Giải Đáp và Hướng Dẫn: 
Lm. Phi Quang


Hỏi
201

Thưa Cha con là đệ tử của 1 Tu Hội. Khi con quyết định đi Tu là khi con mới trải qua 1 tình yêu tan vỡ và đau đớn. Con nghĩ mình không còn gì phải lưu luyến với trần gian nữa bố mẹ con mong muốn con đi Tu vì người bạn mà con thương là người ngoại Đạo nên 2 người không đồng ý. Con đi vừa vì buồn tình vừa muốn vâng lời bố mẹ mặc dù chẳng vui vẻ gì. Con ở đây đã được hơn 3 năm rồi. Mới đây con có liên lạc thân thiết với bạn con như ngày xưa con vẫn còn có tình cảm thực sự với bạn ấy. Nhưng khi con suy xét thì thấy rất bất an và như bị lôi kéo không rời khỏi nơi Tu Hội tuy nhiên con lại thấy mình không còn hợp với Ơn Gọi thánh Hiến. Con rất bối rối và băn khoăn không biết phải làm sao. Xin Cha thương trả lời giùm cho con những thắc mắc: Làm thế nào để con biết rằng con có Ơn Gọi Thánh Hiến? Có phải khi thương ai đó rồi rất khó để đi tu? con cảm ơn Cha
PTTA

 

Đáp:

Bình thường Chúa không hiện ra để tỏ rõ ý của Ngài cho ta về ơn gọi ta đang đối diện. Chúng ta phải tìm hiểu, suy nghĩ và thử luyện. Những cha linh hướng hay những người có trách nhiệm trong việc đào tạo tuyển dụng trong các hội dòng hay chủng viện thường cũng giúp chúng ta phân định xem mình có ơn gọi không. Đây phải là việc làm của nhiều người liên hệ và dĩ nhiên chính đương sự đóng một vai chủ chốt. Ta có thể căn cứ vào mấy điềm sau đây:

1/ Ý hướng muốn tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, đi tu – làm linh mục hay tu sĩ:

Trước hết phải xét đến Thiện Chí hay ý ngay lành. Muốn tận hiến cho Chúa trước tiên phải ước ao, phải muốn đi Tu. Không phải chỉ là một ước muốn mơ hồ, mà là một ý muốn cương quyết mạnh mẽ và lâu bền đầy ý thức. Ý hướng tu trì phải là ý ngay lành, siêu nhiên chứ không bị thúc đẩy bởi những động cơ vụ lợi, và không vì áp lực bởi gia đình hay những người khác.

2/ Khả năng và sự thích hợp:

Về khả năng và sự thích hợp đời sống tu trì nói chung và sự thích hợp với tổ chức mình gia nhập, ta phải xét những điểm này:

  • Có một sức khoẻ tương đối ổn định để đảm nhận sứ mạng và đòi hỏi của đời tu.

  • Có sự quân bình về tâm lý để có thể vượt qua những thách đố của đời tu, có thể hoà nhập với cuộc sống đời thường và có những mối tương giao tốt đẹp với người khác về mặt tình cảm cũng như hoạt động.

  • Có khả năng trí tuệ thích hợp để có thể đảm trách những công tác được trao phó, và có thể tự trang bị cho mình một vốn kiến thức đầy đủ phù hợp với ơn gọi.

  • Có một đời sống luân lý trong sáng và đời sống thiêng liêng tiến triển cách vững chắc. Thích cầu nguyện, sống kết hợp với Chúa, dựa trên một nhu cầu sống hơn là trên tình cảm. Tuy nhiên đây là một sự cố gắng cả một đời, không thể đòi hỏi có ngay từ đầu được. Linh mục phải sống độc thân, người tu sĩ sẽ khấn đức trinh khiết, do đó cần có sự cố gắng để chế ngự tình cảm từ ban đầu. Lỗi phạm sơ qua và đã ăn năn thống hối, không đặt thành vấn đề. Nhưng khi đã thành tập quán, sa đi ngã lại nhiều lần, không nên đi vào đời tu trì. Hay thương giúp kẻ khác là đức tính cần thiết. Người ích kỷ chỉ biết có mình thôi không đi tu được. Người tu sĩ phải biết sống chung. Ðời tu đòi hỏi đặc tính xã hội, hoà mình với kẻ khác.

3/ Sự chấp thuận của Giáo Hội qua các Bề Trên và người hữu trách

Ngoài những dấu chỉ chủ quan, còn phải được Giáo Hội, qua các bề trên hay những người hữu trách liên hệ cứu xét và thẩm định sự thích hợp, khả năng và thiện chí khách quan của ứng sinh nữa. Những người có trách nhiệm tuyển tu có thể cho ta biết ngay khi thấy những yếu tố rõ ràng không thích hợp. Còn nếu không thấy có gì ngăn trở khi mới gặp cũng còn phải trải qua một thời gian thử thách, xem xét qua các giai đoạn thử luyện trong chương trình tu huấn hay đào luyện để giúp ta nhận ra đúng hơn ơn gọi của mình.


GHI CÂU HỎI