HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

CHÚA NHẬT II MC năm B

Trọng tâm của Phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Chay Năm B là việc Thiên Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu, Con yêu dấu của Người, cho chúng ta và mời chúng ta hãy nghe lời Người Con ấy. Đó cũng là điều cốt yếu nhất của đời sống Kitô hữu. Chúng ta hãy đón nhận sứ điệp và tìm cách đáp lại lòng mong đợi của Thiên Chúa như tổ phụ Apraham đã hết lòng tin tưởng phó thác và vâng phục Thiên Chúa.

I. Lắng nghe Lời Chúa

1. Bài đọc 1: St 22,1-2.9A.10-13.15-18.

2. Bài đọc 2: Rm 8,31b-34.

3. Bài Tin Mừng: Mc 9,2-10.

II. Tìm hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc 1: St 22,1-2.9A.10-13.15-18. Là câu chuyện Ápraham dâng đứa con duy nhất của mình là Isaác làm lễ tế cho Thiên Chúa theo lệnh truyền của Người. Thật ra Thiên Chúa chỉ thử lòng tổ phụ xem ông có hết lòng với Người không thôi. Và một khi Thiên Chúa đã thấy Ápraham hết lòng với Người rồi thì Người long trọng thề hứa với ông: "Bởi vì ngươi đã không tiếc con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sai trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta".

2. Bài đọc 2: Rm 8,31b-34. Để thuyết phục tín hữu Roma (và tín hữu ở khắp mọi nơi mọi thời) tin vào Tình Thương vô bờ bến của Thiên Chúa, Thánh Phaolô lý luận một cách chắc nịch: "Một khi đã ban Con Một của Người cho chúng ta, thì lẽ nào Thiên Chúa lại không ban tất cả cho chúng ta?"

3. Bài Tin Mừng: Mc 9,2-10. Là câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi, trước mặt ba môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Gioan và Giacôbê. Ba môn đệ này chẳng những thấy Thầy mình thay hình đổi dạng sáng láng rạng ngời, mà các ông còn thấy cả Elia và Môsê là hai nhân vật nổi tiếng của Cựu ước xuất hiện và đàm đạo với Đức Giêsu. Êlia tượng trưng cho hàng ngũ các Ngôn sứ, còn Môsê tiêu biểu cho Lề Luật. Elia và Môsê tượng trưng cho Cựu Ước, cho truyền thống ngàn đời của Giao Ước Sinai. Trong khung cảnh "thần tiên" ấy ba môn đệ còn nghe được lời của Thiên Chúa Cha vang lên từ trong đám mây: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người". Đó chính là sứ điệp của Lời Chúa dành cho ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu xưa và cho tất cả mọi Kitô hữu ngày nay.

4. Sứ điệp của Lời Chúa: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người"

4.1 Sứ điệp dành cho ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu xưa: Trước hết, lời "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người" là sứ điệp Thiên Chúa Cha gửi trực tiếp cho ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu là Phêrô, Gioan và Giacôbê. Sau này ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê còn được hưởng một ưu ái khác của Đức Giêsu là được vào Vườn Cây Dầu với Thầy.

Nghe lời Đức Giêsu không có nghĩa là nghe tiếng Người nói mà là nghe theo lời Người dạy, tức làm theo lời Người dạy. Phúc âm cho chúng ta thấy ba môn đệ này (cũng như các môn đệ khác) không hề dễ dàng hiểu được đường lối của Thầy. Sau hai lần loan báo về Cuộc Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giêsu lên đường tiến về Giê-rusalem, thì hai ông Gioan và Giacôbê còn "vận động ngoại giao" để được giao hai ghế quan trọng nhất trong chính phủ mà các ông tưởng là Thầy mình sẽ thành lập: một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả: tức một người là cánh tay mặt, một người là cánh tay trái của Đức Giêsu! Còn Phêrô thì đã chối Thầy ba lần khi bị một người đầy tớ gái hạch hỏi. Các sự kiện trên cho chúng ta thấy đón nhận sứ điệp lời Chúa thật không đơn giản, ngay với các môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Chỉ sau khi nhận được Thánh Thần, thì các ông mới hiểu và mới có sức mạnh để sống theo sứ điệp ấy một cách trọn vẹn.

4.2 Sứ điệp cho tất cả các Kitô hữu ngày nay: Nhưng lời "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người" cũng là sứ điệp mà Thiên Chúa Cha dành cho mọi Kitô hữu thuộc mọi thời, ở mọi nơi. Vì mọi Kitô hữu đều đã nghe được lời mời gọi của Thiên Chúa và của chính Đức Giêsu để trở thành môn đệ của Người. Môn đệ thì phải nghe Thầy, phải sống theo Thầy là lẽ đương nhiên.

4.3 Chúng ta phải làm gì để đón nhận và sống sứ điệp của Thiên Chúa?

Muốn nghe lời Đức Giêsu thì chúng ta phải yêu mến Người hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết linh hồn. Chúng ta chỉ có thể yêu mến Đức Giêsu như thế khi chúng ta cảm nghiệm được tình thương vô bờ bến của Chúa Cha và của chính Đức Giêsu dành riêng cho chúng ta. Chúa Cha đã không tiếc gì với chúng ta, đến Con Một yêu dấu của Người, Người còn ban "nhưng không" cho chúng ta. Chúa Giêsu Kitô đã chịu mọi cực hình, đã chịu chết trên thập giá và đã đổ hết máu mình vì chúng ta. "Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của kẻ đã hiến mình vì người mình yêu" Đức Giêsu đã tuyên bố như thế và đã thực hiện lời tuyên bố ấy một cách trọn vẹn. Đáp lại tình yêu trời biển của Thiên Chúa Cha, của Thiên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, người Kitô hữu không có cách nào khác ngoài cách yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn. Chỉ có lòng yêu mến với cường độ cao như thế mới thúc đẩy người Kitô hữu nên giống Chúa Giêsu và tuân giữ lời Người. Muốn yêu mến, nên giống Chúa Giêsu và tuân giữ lời Người thì người Kitô hữu phải biết Người (vô tri bất mộ). Không phải biết cách hời hợt, qua loa như đại đa số giáo dân Việt Nam, mà biết cách sâu sắc như những người bạn tâm giao, như những cặp vợ chồng biết nhau. Muốn biết Chúa Giêsu sâu sắc như thế thì người Kitô hữu phải thường xuyên gặp gỡ, gần gũi, trò chuyện, tâm tình với Người, tức phải đi vào lòng Người. Đó chính là đời sống cầu nguyện, đời sống nội tâm. Đó chính là cách sống đạo lấy Lời Chúa làm trung tâm, làm động lực và làm khởi điểm mọi suy nghĩ và hành động của người Kitô hữu. Vì thế mà việc siêng năng đọc, suy niệm, học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa trong Thánh Kinh, nhất là trong Tân Ước, cách riêng trong 4 Phúc Am phải là một thực hành thường xuyên nhất, tức "thường nhật" của người Kitô hữu. Cũng vì thế mà mọi hoạt động của Thừa Tác Vụ Lời Chúa của Giáo hội (giáo lý, bài giảng, sách báo...) phải tập trung vào việc giúp người Kitô hữu biết cách tiếp cận với Lời Chúa một cách hiệu quả và phong phú.

Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy nhiều giáo xứ chưa quan tâm đủ đến công việc quan trọng này. Giáo lý trẻ em và tân tòng, thay vì ép các em học thuộc lòng những câu, những ý của bài học giáo lý, việc quan trọng hơn là chúng ta giúp các em biết sống thân mật, riêng tư với Chúa, biết cách nói với Chúa và nhất là biết nghe Chúa nói với mình; là chúng ta tập cho các em thói quen đọc Phúc Am mỗi ngày và tích cực học hỏi Thánh Kinh. Do cách giáo dục đức tin nặng tính lý thuyết kể trên, nên ngày nay nhiều giáo dân Việt Nam vẫn không hiểu Lời Chúa có tầm quan trọng như thế nào, và trong cách hành đạo họ chỉ dừng lại ở việc đọc kinh và tham dự thánh lễ một cách chiếu lệ, hình thức. Thiết tưởng công việc hết sức quan trọng và cấp bách mà Giáo hội Việt Nam phải thực hiện lúc này và từ nay trở đi là tập cho mọi giáo dân có thói quen đọc Phúc Am mỗi ngày, biết lắng nghe, đón nhận và thực thi Lời Chúa một cách tự nguyện tự giác, biết cách cầu nguyện tự phát với Lời Chúa trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của họ.

III. Sống Lời Chúa

Mỗi ngày tôi sẽ dành tối thiểu 15 phút để đọc, suy niệm Lời Chúa và trao đổi tâm tình với Chúa Giêsu Kitô, để đón nhận và thực thi Lời Người.

IV.Cầu nguyện với Lời Chúa

* Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã cho chúng con biết Đức Giêsu là Con Yêu Dấu của Cha và đã nhắn nhủ chúng con hãy nghe lời Người. Xin Cha ban cho chúng con lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô Con Yêu Dấu của Cha và biết chăm chú lắng nghe Lời Người.

* Lạy Chúa Giêsu, chúng con rất muốn thực hiện điều Chúa Cha đã căn dặn chúng con "Này là Con Ta yêu dấu hãy nghe lời Người". Chúng con muốn nghe lời của Chúa. Chúng con muốn thực hành lời của Chúa. Nhưng chúng con yếu đuối, không đủ sức mạnh, không đủ can đảm, không đủ tin tưởng phó thác để sống theo lời Chúa dạy. Xin Chúa ban ánh sáng, sức mạnh, lòng tin tưởng cho chúng con để chúng con thực hiện được điều Chúa ước muốn và chờ đợi ở chúng con.

* Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con biết rằng: chúng con chỉ có thể thực hiện được lời căn dặn của Thiên Chúa Cha "hãy nghe lời Người" khi chúng con được Chúa Thánh Thần tác động. Xin Chúa hãy đổi mới tâm hồn chúng con một cách mạnh mẽ để chúng con biết đón nhận và thực thi sứ điệp Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng con. Amen