Chuyên Đề về An Táng
Câu Chuyện Đầu Tư
Lm Giuse Đinh Lập Liễm

I. Suy Niệm Lời Chúa

Chúng ta đọc: Mt 6,19-21.

Sống ở trên đời, ai cũng muốn cho mình được giầu sang phú quí, không ai muốn cho mình nghèo nàn thiếu thốn, đấy là tâm lý chung của mọi người sống trên trái đất này. Con người sống ở đời, xây dựng cuộc đời của mình theo điều họ ao ước, điều họ hướng đến, điều họ tìm kiếm. Nói cách khác, xây dựng kho tàng của họ. Kho tàng tượng trưng cho những giá trị mình coi trọng.

Người Kittô hữu công chính sống theo giáo huấn mới của Chúa Giêsu, không nên tích trữ kho tàng dưới đất chứa những của cải vật chất vì nó không bền vững, nhưng hãy tích trữ kho tàng trên trời là những việc lành vì nó rất bền vững và an toàn không bao giờ hư mất.

Kinh nghiệm thường tình cho thấy tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị, quyền lực là những cái nay còn mai mất. Tìm kiếm những thứ ấy, coi như kho tàng của mình, thì sẽ không bảo đảm cho sự sống đời đời. Còn ngược lại, nếu tích trữ cho mình kho tàng trên trời thì chắc chắn không gì hơn la phần thưởng hứa ban cho việc thực thi bố thí, cầu nguyện và ăn chay đích thực như Chúa đã dạy (Mt 6, 1-18).

Vậy, tích trữ kho tàng ở trên trời là sử dụng của cải trần gian làm sao để đạt tới Thiên Chúa, là cứu cánh và hạnh phúc thật của mình. Kiểu nói trên đây có ý diễn tả đạo lý về việc lập công tích đức cho cuộc sống mai hậu.

Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở người Kitô hữu về thái độ phải có đối với của cải đời này. Muốn được thế, chúng ta phải có tinh thần dứt bỏ sự ham hố của cải phù vân để lo đạt tới Thiên Chúa là kho tàng đích thật. Nói cách khác, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu thúc giục chúng ta hãy biết tích cực đầu tư vào Nước Trời.

II. Đầu Tư Cho Cuộc Sống Mai Hậu.

Truyện: Hãy dọn chỗ cho đời sau

Một buổi chiều, có một lữ khách nghèo tìm đến trước một dinh thự nằm ở ven một cánh rừng để xin trọ qua đêm vì lỡ độ đường. Không ngờ đây lại là nơi nghỉ chân sau những chuyến đi săn của một nhà quí tộc giầu có nhưng nổi tiếng là hết sức keo kiệt ích kỷ. Thế là đích thân chủ nhà ra xua đuổi không thương tiếc: “Đây là dinh thự của ta chứ không phải là nhà trọ mà ai muốn vào ở cũng được”! Cánh cửa đóng xập lại ngay. Nhưng người khách lạ vẫn kiên nhẫn đập cửa mãi cho đến khi nhà quý tộc lại phải ra mở cửa quát tháo to tiếng.

Người khách vẫn từ tốn đề nghị: “Thưa ngài, xin ngài bình tĩnh bớt giận, xin phép cho tôi được hỏi ngài ba câu, nếu như ngài là người thông minh trả lời được thì tôi sẽ xin đi khỏi đây ngay”! Nhà quí tộc nổi máu tự ái nên nhận lời, vẫn chắc mẩm mình sẽ thắng. Người khách bắt đầu hỏi câu thứ nhất: “Ai đã ở trong dinh thự này trước ngài” ? Nhà quí tộc trả lời được ngay: “Cha ta đã ở đây chứ ai” ?

Người khách lại hỏi câu thứ hai: “Thế ai đã ở đây trước ông thân sinh của ngài” ? Nhà quí tộc ngẩn ngơ không biết trả lời thế nào, vì cha con ông ta chỉ mới làm chủ tòa dinh thự này sau khi người chủ quí tộc trước đây đã bị phá sản rồi tự tử chết đã rất lâu. Đến đây thì người khách mới nói: “Nếu vậy thì cha ngài và cả ngài nữa, cũng chỉ là những ngươi khách trọ ở đây trong một thời gian nào đó, rồi đến một ngày chính ngài cũng phải nhường lại cho một chủ nhân khác. Hóa ra cái dinh thự nguy nga này cũng chẳng khác gì một thứ quán trọ”.

Người khách lạ nhận ra đã có sự đánh động sâu xa nơi nhà quý tộc, ông ta ngỏ lời: “Vì vậy, tôi thành thật khuyên ngài đừng quá phung phí tiền bạc để làm đẹp và chỉ bo bo giữ lấy cho riêng mình một cái quán trọ tạm bợ chóng qua như thế này. Ngược lại, tôi nghĩ ngài nên cởi mở tấm lòng để giúp đỡ những người nghèo khổ và cơ nhỡ thiếu thốn. Và như thế, chính là ngài đã biết chuẩn bị sửa soạn cho một chỗ ở vĩnh cửu đời sau trên Nước Trời”.

1. Đầu tư cho quê hương trần thế.

Khi hát bài “Quê hương” của Giáp văn Thạch, chúng ta rất cảm động khi nghĩ đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mỗi người đều có quê hương. Quê hương văn minh giầu có hay nghèo nàn chậm tiến vẫn là quê hương thân yêu của mình. Dù có phải xa quê hương nhưng lòng vẫn hướng về quê hương ấy như trường hợp dân Do thái buồn nhớ quê hương mình: “Gần sông Babylon, ta ngồi ta khóc, ta nhớ ta khóc Sion”.

Đã là con người thì việc sống cùng, sống với và sống cho phải được thực hiện trong cuộc đời. Chính vì thế, con người cần thể hiện tình yêu cho nhau và tình yêu quê hương phải được gắn chặt với cuộc đời mỗi người.

Quê hương như là ngươi mẹ, nơi đó con người được sinh ra, được bồng ẵm, được nuôi dưỡng, được đùm bọc, yêu thương… quê hương không thể xóa nhòa nơi ký ức mọi người. Con người và quê hương luôn gắn chặt với nhau, nên có những người dù có đi bốn bể năm châu, cuối cùng khi nhắm mắt lìa đời vẫn muốn trở về với quê cha đất tổ, trở về với lòng đất mẹ.

Vì vậy, có nhiều người lìa xa quê hương Việt nam thân yêu vì bất cứ lý do nào cũng hướng lòng về quê hương đất mẹ. Có nhiều người trở về Việt nam góp phần vào việc phát triển đất nước về mọi mặt như kinh tế, xã hội, giáo dục. Họ đã đầu tư rất nhiều vào lãnh vực kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; về giáo dực như mở trường dạy học, đào tạo nghề nghiệp; thậm chí người ta còn đầu tư cho cả lãnh vực phục vụ cho thân xác…

2. Đầu tư cho quê hương trên trời.

Nhạc sĩ Tôn thất Lập viết một câu rất hay: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về một rừng cây”. Tại sao vậy ? Thưa bởi vì rừng cây là hình ảnh gần đúng về đời người. Trong một khu rừng có cây non, cây già. Lá cây thì khi xanh khi vàng rơi rụng xuống. Rõ ràng rừng cây là hình ảnh về cuộc đời con người.

Đây là một nhận định thực tế. Cuộc đời con người cho dẫu sống đến trăm tuổi, rồi cũng có lúc phải dừng lại, rồi cũng kết thúc nơi phần mộ:

Trăm năm nào có gì đâu,

Nhạc sĩ Trịnh công Sơn, tuy là một người ngoại, nhưng cũng có những băn khoăn, thắc mắc, khắc khoải đi tìm một quê hương, một quê hương không biết rõ như thế nào, nhưng nó sẽ là quê nhà của mình:

Bao năm rồi còn mãi ra đi…

Quê hương đích thực không phải là một quê hương xét theo không gian. Nhưng nơi đâu con người cảm nhận được yêu thương, được chăm sóc, được lớn lên trong tình yêu, nơi đó là quê hương, là nỗi nhớ. Quê hương đích thực là nơi con người được sống trong tình yêu, và Thiên Chúa là tình yêu, nên quê hương đích thực của con người là Thiên Chúa: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”. Vì thế người ta mới nói:

Thế gian không phải là nhà

Cuộc đời trần thế chỉ là một cuộc chuẩn bị cho cuộc sống tương lai, cuộc sống mai hậu vĩnh cửu như ông Francois Mauriac đã nói: “Hãy ý tứ, bạn đang làm việc, để xây dựng hình ảnh đời đời của bạn”.

Linh mục Sertillanges viết: “Đời sống trần gian chỉ là giàn khung, để giúp xây dựng tòa nhà thiêng liêng cho con người tinh thần”.

Người ta có thể nhạo cười nhà thầu khoán nào đó, chỉ lo bắc giàn khung bằng vàng, bằng bạc hay bằng đồng, rồi treo những vòng hoa lúc nào cũng luôn luôn tươi mới, và cử người phục vụ mỗi tầng lầu, trong khi đó ông lại không chịu xây cất cho xong tòa nhà.

Ấy vậy mà nhiều người, nam cũng như nữ, vẫn hành động như thế đó ! Họ ra công tô điểm cuộc sống trần gian mà quên không xây dựng trong họ sự sống đời đời. Họ biết rằng (nhưng họ không chịu nghĩ đến) công trình xây cất có hoàn thành hay không, thì giàn khung cũng sẽ bị hạ xuống… Lúc đó, họ chỉ còn thấy rỗng không (Charles Lebrun, Vượt qua cõi hồng trần, tr 20).

3. Phải đầu tư như thế nào?

Suy tư về đời sống con người, chúng ta liên tưởng đến một khu vườn. Khu vườn nào cũng có cây tô cây nhỏ hay bông hoa cũng có nữa. Nhìn thấy vườn có cây cối, bông hoa trái xanh tốt. Ta liên tưởng ngay tới sức sống đang triển nở, đến việc chăm sóc vun trồng cắt tỉa. Đời sống con người cũng là một khu vườn. Khu vườn đời sống của mỗi người, từ lúc thành hình trong cung lòng mẹ cho đến ngày sau cùng, cũng trải qua nhiều chặng đường phát triển. Những chặng đường sự sống đó đều được chăm sóc vun xới bởi bàn tay vô hình quan phòng của Đấng dựng nên và cho lớn lên phát triển. Đấng đó là Thiên Chúa.

Khu vườn cuộc sống của chúng ta đã được Thiên Chúa trao cho quản lý. Chúng ta có trách nhiệm phải làm cho khu vườn ấy phải sinh hoa kết quả dồi dào, tùy theo khả năng mà Chúa đã trao cho chúng ta theo dụ ngôn người quản lý trung thành Mt 25,14-30: người lĩnh được 5 nén phải làm ra 5 nén khác, người lãnh 2 nén phải làm ra 2 nén khác, đó là những người chăm chỉ làm việc được chủ khen thưởng. Còn người lười biếng không chịu làm cho sinh lời ra thì sẽ bị phạt. Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình.

Thánh Phaolô nói rất chí lý: “Gieo giống nào thì gặt giống ấy” (Pl 6,7).

Sự sống và tình yêu vĩnh cửu của con người chỉ có thể có nếu chúng được gieo trong tại thế này, và sự gieo trồng ấy dĩ nhiên phải qua giai đoạn quyết liệt là hạt giống phải thối rữa, cần phải chết đi, nghĩa là phải “hết hiện hữu là hạt giống”.

Người ta chỉ có gặt khi có gieo, và ai gieo giống nào thì gặt giống đó. Gieo giống tốt thì gặt lúa tốt, gieo giống xấu thì gặt lúa xấu. Kẻ chỉ say sưa cuộc đời và tình yêu tại thế sẽ chẳng gặt được sự sống và tinh yêu trong Nước Chúa, bởi lẽ họ đã không gieo. Chỉ có những ai biết sống, biết yêu trong đời này, nhưng vẫn khao khát sự sống và tình yêu đời đời, chỉ những người đó mới thấy viên mãn của sự sống và tình yêu Thiên Chúa (Thiện Cẩm, báo Nhà Chúa, số 8, 4/69, tr 21).

Chúng ta đang xây dựng thiên đàng ngay tại trần thế này. Những gì chúng ta sẽ có trong đời sống mai hậu chỉ là những gì chúng ta đang tích chứa trong cuộc sống hiện tại: “Trời của bạn sẽ được hình thành ngay dưới đất bằng cánh tay của bạn” (Cha Duval).

“Đối với các tín hữu, với những người đang sống đức tin, trời không là cái gì hoàn toàn mới mẻ, nhưng là sự khai nở, tỏ hiện và thành toàn cái đã có sẵn trong họ. Chúng ta xây dựng đời dời trong mọi hành vi của mình: đó là khả năng kỳ diệu của con người. Chúng ta xây dựng Nước Trời từng mỗi phút giây” (Guy de Larigaudie).

Vậy chúng ta phải quí trọng từng giây từng phút trong cuộc sống hiện tại để xây dựng thiên đàng, đừng để cho một giây phút nào qua đi vô ích. Báo cáo của đài CBS nói người Mỹ sống trong một tuần trung bình như sau:

. 52 giờ ngủ
. 40 giờ làm việc
. 26 giờ xem truyền hình
. 21 giờ nghe đài
. 18 giờ ăn uống
. 08 giờ đọc sách

Còn lại 3 giờ quí báu cho những việc như giải trí, yêu đương hay cầu nguyện.

Thỉnh thoảng hãy suy nghĩ về sự chết. Sự chết là thầy dạy ta về sự khôn ngoan: “Xin dạy cho con biết đếm tháng ngày mình sống ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”(Tv 90,12). Thầy dạy ta biết kiếp sống mong manh như hoa dồng nội. Thầy dạy ta biết kiếm tìm những gì là bất diệt: “Anh em hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ ttrộm không đào ngạch, khoét vách lấy đi”(Mt 6,20).

Truyện: Đồng bạc nhân nghĩa.

Có nhà phú hộ kia gần chết mà lòng chỉ nghĩ đến tiền của, một động lực đã thúc đẩy ông lao lực suốt cả cuộc đời. Dùng chút sức tàn còn lại, ông cỗ gỡ chiếc bao nhỏ che giấu ở cổ, lấy chiếc chìa khóa trao cho người tớ gái trung tín nhất, ra dấu chỉ chiếc dương nằm trong góc nhà và bảo cô lấy những túi tiền vàng bỏ vào quan tài của ông.

Khi chết xong, ông sống một cuộc đời mới ở thế giới bên kia, nơi đó người ta cũng ăn uống và tiêu tiền như ở trên trần gian vậy. Đứng trước một chiếc bàn dài đầy những cao lương mỹ vị, ông hỏi người bán hàng:

- Món hàng này bao nhiệu vậy cô ?

Cô bán hàng trả lời:

- Một xu, thưa ông.

- Thế còn hộp cá mòi kia ?

- Cũng một xu, thưa ông. Tất cả những thứ được bầy bán ở đây, cái nào cũng giá một xu.

Nhà phú hộ thầm nghĩ: “Thế này thì bao giờ mới tiêu cho hết số vàng ta mang theo”. Ôâng chọn một đĩa thức ăn lớn với nhiều món ăn ngon nhất, rồi lấy một đồng tiền vàng ra trả, nhưng cô thu ngân không nhận. Cô ta vừa lắc đầu vừa nói:

- Thưa ông, ông đã học được quá ít trong cuộc sống.

Nghe thế, nhà phú hộ ngạc nhiên hỏi:

- Thế đồng tiền vàng của tôi không đủ trả cho đĩa thức ăn này hay sao ?

Cô bán hàng trả lời:

- Không phải, ở đây, chúng tôi chỉ nhận những đồng tiền mà trong cuộc sống trước đây ở trần gian người ta đã dùng để làm việc lành phúc đức, giúp đỡ những người nghèo khó túng cực mà thôi.

Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Nguyện đời con phiêu diêu
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận chốn thiên đường.

(x. Gilanjali, 103)