Chuyên Đề An Táng
 
 

Suy niệm của Lm. Gioakim Bùi Văn Ninh

Thời gian này chúng ta đi sâu vào Mùa Chay, và cũng trong thời gian này nhiều giáo xứ đã tổ chức Bí Tích Hòa Giải để nhiều người sám hối trở lại cùng Chúa, nhiều anh chị em dự tòng đang chuẩn bị tâm hồn đón nhận bí tích Thánh Tẩy. Tôi có tin nhận rằng Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại vì tôi không?

Các bài đọc hôm nay cho thấy sự xuyên suốt với chủ đề: Sự Sống Lại.

Bài đọc Cựu ước: Thiên Chúa cho dân Ngài sống lại.

Bài Tin Mừng: Đức Giêsu làm cho Ladarô sống lại.

Bài đọc Tân ước: Thánh Thần ban sự sống cho mọi xác phàm.

Qua phép lạ Chúa Giêsu đã làm Chúa muốn ban cho con người từ sự sống lại đến sự sống đời đời. Câu then chốt trong bài Tin mừng hôm nay là: “Phục sinh và sự sống chính là Ta ! Ai tin vào Ta thì dầu chết cũng sẽ sống và mọi kẻ sống mà tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ” (c 25). Và để giúp người ta tin như thế, Chúa Giêsu đã cho Ladarô sống lại.

Bước vào đời sống rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã không ngừng làm cho mọi người tin Người có sự sống đời đời đem đến cho người ta. Hôm nay sắp bước vào cuộc khổ nạn, Chúa càng khẳng định mạnh mẽ hơn để củng cố niềm tin của mọi người và nói lên ý nghĩa việc Người chấp nhận sự chết.

Sự sống thể xác:

Hầu hết ta lo lắng cho phần xác nhiều thời giờ hơn: ăn uống, tiền bạc, thuốc men, hưởng thụ… và cũng rất nhiều tội ta phạm vì quá lo cho sự sống thể xác.

Tin mừng Thánh Gioan kể lại hôm nay, bà Matta, bà Maria nhiều người Do thái thân cận cũng đã lo lắng, buồn phiền, thương tiếc trước cái chết thể xác của người thân là Ladarô cả Chúa Giêsu cũng thổn thức trong lòng ít nhất là 2 lần trước cái chết thể xác của Ladarô.

Ladarô được Chúa Giêsu cho sống lại, ông sống thêm một thời gian nữa rồi cũng phải chết như những người khác.

Ai cũng biết rằng sự sống thể xác con người gặp rất nhiều giới hạn và giới hạn cuối cùng là cái chết và chính Chúa Giêsu cũng chấp nhận cái giới hạn đó.

Sự sống thần linh:

Qua tiên tri Êdêkien Chúa phán: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh” (Ed 37, 14a).

Thánh Phaolô gởi thư cho tín hữu Rôma: Thánh Thần làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết sống lại trong anh em, thì cũng làm cho xác phàm hay chết của anh em được sự sống mới”.

Sự sống thần linh quan trọng hơn sự sống thể xác bởi sự sống này thuộc về Thiên Chúa.

Gợi ý áp dụng:

Ladarô được Chúa Giêsu cho sống lại để làm vinh danh Chúa, làm cho những người Do Thái, các Tông Đồ và cả tôi nữa tin rằng Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa sai đến với nhân loại.

Ladarô sống lại giúp cho tôi xác tín vào niềm tin phục sinh của ngày mỗi người sẽ sống lại do quyền năng Thiên Chúa.

Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”, mà tôi không sống đúng với lời tuyên xưng niềm tin ấy và chưa dám tin vào Lời Chúa nói: “Ai dám liều bỏ mạng sống thì sẽ được sống đời đời”.

Mùa Chay giúp ta chuẩn bị chia sẻ sự sống đời đời với Đức Giêsu. Cuộc sống thần linh của ta có thể đã chết hay chưa sống dồi dào. Ta hãy kết hợp với Chúa Giêsu mà xin ơn Phục Sinh và tin chắc rằng ta sẽ được miễn là ta thực sự muốn mình Phục Sinh với Chúa.

Sau câu chuyện này Thượng Hội Đồng Do Thái đã quyết định giết Chúa Giêsu, như vậy Chúa đã chết để cho tôi được sống.

“Ai tin Ta sẽ không chết bao giờ” sau câu nói đó Chúa đã hỏi Matta: “con có tin như thế không”. Đó cũng chính là câu hỏi Chúa hỏi ta mỗi ngày và mỗi ngày ta sống như thế nào là câu trả lời đối với niềm tin vào Chúa Phục Sinh là sự sống đời đời.

Trong thánh lễ chúng ta luôn tuyên xưng: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”, đó là lời nhắc nhở việc Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.

 

21. Lưỡi hái hay chìa khóa vàng? – R. Veritas.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Thánh Charles Borrômê sống ở Italia trên 400 năm trước đây (1538-1584). Khi còn trẻ, Borrômê đầy những tước vị, danh vọng. Nhưng một lúc Borrômê đã nhận ra ngày nào đó, Ngài sẽ phải bỏ tất cả. Ngài muốn ghi khắc điều đó, nên nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ bức bích họa trong tư thất để diễn tả cái chết. Bức họa hoàn thành: họa sĩ trình bày thần chết theo lối cổ điển: một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay.

Borrômê ngạc nhiên: “Tại sao họa sĩ hình dung cái chết bằng chiếc lưỡi hái?”

Họa sĩ đáp: “Vì thần chết cắt hái mọi cuộc sống. Cái chết hủy hoại mọi cuộc đời.”

“Đồng ý”, Borrômê nói, “nhưng thần chết cũng mở cửa Nước Trời nữa chứ. Cái chết là cửa ngõ vào đời sống tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi đề nghị họa sĩ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng.”

Phải, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Thập giá là chìa khóa Nước Trời. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm lấy chiếc chìa khóa vàng. Cửa Trời đã mở ra cho con người vào Nhà Cha.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là sự sống lại và là sự sống”. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Lagiarô sống lại là một trong những lời “lạ tai” nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Thiên Chúa giáo và những người không tin ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó chính là nền tảng và hy vọng của cuộc đời.

Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là sự sống. Ai đang sống mà tin tôi sẽ không bao giờ chết”. Chúa không nói đùa. Chúa không thể đùa với sự chết, vì nó hoàn toàn trái nghịch với Ngài. Là sự sống và đến để đem lại sự sống, Chúa không thể muốn sự chết cho con người. Phép lạ cho ông Lagiarô sống lại làm chứng rằng Ngài có quyền ban sự sống. Không phải sự sống như đám đông bao quanh Ngài thầm nghĩ – sống một thời gian rồi chết – cũng không phải sống lại ngày tận thế mà thôi, như Matta tin tưởng, mà là sống ngay bây giờ và sống đời đời, như Ngài đã nói: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống” (Ga 5,24).

Vậy là có một sự sống khác. Có một sự sống thật. Sự sống ấy đã bắt đầu từ bí tích Rửa Tội và tiếp tục mãi đến đời đời. Sự sống thật này không mất đi khi con người chết, nhưng chỉ mất đi bởi tội lỗi (Ga 8,21). Tội lỗi mới là cái chết thật. Và ngược lại, cái mà chúng ta coi là sống chưa hẳn là sống.

Chỉ khi nào sống bằng chính sự sống của Chúa thông ban cho, lúc đó mới là sống thật và bảo đảm sống đời đời ngan qua cái mà chúng ta gọi là chết.

Thánh Phaolô, trong bài đọc 2 hôm nay (Rm 8,8-11) đã nói đến tình trạng những người “sống mà như chết” và “chết mà vẫn sống” đó: “Ai sống theo xác thịt, tội lỗi, thì dù có sống cũng như chết; ngược lại, ai sống theo Thánh Thần thì dù có chết cũng vẫn sống; hơn nữa, một ngày kia, Đấng đã cho Đức Kitô phục sinh cũng sẽ cho thân xác của những kẻ sống theo Thánh Thần được sống lại”.

Thưa anh chị em,

Một người nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời này được coi là chết. Nhưng nhiều người đang sống vẫn tự coi mình đã chết. Vì sống mà không có hy vọng, sống không tình thương, sống mà bị đời bạc đãi, phản bội, sống không ra con người, và nhất là sống trong tội ác. Sống như vậy, con người không cần đợi đến chết mới là chết. Chúng ta khóc thương người chết, nhưng biết đâu người sống lại chẳng đáng khóc thương hơn?

Bất cứ ai đã thoát khỏi tội lỗi và sống trong ân sủng thì đang sống trong sự sống đời đời rồi. Sự chết thể xác không làm gián đoạn được sự sống thân thiết với Thiên Chúa trong Nước Trời. Sự sống lại ngày tận thế, sự sống vinh quang đời sau đã bắt đầu ở hiện tại như cây trái đã bắt đầu trong hạt giống.

Từ Lời Chúa hôm nay, chúng ta mới có được một cái nhìn lạc quan hơn về thân phận con người chúng ta. Là tội nhận, là loài người phải chết, nhưng chúng ta đã được Con Thiên Chúa xuống thế làm người mạc khải tình yêu thương của Thiên Chúa cho chúng ta và Ngài đã thực hiện công việc cứu chuộc của Thiên Chúa giữa chúng ta và cho chúng ta. Cuối cùng, bằng chính cái chết và cuộc Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi chết đời đời và cho chúng ta được tham dự vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa.

Như thế, đối với chúng ta, những người đã tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế và đang cố gắng sống Lời Chúa dạy, thì sống hay chết, không thành vấn đề, mà chỉ có một thực tại duy nhất là sống, sống trong Chúa, sống cho Chúa, sống thuộc về Chúa. Cái chết chẳng qua chỉ là bước vượt qua từ đời sống trần gian đến đời sống vinh quang vĩnh hằng với Chúa Cha trên trời. Chính vì có sự liên tục giữa hai cuộc sống mà đời sống trần gian này mới có ý nghĩa và mới quan trọng, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải sống làm sao cho cuộc sống trần gian này là khởi điểm, là bảo đảm, là dấu chứng cho cuộc sống mai sau.

Anh chị em thân mến,

Trước khi bước vào Tuần Thánh là đỉnh cao của mầu nhiệm Khổ Nạn Phục Sinh, Giáo Hội đọc bài Tin Mừng hôm này nhằm kêu gọi chúng ta tin vào Đấng là sự sống lại và là sự sống. Niềm tin ấy thắp sáng lên trong chúng ta một hy vọng mà trần gian này dù đen tối đến đâu cũng không thể nào dập tắt được. Đức tin không chuẩn chước cho chúng ta khỏi những tang chế đau thương, những chia ly mất mát hay sự sợ hãi khi đối diện với cái chết. Nhưng đức tin là chấp nhận hiểu và sống các biến cố hiện tại dưới ánh sáng của sự sống siêu việt mà Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguồn cội sự sống đã loan báo.

“Tôi là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Tôi sẽ không chết bao giờ”. “Matta, con có tin điều đó không?”, Chúa Giêsu hỏi.

“Vâng, thưa Thầy, con tin”. Matta nói lên niềm tin của chị cũng là niềm xác tín của chúng ta: “Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Chớ gì khi tuyên xưng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, trong kinh Tin Kính chúng ta sắp đọc, niềm tin ấy không chỉ được phát biểu cách máy móc ngoài môi miệng, nhưng sẽ trở nên sức mạnh giúp chúng ta đứng vững trước mọi đau khổ thử thách, ngay cả cái chết. Đồng thời niềm tin ấy thúc đẩy chúng ta đến với anh em, để góp phần mang lại sự sống dồi dào cho anh em.

 

22. Hãy ra khỏi sự chết

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Khoa Toàn)

Người em trai báo tin ông cụ thân sinh tôi bị té nặng và đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện tỉnh Khánh Hoà, ngay trước giờ tôi chuẩn bị bài nói chuyện với các em thuộc Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo hôm Đại Hội cuối tháng hai vừa qua. Tiêu đề bài nói chuyện hôm ấy là "Mục Đích Đời Sống". Và mục đích của đời sống công giáo chân chính là gì nếu không phải là sống chết cho nhau, nhất là cho những người đã dày công dưỡng nuôi mình khôn lớn...

Và tôi đã đáp chuyến bay sớm nhất về lại Sàigòn. Rồi thuê một cuốc xe chạy ngày đêm ra Nha Trang. Vào ngay bệnh viện, ông cụ nhận ra tôi ngay -tuy vẫn còn mê man lắm- và ra hiệu muốn nắm lấy tay tôi. Tay đứa con tha phương quyện trong đôi bàn gầy guộc chai cứng theo ngày tháng của người cha già một đời lam lũ hy sinh vì đức tin và vì lý tưởng. Rồi đôi mắt nhoà đẫm lệ, ông cụ hôn tay tôi -như một nụ hôn giả từ vĩnh biệt...

Tôi đã chuẩn bị tinh thần ngay từ khi đuợc báo tin. Nhưng sáng hôm sau, vào lại phòng cấp cứu, ông cụ tỉnh hơn đôi chút. Rồi lạ lùng thay, ông cụ thều thào nói chuyện, kể cho tôi nghe là ông cụ đã đi đến một chỗ nào đó cao xa:. "Ba thấy toàn một màu trắng. Rồi thấy rất nhiều bà Sơ. Nhưng chẳng thấy ông cha nào cả!" Tôi phá lên cười: "Con biết tại sao rồi!"

Ai cũng cừời theo, trừ ông cụ. Và hình như vẫn còn mãi mê về một chỗ cao xa trắng xoá tinh tuyền nào đó, ông cụ ra hiệu cho tôi ghé tai gần: "Ba biết Ba chưa chết!" Tôi liền trấn an, vững tin như Martha về Lagiarô: "Không! Ba không chết đâu!" Phải cấy niềm tin và sức mạnh cho ông cụ, như Chúa Giêsu đã cấy cho Martha hai ngàn năm trước, tôi nhủ lòng mình.

Một điều tôi cảm xúc nhất về câu chuyện Lagiarô, là khi Chúa Giêsu nói cùng Martha: "Ta Là Sự Sống". Sự Sống. Ngay chính giữa cảnh chết chóc khóc lóc tang thương, Chúa đến mang sự sống; ngay giữa lúc khóc than, Chúa mang đến nụ cười. "Ta Là Sự Sống": Ta Là. Không Ta Đã Là hoặc Ta Sẽ Là. Ta Là: Hiện Tại; Bây Giờ. Vì với Chúa không thể có quá khứ và chẳng bao giờ có tương lai. Không thể chết, nếu tin vào Sự Sống và Sự Sống Lại. Không thể chết, vì chết chỉ là một phần của đời sống trường sinh miên viễn...

Sắp bước vào Tuần Chay Thánh, và một lần nữa, câu chuyện người chết sống lại Lagiarô là một lời cảnh báo vừa nghiêm khắc vừa xúc động: là không thể có sự sống đời sau nếu không trọn vẹn và thành tín sống đời sống đời này. Không thể có tương lai hằng cữu nếu hiện tại chỉ là một con số không rỗng toác! "Ta Là Sự Sống": nếu chúng ta đợi chờ sống đời sống trường sinh chỉ sau khi đã nhắm mắt xuôi tay thì chắc chắn đó là điều vô cùng ảo tưởng...

Là con người như bao con người, Chúa xúc động trước cái chết của Lagiarô: Người rơi lệ. Nhưng Người đã không để cho những bức xúc nhân tính lu mờ đi bản chất thiên tính của mình, như Lời Kinh Tiền Tụng: "Là người thật, Chía Kitô đã khóc Lagiarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Lagiarô sống lại ra khỏi mồ."

Nói một cách khác, giữa những đớn đau mất mát về vật chất xác thịt kia, điều tưởng chừng như phải khóc than đau buồn là khi niềm tin vào Sự Sống và Sự Sống Lại đã phai nhoà mai một. Chúng ta phải khóc, phải buồn, phải xót thương khi người thân không còn nữa. Nhưng những giọt nuớc mắt và nỗi buồn kia phải quyện trong một niềm tin sắt đá là Sự Sống và Sự Sống Lại đã tiêu diệt sự chết 2000 năm trước đây trên đồi Golgotha cô liêu hoang vắng.

Điều cảm xúc và đáng suy nghĩ khác là khi Chúa Giêsu phán: "Lagiaro! Hãy ra đây!" Đó là một lệnh truyền! Hãy ra khỏi sự chết và hãy bước vào -mạnh dạn bước vào- Sự Sống.

Và vì thế, khi tâm trí dày đặc những ý tưởng sợ hãi, lo âu, buồn phiền, thất vọng; khi phải diện đối diện với những dục vọng vật chất xác thịt thấp hèn; khi phải vật lộn với những đam mê bất chính, những giả hình hèn kém vong nô, hãy nghe lệnh Chúa phán truyền với chính mình: "Bạn! Hãy ra đây!"

Và chúng ta phải nghe lệnh truyền ấy. Nghe và bước ra khỏi những hang mộ tối tăm kia, như Lagiarô đã nghe và đã bước ra từ mộ chết đời mình. Hãy đừng chần chừ! Hãy không do dự. Hãy mạnh dạn bước ra vì cuối đuờng hầm, Chúa Giêsu -Sự Sống và Sự Sống Lại- đang giang rộng tay chào đón.

Khi chúng ta khiêm cung nhận biết mình là phận hèn vật mọn, Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta quyền phép đến vô cùng...

 

23. “Ta là sự phục sinh của ngươi” – André Sève.

Trong buổi nói chuyện với Matta, Chúa Giêsu đòi hỏi có một tiếng khẳng định quan hệ giữa chúng ta với Ngài:

- Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dầu có chết cũng sẽ sống; hễ ai sống và tin Ta sẽ không bao giờ chết. Con có tin như vậy không?

Dĩ nhiên chúng ta nhanh chóng trả lời “Có! Ngài là sự sống”. Nhưng sự sống nào? Chúng ta là những người đang sống. Ngài thêm gì vào sự sống của chúng ta? Thực ra, chúng ta là những sinh vật nhỏ bé bị cái chết rình rập. Chúa Giêsu muốn làm chúng ta trở thành những kẻ chiến thắng sự chết.

Trong trần thuật dài và bi thảm nói về sự sống lại của Lagiarô, ba cái chết được gợi ra và xen lẫn vào nhau: cái chết của Lagiarô, cái chết của Chúa Giêsu và cái chết của chúng ta. Trong khi đi tới nhà Lagiarô, Chúa Giêsu biết rằng cái chết cũng đang đe dọa Ngài: “Người Do thái muốn ném đá Thầy, sao Thầy còn quay trở lại đó nữa?”, các môn đệ nói với Ngài như thế.

Khi thấy Maria quá buồn khổ, Chúa Giêsu cũng bối rối cảm động. Ngài cảm thấy sâu sắc sự tuyệt vọng của thân phận con người, Ngài khóc bạn, Ngài thông hiệp với nỗi khổ của các chị của bạn và nghĩ đến cái chết của mình đang đến gần. Chưa bao giờ Ngài chìm đắm trong nỗi buồn khổ của chúng ta như thế. Những người chung quanh nói: “Kìa, Ngài yêu bạn mình biết bao!”

Nhưng họ ngạc nhiên, cả chúng ta nữa: “Chẳng phải Đấng quyền năng đã nói: Ta đến để mang lại sự sống cho các ngươi. Ta là sự sống lại và là sự sống?” hay sao?

Không phải Chúa Giêsu muốn làm cho chúng ta sống mạnh mẽ ở bên ngoài những khó nhọc, những thảm kịch của chúng ta và thậm chí cái chết nữa. Ở tận thâm sâu sự tuyệt vọng mà Chúa Giêsu chịu đựng cùng với chúng ta, Ngài sẽ cho chúng ta một dấu hiệu hùng hồn về cuộc sống vinh quang. Ngài đứng dậy và nói lớn lên: “Hỡi Lagiarô, hãy đi ra!”

Như mọi khi, đứng trước một dấu hiệu, phải thấy rõ rằng đó là một dấu hiệu, nghĩa là một lời mời gọi đi xa hơn nữa. Sự sống lại của Lagiarô là sự chiến thắng cái chết, nhưng là một sự chiến thắng tạm thời. Thế đã là nhiều rồi, một sự hy vọng điên rồ có thể nổi lên, cái chết không còn là phiến đá đè bẹp tất cả. Chúng ta đứng dậy để nghe mặc khải tối hậu vượt lên trên sự sống lại đơn giản:

- Ta là sự phục sinh.

Đây là một điều khác hẳn! Chúa Giêsu không sống lại như Lagiarô. Sự sống lại của Chúa Giêsu là sự chiến thắng hoàn toàn trên sự chết, bước vào cuộc sống “vĩnh cửu”, không chỉ theo nghĩa vô tận, mà còn có nghĩa là một cuộc sống khác. Cuộc sống này chắc chắn vẫn là của con người, tuy vậy với những tính chất và chiều kích khác biệt.

Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta cuộc sống khác này. Ban tặng ngay tức khắc! Do đó mới có lời này: Ta đến để chúng được sống”. Và tất cả điều khẳng định lạ lùng này được dùng ở thì hiện tại: Ai nghe Ta thì được sống đời đời, người đó sẽ vượt qua cái chết mà đến sự sống (5,24). Chúa Giêsu đã là “sự sống lại” cho Ngài và sẽ là “sự sống lại” cho chúng ta. Đây là lời tuyên xưng đức tin khó khăn nhưng chúng ta vẫn làm. Điều chúng ta ít hiểu đó là Chúa Giêsu là sự phục sinh như thế nào.

Ngài là sự phục sinh bởi vì Ngài có thể thông truyền cuộc sống phục sinh của Ngài, cuộc sống “thuộc về sự sống lại” của Ngài cho chúng ta. Khi chúng ta uống nước ở nguồn mạch này, chúng ta bắt đầu hiện hữu như thể chúng ta sẽ hiện hữu đời đời, trong khi hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa và với anh em.

Đây không phải là những điều dễ nhận thấy được. Chúng ta tin rằng Mẹ Maria và các thánh đã trải qua một cuộc sống yêu đương trong sáng ở dưới thế này để đi đến sự viên mãn vĩnh cửu. Nhưng chúng ta, chúng ta có lẽ sẽ sống cho đến cuối đời một cuộc sống pha lẫn cái chết, bởi vì chúng ta không thông hiệp với cuộc sống của Chúa Kitô cho đủ.

Tôi nhớ lại một nữ tu bị bệnh ung thư đã chăm chú nghe tôi nói về tác động hiện tại có thể có của sự sống lại. tôi nói với chị: mỗi lần sự can đảm và tình yêu chiến thắng tội lỗi di căn nơi chúng ta, thì chính sức mạnh của sự phục sinh của Chúa Kitô đã giành lấy con người phục sinh từ cái chết rồi vậy.

 

24. Đức tin.

Chúng ta thường nghe nói:

- Chết là hết.

Những người chủ trương như thế là những kẻ mang nặng đầu óc vật chất, không tin ở đời sau, không hy vọng gì ở một tương lai vĩnh cửu. Còn chúng ta thì khác. Với cái chết, thì một cuộc sống khác được khởi đầu. Có thể là hạnh phúc mãi mãi, nhưng cũng có thể là khổ đau đời đời, tùy theo việc lành dữ chúng ta đã làm khi còn sống ở trần gian này.

Đây là một vấn đề đòi hỏi chúng ta phải tin, như đoạn Phúc âm sáng hôm nay đã diễn tả. Thực vậy, Martha và Maria, đã sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay:

- Lagiarô, bạn thân Chúa đang đau nặng.

Thế nhưng cơn bệnh này lại được xử dụng để làm sáng danh Thiên Chúa. Cho dù Lagiarô đã chết nhưng Chúa Giêsu vẫn nói:

- Ta mừng vì không có mặt ở đó để các con được tin.

Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Martha đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối của mình:

- Lạy Thầy, nếu Thày có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ vẫn còn kịp bởi vì con biết rằng: Tất cả những gì Thầy kêu xin thì Thiên Chúa sẽ ban cho Thày.

Lagiarô em nàng đã chết nhưng nàng tin tưởng chắc chắn Ngài có thể làm cho nó được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu đã trả lời cho Martha:

- Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống, và bất kỳ ai sống và Tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ.

Với lời xác quyết vừa trang trọng, lại vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người chúng ta phải xác tín như lời Ngài hỏi Martha:

- Con có tin điều đó không?

Và Martha đã tuyên xưng:

- Lạy Thày con tin, Thày là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến trong thế gian.

Nàng biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng nước. Và Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ, Ngài truyền cho Lagiarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha. Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa, thế nhưng một số người khác, nhất là bọn Biệt phái và các thượng tế lại chống đối Ngài một cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và nhất trí kết án tử hình cho Chúa.

Cùng một sự kiện mà có người thì chấp nhận, nhưng có kẻ lại từ khước. Đức tin, dĩ nhiên là một ơn huệ của Thiên Chúa, thế nhưng nó không phải là một kho tàng được trao ban một lần thay cho tất cả vì sẽ không bao giờ bị mất đi. Trái lại, đức tin giống như một bông hoa quí nhưng lại dễ tàn và dễ héo, nếu chúng ta không biết chăm sóc cho nó.

Chúng ta nói nhiều về đức tin, nhưng thử hỏi được mấy người đã thực sự vun trồng cho đức tin trong cõi lòng của mình. Đức tin không phải là một món ăn được nấu chín và dọn sẵn cho chúng ta, nhưng là một cây được trồng nơi thửa đất là tâm hồn chúng ta.

Bởi đó, hãy vun trồng và chăm sóc cho cây đức tin của mình được đâm rễ sâu, vì rễ có sâu thì cây đức tin mới đứng vững được trước những phong ba và bão táp.