chúa Giêsu cho anh Lazarô được sống lại hôm nay muốn nói lên điều đó.

Cái chết là đau khổ tột cùng của con người, đau khổ cho cả người chết và người còn sống. Khi đối diện với cái chết con người lo âu sợ hãi, sợ hãi vì họ phải đối đầu với cái chết một mình, cảm thấy cô đơn không có ai đi cùng. Đối diện với cái chết người ta sợ hãi là vì người ta không biết bên kia cánh cửa sự chết điều gì sẽ xảy ra cho họ, và họ sẽ bị hủy diệt vĩnh viễn. Chính vì thế mà ai cũng muốn kéo dài sự sống. Bên cạnh đó cái chết còn để lại cho người sống một nỗi đau đớn mất mát vì phải vĩnh viễn chia tay với người thân yêu. Vì những lý do đó mà cái chết luôn là sự ám ảnh sợ hãi cho con người.

Trong cái nhìn đó, chúng ta mới thấy hoàn cảnh đau thương của gia đình Matta và Maria, họ chỉ có ba chị em, mà giờ đây mất đi người em út. Đọc câu chuyện chúng ta thấy cái chết của Lazarô đã làm cho tinh thần của hai người chị xuống dốc trầm trọng và đức tin của họ bị chao đảo và thử thách nặng nề. Trước đây, họ vẫn đón tiếp Chúa Giêsu như một vị Thầy quyền năng, và chắc chắn đã nhiều lần hai cô cũng chứng kiến việc Chúa làm phép lạ cho kẻ chết sống lại, tuy nhiên lần này khi Lazarô bị bệnh nặng, báo tin cho Thầy Giêsu, thì Thầy đã không đến ngay, vì thế hai cô rơi vào thất vọng, nên khi Đức Giêsu vừa đến thì cô Matta đã trách Chúa trong tuyệt vọng: Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết.

Dù là trách Chúa, nhưng cô vẫn còn một chút hy vọng khi cô nói: Nhưng con biết bây giờ Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, thì Người cũng sẽ ban cho Thầy. Chúa Giêsu đã không nỡ để cho hy vọng cuối cùng ở nơi cô bị vụt tắt nên Ngài đã nâng đỡ đức tin cho cô khi nói với cô: Em con sẽ sống lại. Tuy nhiên cô Matta vẫn chưa vượt qua được sự cản trở tự nhiên và sự suy nghĩ của con người, nên cô cũng chỉ nói lên niềm tin vào sự sống đời sau mà thôi, chứ cô không tin rằng Đức Giêsu có thể làm cho em cô sống lại ngay bây giờ, vì thế cô nói: Vâng con biết đến ngày tận thế thì em con sẽ sống lại.

Chúa Giêsu đã muốn cho cô Matta đi một bước xa hơn trong niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa ở nơi Ngài, tin Ngài có thể làm được tất cả, nên Ngài mới giải thích cho Matta: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống, ai sống mà tin vào Thầy thì không bao giờ phải chết. Giải thích điều đó, Chúa Giêsu muốn cô Matta tuyên xưng niềm tin của mình khi Ngài hỏi cô: Con có tin như thế không? Lúc này cô Matta đã vâng phục hoàn toàn không cần phải giải thích thêm, cô đã tuyên xưng: Thưa Thầy có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian. Với lời tuyên xưng này, cô Matta đã tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, có nghĩa là Đấng được xức dầu, là Đấng Cứu Thế, và còn tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, có nghĩa là tuyên xưng Đức Giêsu là chính Thiên Chúa, Đấng có quyền năng của một vị Thiên Chúa.

Mặc dù hoàn toàn tin tưởng Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, nhưng cô Matta, chị của người chết vẫn cứ để cho sự chết ràng buộc mình, cho nên khi Chúa Giêsu ra lệnh cho mọi người khiêng tảng đá lấp cửa mộ ra, thì cô Matta đã can ngăn mọi người: Thưa Thầy, không thể được, vì đã bốn ngày rồi. Một lần nữa Đức Giêsu lại nâng đỡ đức tin cho cô Matta: Nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa. Bằng một mệnh lệnh: Lazarô hãy ra đây, người chết liền bước ra khỏi mồ, trên người còn quấn những khăn liệm. Chứng kiến phép lạ này nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.

Đức Giêsu chính là Thiên Chúa là Đấng ban sự sống cho nhân loại và vũ trụ, Ngài là Đấng đã mang lấy thân phận của con người đã chấp nhận cái chết và đã dùng quyền năng của Thiên Chúa mà chỗi dậy từ cõi chết để đem đến cho nhân loại sư sống, những ai tin Ngài và đón nhận Ngài thì đón nhận được sự sống Ngài ban tặng. Việc hồi sinh cho Lazarô là một minh chứng về quyền năng của Thiên Chúa, tuy nhiên Lazarô vẫn chỉ hồi sinh để sống lại cuộc sống cũ, còn những người tin vào Đức Giêsu, thì đón nhận được một sức sống mới hoàn toàn khác hẳn với cuộc sống cũ. Sức sống mới này là sức sống của Thần Khí của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trao ban sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Thần Khí sự sống mà Đức Giêsu ban tặng đã được tiên tri Ezekiel nhắc đến khi tiên báo rằng: Thiên Chúa phán: Ta sẽ mở cửa mồ cho các ngươi, Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi, và các ngươi sẽ được hồi sinh. Thánh Phaolô đã hiểu điều này, đã tin và đã nói cho cộng đoàn Rôma rằng: Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, Ngài cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới.

Thưa quý OBACE, chúng ta vẫn phải đối diện với cái chết về thể xác, nhưng đối với những người tin vào Đức Giêsu, thì cái chết không còn là nỗi sợ hãi kinh hoàng nữa, vì chúng ta tin vào lời Chúa hứa hôm nay: Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống, và ai sống mà tin vào Thầy thì sẽ không phải chết nữa. Do đó với người Kitô hữu cái chết sẽ trở nên nhẹ nhàng, là ngưỡng cửa bước qua để chúng ta được vào hưởng sự sống đời đời với Thiên Chúa.

Tuy nhiên chúng ta không chỉ mong đợi sự sống đời đời mai sau, nhưng ngay hôm nay, nhờ được dìm vào dòng nước rửa tội, cùng dìm vào cái chết của Đức Giêsu Kitô, thì ngay hôm nay, lúc này, chúng ta đang đón nhận được sự sống Ngài trao ban. Sự sống ấy chính là Thánh Thần của Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động trong chúng ta. Như thế, theo thánh Phaolô, chúng ta không thể để mình sống theo con người cũ, không thể để mình buông theo lối sống của xác thịt và của thế gian, nhưng phải để cho Thánh Thần chi phối và dẫn dắt, và chỉ những ai để cho Thánh Thần dẫn dắt thì mới thuộc về Đức Kitô. Mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận sức sống của Thánh Thần trong ngày rửa tội và được tăng cường mạnh mẽ trong ngày lãnh Bí tích Thêm Sức, tuy nhiên, nhiều người đã bỏ quên sự hiện diện của Thánh Thần, đã để cho mầm sống mới của Đức Kitô bị thui chột bởi cuộc sống bê tha lười biếng.

Một lần nữa lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tái khẳng định niềm tin vào Chúa Giêsu, để nhờ tin vào Ngài, chúng ta được lãnh nhận Thánh Thần là sự sống của Ngài, và được sống. Hãy đem sự sống của Đức Giêsu vào trong đời sống và trong gia đình của mình, hãy lắng nghe và vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, Chúa Thánh Thần sẽ soi dẫn chúng ta, giải gỡ những khó khăn trong cuộc sống, giúp chúng ta điều chỉnh lại nếp sống để cho gia đình mỗi ngày thêm hạnh phúc hơn. Hãy cùng nhau tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, và dám phó thác cuộc sống và gia đình cho Ngài, Ngài sẽ canh tân đổi mới cuộc sống gia đình chúng ta.

Nhiều người ngày nay đang bị chôn vùi trong tội lỗi, trong cái tôi ích kỷ lười biếng và tự mãn của mình, nhiều người trẻ thì bị những dây băng là các thứ nghiện ngập đam mê trói buộc như games, internet, phim ảnh, sách báo xấu, ma túy, cờ bạc, cá độ,… khiến họ nằm lỳ trong tình trạng xa Chúa, nhiều bạn khác vì bị nhồi nhét bởi những tư tưởng vô thần, những phong trào chống phá bôi xấu Giáo Hội, nó như nấm mồ chôn chặt cuộc sống và suy nghĩ của họ. Hãy tin tưởng vào quyền năng của Đức Giêsu để lăn tảng đá xấu xa đó ra khỏi cuộc đời, hãy giúp nhiều bạn trẻ tháo cởi khỏi những sợi dây băng chết chóc ràng buộc đó, để giúp họ có thể đến với Đức Giêsu và đón nhận được Thần Khí sự sống của Ngài. Amen.

 

27. Chôn cất – Lm Vũ Đình Tường

Không phải hễ có chết là có an táng cả đâu. Rất nhiều trường hợp hết đời âm thầm, tàn lụi không an táng. Không ai an táng một tư tưởng ngay cả có thời nó được coi là vĩ đại. Không ai an táng một mối tình đứt quãng giữa đường. Chẳng ai an táng cái chết của một niềm tin, dù là niềm tin vào Đức Kitô.

Ban sự sống lại cho Lazarô Đức Kitô ban nguồn sống mới cho các tông đồ và tăng thêm niềm tin cho những người từng quen biết Lazarô. Chính những người này thắc mắc vào quyền năng Thiên Chúa. Họ hỏi nhau ông Jêsu có thể mở mắt cho người mù mà không thể cứu sống được bạn mình sao. (c,38)

Đức Kitô nhắc cho chị em Maria và Martha biết về quyền năng của Thiên Chúa khi Ngài phán bảo các cô Ngài là Thiên Chúa của sự sống. Mary và Martha tin vào quyền năng của Thiên Chúa vượt lên khỏi sự chết, đau khổ và bệnh tật và các cô, dù không hiểu hay hiểu rất mù mờ vẫn đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô. Tin vào Đức Kitô không đòi hỏi chúng ta hiểu một cách cặn kẽ. Có lẽ điều cốt yếu cần học hỏi để tin nhiều hơn là học biết tình yêu Chúa dành cho con người cao xa, vượt khỏi tầm hiểu biết của ta.

Ban sự sống lại cho Lazarô Đức Kitô mặc khải sức mạnh tình yêu Chúa. Mặc khải sức mạnh tình yêu Chúa chính là làm sáng Danh Chúa. Đức Kitô cho biết sức mạnh tình yêu Chúa lớn hơn sự chết và Danh Chúa cả sáng biểu lộ qua tình thương bao la Ngài dành cho nhân loại. Đức Kitô đánh bại sự chết cho thấy ngay cả ‘thần chết’ cũng phải quy phục Ngài. Chết là chặng đường ta đi qua trước khi bước vào ngưỡng cửa Phục Sinh vinh quang.

Mary và Martha tin vào quyền năng Chúa nhưng vẫn mù mờ thắc mắc tại sao Thiên Chúa chậm chạp trong việc đáp lại lời ta cầu xin. Cả hai cô, dù không bàn với nhau trước nói với Đức Kitô cùng một câu. Nếu Thầy đến sớm thì em con sẽ không chết (c.21, 32)

Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài, không phải chương trình của ta. Khi nào Ngài đáp lời ta cầu xin là do Ngài chọn lựa thời gian, địa điểm. Việc chọn lựa này đặt căn bản trong việc thực hiện í Chúa Cha như Ngài từng phán Ta đến không phải để làm theo í Ta mà là làm theo í của Chúa Cha. Khi nào thỉ đến giờ Ngài thực hiện điều ta xin là quyền của riêng Ngài. Tiệc cưới Cana chứng tỏ điều đó khi Đức trinh nữ xin Ngài giúp gia chủ vì giữa tiệc hết rượu. Ngài đáp: Giờ Ta chưa đến.

Hai chị em Mary and Martha tin tưởng Đức Kitô sẽ cho Lazarô sống lại và ngày đó sẽ xảy ra trong ngày sau hết. Ngày sau hết khi nào chỉ mình Thiên Chúa định đoạt. Chúng ta cũng không quên Thiên Chúa làm chủ sự sống và Ngài làm chủ cả thời gian. Đối với chúng ta có sớm, có muộn vì chúng ta ảnh hưởng bởi thời gian. Thiên Chúa không ảnh hưởng bởi thời gian nên không có sớm, cũng không có muộn, cũng không có tương lai. Đối với Ngài thời gian luôn là hiện tại. Liên kết với Đức Kitô để được luôn sống trong hiện tại và ơn Phục Sinh thuộc về Ngài.

Hành trình đi từ cõi chết đến sự sống là hành trình mỗi người chúng ta đều trải qua. Chết về phần thân xác để sống vinh quang phần tâm linh. Hành trình này gây đau khổ, xót thương như hai chị em Maria và Martha đã trải qua trước khi đón nhận sự sống mới của Lazarô. với đức tin vào Đức Kitô chúng ta tin rằng chết thân xác chỉ là biến đổi từ xác phàm trước khi mặc lấy thân xác vinh hiển. Chết thân xác chỉ là tạm bợ vì tình yêu Chúa cao vời vĩ đại hơn tội lỗi con người.

 

28. Khóc.

Đức Kitô không phải chỉ là một vị Thiên Chúa uy quyền, mà còn là một người như chúng ta. Ngài cũng có một trái tim và trái tim ấy cũng biết rung động, cũng mang lấy những tình cảm dạt dào.

Thực vậy, trước sự ngoan cố của bọn biệt phái, Ngài đã nổi giận. Trước sự giả hình của họ, Ngài đã đe loi. Trước sự buôn bán nơi đền thờ, Ngài đã nổi nóng và xua đuổi. Trước cảnh bơ vơ của dân chúng, Ngài đã động lòng thương xót. Trước đám đông đang đói khát vì đã theo Ngài những ba ngày rồi, Ngài đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi dưỡng họ. Ngài đã chúc lành cho các em nhỏ, đã chữa khỏi những bệnh hoạn tật nguyền để xoa dịu nỗi đớn đau của dân chúng.

Nơi vườn cây dầu, Ngài đã buồn sầu đến nỗi mồ hôi máu chảy ra nhỏ xuống đất. Đặc biệt hơn cả, đó là Ngài đã khóc. Khóc vì Giêrusalem sẽ bị đổ vỡ hoang tàn. Khóc vì thương xót Lagiarô.

Tuy nhiên, Ngài luôn giữ được thế quân bình trong đời sống tình cảm. Trước tình thế căng thẳng nơi vườn cây dầu, Ngài vẫn sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha. Lúc phải đau khổ tới tột cùng, Ngài luôn nhớ tới mục đích mình theo đuổi. Ngài đã bình tĩnh trước phong ba bão táp, Ngài đã tha thứ cho kẻ thù trong cơn hấp hối.

Tóm lại, đời sống tình cảm của Ngài hoàn toàn khác xa chúng ta. Ngài luôn làm chủ được tình cảm của mình trong mọi hoàn cảnh. Những tình cảm ấy luôn hướng thiện và không bao giờ quên lãng mục đích. Luôn hòa hợp vâng phục lý trí và thúc đẩy cho việc làm.

Chẳng hạn khi Ngài khóc thương trước nấm mồ Lagiarô, thì người Do Thái đã coi đó là dấu chỉ Chúa yêu thương ông cách riêng. Chúa khóc vì thần chết đang khống chế loài người. Chúa khóc vì chính Lagiarô sẽ là dịp cho người Do Thái ghen tức và vấp phạm. Chúa khóc vì sự ngoan cố của bọn biệt phái, phủ nhận uy quyền của Thiên Chúa. Chúa khóc vì lòng tin của chị em Martha chưa được hoàn hảo.

Còn chúng ta, chúng ta đã khóc như thế nào? Trước một đám tang, có người khóc chỉ vì a dua, khóc mướn, khóc theo kiểu chặng đàng thứ tám. Khi một kẻ thân yêu chết đi, nhiều người trong họ hàng cũng đã khóc. Cái khóc ấy chưa hẳn đã là vì thương người nằm xuống, mà có khi chỉ vì thương chính bản thân mình, là kẻ còn lại phải đơn côi, phải bơ vơ không ai nương tựa. Ay là chưa nói đến những hoàn cảnh mượn tiếng khóc để chửi xéo lẫn nhau, nhất là đối với các bà các cô.

Thực vậy, người ta thường bảo nước mắt các bà các cô có thể là một đập nước, nhưng cũng có thể là một trận lụt. Và tệ hơn nữa, nhiều người đã đổ ra những giọt nước mắt cá sấu, tức là những giọt nước mắt giả dối và lừa đảo, có thể ăn sống nuốt tươi kẻ khác.

Trong đời này, người ta thường khóc khi vui cũng như lúc buồn. Ay là chưa nói đến những kẻ khóc trong lúc say xỉn, khóc không có lý do. Tuy nhiên, lại có những kẻ chẳng khóc bao giờ, bởi vì lương tâm họ đã chai lỳ, đã băng giá, không còn nhạy cảm trước những nỗi đau thương. Họ không khóc đã đành mà tệ hơn nữa còn làm cho người khác phải khóc vì họ.

Tóm lại, khóc là một nhu cầu, chúng ta khóc phần lớn là do kết quả của một nỗi khổ tâm hay một niềm đau đớn nào đó.

Thế nhưng, điều quan trọng đó là hãy biết khóc cho cuộc đời tội lỗi của mình. Chính cuộc đời tội lỗi này đã làm cho Chúa phải khóc và làm cho Giáo Hội đau buồn. Đó là những giọt nước lệ làm mờ nhạt đôi mắt nhưng lại làm sáng tâm hồn. Và hơn thế nữa, trong Mùa Chay, hãy biết khóc lóc ăn năn tội lỗi để được thứ tha.