Giải Đáp và Hướng Dẫn: 
Lm. Phi Quang


Hỏi 23
9

Xin cha trả lời giúp chúng con các câu hỏi: 1.Trong Tin Mừng của Thánh Matthêu có đoạn : “ Ai nói phạm đến Con Người thì được tha ; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.” Thưa cha, tại sao tội xúc phạm đến Chúa Con thì được tha, còn phạm đến Thánh Thần thì không được tha ? vậy tội phạm đến Chúa Thánh Thần đó là tội gì ? 2. Có cha dạy chúng con: chỉ được nói Tôn thờ Thiên Chúa….không được nói kính thờ Thiên Chúa. Từ “Tôn thờ” để dành riêng cho Thiên Chúa. Vậy từ “kính thờ” chúng con có được sử dụng khi nói đến Thiên Chúa không? Thưa cha, có phải từ “kính” chỉ sử dụng khi nói tới Đức Mẹ, các Thánh hoặc kính thờ ông bà tổ tiên ? Xin cha giải thích cho chúng con hiểu khi nào nói “Tôn kính”, hoặc khi nào nói “kính thờ”? 3. Xin cha giải thích cho chúng con hiểu ý nghĩa các màu cờ được sử dụng nơi các nhà thờ của Giáo phận, Giáo xứ : Ví dụ trong thánh Lễ truyền chức, thánh Lễ tạ ơn Giám Mục, Linh Mục, khấn Dòng, Lễ Phục Sinh, Giáng Sinh, An táng…. Chúng con cám ơn cha.
Mary

 

Đáp:

1/ Tội phạm đến Chúa Thánh Thần được chính Chúa Kitô tuyên bố là một thứ tội không thể được tha thứ được cả ba thánh sử của Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại (xem Mt 12:31-32; Mc 3:29; Lc 12:10). Nhưng lời Chúa mạc khải ở đây không có ý giới hạn lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa nhưng có ý nói về phía con người cố tình không chịu đón nhận ơn tha thứ. Vậy tội phạm đến Chúa Thánh Linh không có ý chỉ về lời nói mà về chính tình trạng tội lỗi của người mắc tội này. "Người nào cố ý từ chối đón nhận lòng từ bi của Chúa bằng sự sám hối của mình, thì người đó gạt bỏ ơn tha thứ tội lỗi của mình và gạt bỏ ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban tặng. Một sự cứng lòng như thế dẫn đến sự ngoan cố không hối cải trong giờ phút cuối đời và bị hư mất đời đời" (GLCG 1864). Chỉ có người cứng lòng cho đến chết mới kể là mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Bao lâu còn sống, dù họ cứng lòng đến đâu, cũng vẫn còn có cơ hội để thống hối và được ơn tha thứ.

2/ Theo ý nghĩa thần học của từ ngữ được sử dụng, truyền thống của Giáo Hội dành chữ tôn thờ (latria) áp dụng cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Ta không được tôn thờ bất cứ một tạo vật nào dù Thiên Thần hay Đức Trinh Nữ Maria. Còn đối với riêng Đức Trinh Nữ Maria, Giáo Hội dành chữ Biệt kính (hyperdulia) cho Ngài. Còn đối với các thần thánh khác thì dùng chữ kính hay tôn kính (dulia). Trong ngôn ngữ bình dân nhiều khi người ta sử dụng không chính xác lắm và có thể gây hiểu lầm cho người khác. Người Việt Nam chúng ta thường nói tới việc "thờ cha kính mẹ" hay bàn thờ tổ tiên... chữ "thờ" ở đây không có ý nghĩa "thờ phượng" mà chỉ là tôn kính hay kính trọng mà thôi. Cũng có người dùng chữ "thờ kính" để áp dụng cho tổ tiên cho nên vị linh mục nói trên có thể phân biệt hai thái độ khác nhau đối với Thiên Chúa và đối với con người nên đề nghị không sử dụng chữ "thờ kính" mà dùng chữ "tôn thờ" đối với Thiên Chúa.

3/ Trong phụng vụ cũng như trong các hình thức tôn sùng bình dân người ta mang vào nhiều những biểu tượng như cờ quạt mầu sắc, hoa nến, hương, ... để bày tỏ tâm tình đạo đức trong các cuộc cử hành đó. Riêng về cờ ta thấy có quá nhiều thứ loại khác nhau chỉ về các mầu nhiệm trong đạo, các đoàn thể (đoàn kỳ) hay quốc gia (quốc kỳ)... Do đó không thể giải thích hết ý nghĩa của màu sắc do mỗi lá cờ đó mà tác giả có ý chọn lựa. Không có luật tổng quát của Giáo Hội trong việc trang hoàng cờ trong các nhà thờ Công Giáo. Các Giáo Hội địa phương có quyền để xác định các luật lệ liên quan đến vấn đề này.


GHI CÂU HỎI

TRANG HỎI ĐÁP