Giải Đáp và Hướng Dẫn: 
Lm.
Phi Quang


Hỏi 7:

Chào Qúy Cha, Qúy Thầy và Qúy Bạn! Kính chúc Qúy Cha, Qúy Thầy, Qúy Bạn luôn tràn đầy Ân Sủng, Bình An và nhiều sức khỏe trong công việc Phục Vụ. Con có thắc mắc nay xin được hướng dẫn giải đáp. Con làm trong Công ty nên thường xuyên đi thăm viếng các Đám Tang của thân nhân các Anh Chị Em cùng làm trong Công ty. Thường các Nhà Hiếu hay để một bàn thờ Phật một bên và ảnh của Người quá cố cùng quan tài một bên. Khi vào thăm viếng họ thường đưa nhang để Lễ Phật trước và thắp nhang vái Người quá cố sau. Con thường thắp nhang vái Người quá cố và bỏ qua bàn thờ Phật. Có một chị cùng cơ quan đã vái bàn thờ Phật và nói đã hỏi một Linh mục nào đó và được phép làm việc đó. Con nghĩ Phật là một Con Người rất đáng kính trọng qua cuộc sống thánh thiện của Người, và việc thắp nhang vái để tỏ lòng tôn kính cũng là một việc bình thường. Vậy xin cho con hỏi việc thắp nhang vái Phật như vậy có được phép hay không để con có thể chia sẻ với các chị em người Công giáo khi tham gia thăm viếng Người quá cố. Con xin hết lòng cám ơn.

CYC-CYC Anna Trang

 

Đáp:

Chị Anna Trang thân mến,

Cám ơn Chị đã nêu lên vấn nạn rất thực tế trong môi trường đa dạng của người tín hữu ngày nay. Vấn nạn của Chị là người Công Giáo có được phép niệm Phật hay thắp hương bái Phật không?

Điều răn thứ nhất trong thập giới lên án thuyết đa thần và buộc con người chỉ tin kính một mình Thiên Chúa, không được tin kính và tôn thờ những thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa duy nhất (xem GLCG 2112).

Việc thắp nhang trước linh cữu hay di ảnh của người quá cố không phải là việc “thờ phượng” dành cho con người nhưng là một nghĩa cử bày tỏ lòng hiếu thảo, kính trọng đối với tiền nhân.

Tuy nhiên việc thắp nhang bái tượng Đức Phật lại mang tính cách khác. Với cử chỉ đó ta có thể làm cho người khác hiểu rằng chúng ta tin và sùng bái Đức Phật như bất cứ phật tử nào khác thường làm. Nói cách khác, ta “thờ” Phật. Như vậy ta đã mắc tội thờ quấy, dù chỉ là bề ngoài.

Theo chỉ thị của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chúng ta cần ghi nhận rằng:

  • Các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công Giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng tùng phục và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự… thi tín hữu không được thi hành và tham dự. Trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện cách thụ động.
  • Đối với những việc không rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này: nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo, mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên thì được coi như không trái với đức tin Công giáo (xin xem thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về việc Tôn Kính Tổ Tiên và Các Bậc Anh Hùng Liệt Sĩ, ngày 14 tháng 6 năm 1965).

Hy vọng một ít góp ý trên có thể trả lời vấn nạn của Chị.


 

GHI CÂU HỎI