Chuyên Đề An Táng
Ga 6,37-40 :” Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời,
 

Ga 6,37-40 :” Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời,

                    Và Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết”.

 

       Tần Thủy Hoàng là một hoàng đế thời danh, ông làm vua Trung quốc, sống trước công nguyên quãng 200 năm.  Theo tạp chí National Geographic, Tần Thủy Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng. Một hôm, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh.

 

          Tần Thủy Hoàng liền phái một số tầu thuyền chất đấy châu báu lên đường, hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.

 

          Thế rồi ông lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga rộng lớn, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông ngân hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên năm mươi tuổi thì chết đi.

  

II. MỘT CÔNG LỆ PHỔ QUÁT.

 

          Kinh nghiệm hằng ngày cho chúng ta thấy mọi người giầu nghèo sang hèn, giỏi dốt, ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì, thì rồi cũng có ngày phải rời bỏ cõi đời này để trở về với thế giới bên kia, vì đây là án lệnh của Thiên Chúa đã ra cho loài người sau khi nguyên tổ Adong Evà sa ngã phạm tội :”Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất”(St 4,19).

 

          Thánh Phaolô cũng triển khai tư tưởng ấy trong thư gửi cho tín hữu Côrintô:”Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được  sống lại. Quả thế, như mọi người đều liên đới với Adong mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống lại”(1Cr 15,21-22).

 

          Không ai có thể phủ nhận được cái chết vì chung quanh chúng ta  có biết bao nhiêu người chết trong những hoàn cảnh khác nhau.  Người ta cố níu lấy sự sống  mà không được  vì thần chết luôn rình rập chung quanh, như “thợ gặt không có ngủ trưa”(Cervantes). Mọi người đều phải chết, chỉ khác nhau ở chỗ là vui lòng đón nhận cái chết hay chấp nhận một cách miễn cưỡng :

 

                                      Tôi nhận cái này đã từ lâu

                                      Bây giờ nói tới, dẫu hơi mau.

                                      Đã không tránh khỏi thì tôi tiếp

                                      Một cách đau thương nhưng ngẩng đầu.

                                                (Xuân Diệu)

 

 

Đối với Ki-tô giáo chúng ta, Thiên Chúa là Chúa của sự sống, ý định của Người là thông ban sự sống chứ không phải sự chết. Vậy sự chết bởi đâu mà có ? Kinh Thánh trả lời rằng: sự chết là hậu quả của tội lỗi ( Rm 5, 12; 6, 23 ). Nhưng Thiên Chúa, “vì quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để những ai tin vào Người Con ấy sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ) và lời tuyên bố của Chúa Giê-su trước khi làm cho La-da-rô sống lại là một trong những lời kỳ diệu nhất: Thầy là sự sống lại và là sự sống.    

Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Bởi vì Đức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống.    

 

Qua mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh sắp tới, Đức Giê-su sẽ hoàn tất măc khải này. Đức Giê-su đã chiến thắng sự chết bằng chính cái chết trên Thập Giá và Người đã sống lại để trao ban sự sống mới, sự sống của Đấng Phục Sinh. Chính bởi sự yêu mến, vâng phục và dâng hiến nên cái chết của Chúa Ki-tô là một sự chiến thắng, bẻ gãy mũi nhọn của thần chết ( 1 Cr 15, 14 ). Thánh Phê-rô đã nói một cách sâu sắc: “Tội lỗi của chúng ta, chính Đức Ki-tô đã mang vào thân thể, mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội lỗi, chúng ta được sống cuộc đời công chính” ( 1 Pr 2, 24 ).    

Sự chết không còn là tang tóc nữa mà đã trở thành Lễ Vượt Qua để tiến tới Vinh Quang Thiên Quốc. Từ nay Đức Giê-su không còn lệ thuộc vào thân xác vật chất nữa, những gì thuộc về thân xác vật chất đều đã chết trên Thập Giá. Chúa Ki-tô đã được Thần Khí hoá ( Rm 8, 11; 1 Pr  3, 18 ), và sự sống của Người thuộc về Thiên Chúa ( Rm 6, 10 )     

 

Niềm tin vào Đức Giê-su, Đấng đã chết và sống lại là niềm tin cao cả nhất.

Sự chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô không những đã chuộc lại được cho con người những gì nó đã mất vì tội lỗi, nhưng còn là một cuộc sáng tạo, bởi vì nhờ sự chết và sống lại của Người không những là nhịp cầu liên kết giữa Thiên Chúa và con người được mà còn thiết lập một tương quan mới, đó là tương quan Cha – Con. Nhờ cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, con người được tha thứ, được gội rửa sạch tội lỗi, khỏi án chết đời đời và trở nên con cái Thiên Chúa. Từ nay con người được gọi Thiên Chúa là Áp-ba, Cha ơi ( Rm 8, 15 ).    

 

Tin và sống trong ân tình của Chúa Ki-tô chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm sống của sự sống đời đời: “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết” ( Ga 11, 26; 1 Ga 3, 14 ). Không bao giờ chết chính là không bao giờ mất sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.     

 

Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và chúng con còn khắc khoải mãi cho đến khi được an nghỉ trong Chúa. Amen