Giải Đáp và Hướng Dẫn: 
Lm. Phi Quang


Hỏi 276

1. Nếu chỉ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội mà không lãnh nhận các bí tích khác có được cứu độ không? Tại sao?

2. Tại sao Hội Thánh buộc những tín hữu của mình "vào khoảng tuổi khôn" phải lãnh Bí Tích Thêm Sức?

3. Trong phụng vụ đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể có một số tư tế tự ý thêm bớt vào nghi thức phụng vụ đã được Giáo Hội phê chuẩn với ý nghĩ để cho phù hợp với hoàn cảnh cộng đoàn tham dự, điều đó có sai luật không? Căn cứ vào điều luật nào?

4. Có ý kiến cho rằng "Giáo Hội Công Giáo bày vẽ ra quá nhiều Bí Tích" điều này có thể gây ra tình trạng "lạm phát ân sủng" trong Giáo Hội, vậy theo quan điểm của Cha thế nào và xin Cha cho con một vài ý kiến.

Trinh Tam

 

Đáp:

1) Căn cứ vào lời Chúa "Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không tái sinh bằng nước và Thánh Linh" (Ga 3:5), Giáo Hội luôn nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của Phép Rửa để được rỗi. Một người có thể được rỗi sau khi chịu phép Thánh Tẩy, dù chưa có cơ hội (chưa đến tuổi chịu phép Thêm Sức, không kịp chịu phép Xức Dầu Thánh vì chết bất ưng...) hay vì chưa cần các bí tích khác (không mắc tội riêng nên không cần phép Hòa Giải, không lập gia đình nên không cần phép Hôn Phối, không gia nhập hàng giáo sĩ nên không lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh...).

2) Sự quan trọng của Bí Tích Thêm Sức: Mọi tín hữu, sau khi đã lãnh nhận phép Rửa Tội và đã được chuẩn bị xứng đáng có thể và phải lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức vì cùng với Phép Thánh Thể, ba Bí Tích khai tâm này làm thành một thực thể duy nhất kiện toàn ơn thánh của Phép Thánh Tẩy, liên kết tín hữu với Giáo Hội chặt chẽ hơn, được củng cố bằng sức mạnh Chúa Thánh Thần và kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô, để mở rộng và bảo vệ đức tin bằng lời nói và hành động như những chứng nhân của Chúa Kitô. Đời sống tâm linh cũng có những tính chất tương tự như trong lãnh vực đời sống thể lý: có sự sống và có sự sống dồi dào. Một người dù không có bệnh cũng cần "tầm bổ" để có thể "thêm sức" cho khỏe hơn và mạnh hơn. Do đó Giáo Hội dạy chúng ta nghĩa vụ: "Các tín hữu có bổn phận phải lãnh nhận Bí Tích này vào thời gian thích hợp" (GL 890).

3) Việc phụng vụ là việc thờ phượng chính thức và công cộng của Giáo Hội được cử hành nhân danh Giáo Hội và theo chỉ thị của Giáo Hội. Tư nhân không có quyền và không được phép để thực hiện những việc đó theo ý riêng mình. Trái lại, mọi người phải tuân hành theo những quy định của Giáo Hội trong việc cử hành. Luật Giáo Hội đã xác định rõ ràng: "Khi cử hành các Bí Tích phải tuân giữ trung thành các sách phụng vụ đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê chuẩn; vì thế, không ai được tự ý thêm vào, bỏ bớt hay thay đổi điều gì" (GL 846 §1). Vậy, ngoài trừ những chỗ mà luật phụng vụ cho phép, linh mục không được phép thêm bớt hay thay đổi chi tiết nào trong việc cử hành phụng vụ.

4) Đối với những ý kiến cho rằng "Giáo Hội Công Giáo bày vẽ ra quá nhiều Bí Tích" thì xin được minh xác rằng: Giáo Hội không phải là tác giả bày vẽ ra các Bí Tích, Giáo Hội chỉ lãnh nhận các Bí Tích do Chúa Kitô thiết lập mà thôi. Chúa yêu thương con người và cung ứng cho con người nhiều phương tiện để được cứu giúp và hỗ trợ hữu hiệu trong cuộc hành trình tiến về Nhà Cha. Con người bình thường không ai chê trách một bệnh viện có nhiều máy móc tối tân, nhiều phương pháp trị liệu và thuốc men đầy đủ, có công dụng chữa trị cho các bệnh nhân cách hữu hiệu và nhanh chóng hơn. Thiên Chúa yêu thương con người và ban cho con người nhiều phương tiện, trong đó có bảy phép Bí Tích, để con người có thể tận dụng và được cứu độ cách dễ dàng và hữu hiệu hơn.


GHI CÂU HỎI

TRANG HỎI ĐÁP