Giải Đáp và Hướng Dẫn: 
Lm. Phi Quang


Hỏi 165

 

Thưa Cha, con có mấy vấn nạn:

1)  Tạo sao những người phạm tội lỗi rất nhiều, vui chơi hưởng lạc, tham lam, độc ác... rồi cuối đời ăn năn sám hối và được cứu rỗi.. được lên Thiên Đàng? Vậy thì họ "lời" quá rồi còn gì? Vừa được ăn chơi, giàu sang phú quý, tội lỗi chồng chất... ăn năn rồi được Chúa tha.

2)  Những người cố gắng sống tốt, sống thánh thiện... phải sống khổ, cam chịu thiệt thòi, thật thà thì thua thiệt... cũng được Chúa cho lên Thiên Đàng. Vậy Chúa có công bằng không? Xin Cha giải thích rõ để nhiều người không bị lầm tưởng mà sống như câu hỏi 1.

TRAN TRUNG HIEU

 

Đáp:

Ông Trần Trung Hiếu thân mến,

Cám ơn ông đã nêu lên một câu hỏi có thể nó đã từng lảng vảng trong đầu óc nhiều người.  Chúng ta tuyên xưng Chúa công bằng và cũng thường bị cám dỗ để nghĩ có lẽ Chúa không công bằng.  Dân Chúa thời tiên tri Edekien chắc chắn cũng đã có những thắc mắc tương tự như của chúng ta nên Chúa đã trả lời cho họ và cho chúng ta qua những lời sách Tiên Tri Edekien đoạn 18.  "Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống.[...] Nhưng nếu người công chính từ bỏ  lẽ công chính  của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm: nó làm thế mà được sống sao?  Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết.  Các ngươi lại nói ' đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.'  Vậy hãy nghe đây, hỡi nhà Israel,  phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?"

Thiên Chúa ban cho con người có tự do và Ngài xử với họ trong điều kiện đó.  Có tự do thì có trách nhiệm, nếu lỗi thì bị phạt, chừa lỗi thì được tha.  Đó là lẽ công bằng. Theo nhận xét nhân loại của ta, chúng ta thường thấy có những biến cố xảy ra trước mắt mà ta không giải thích được:  Những người công chính gặp rủi ro, những người xem ra bất lương lại gặp toàn những điều may lành.  Chúng ta còn thấy những sự trái ngược trên đời: có người được nhiều thứ: của cải, gia đình, cơ hội... có người lại toàn gặp những sự mất mát...  Quan niệm công bằng của ta là "mọi sự, mọi người, mọi vật... giống nhau", "chia đều", không có hơn kém, hay nhiều hơn ít hơn...  Nhưng chúng ta quên rằng:  Không ai, không vật gì có quyền hiện hữu.  Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền hiện hữu mà thôi.  Chúng ta hiện diện trên mặt đất này không phải do ta chọn, hay có quyền để chọn hiện hữu và hiện hữu như thế nào.  Nếu quan niệm công bằng là giống nhau thì ta phải lên tiếng bênh vực cho loài chó vì chúng không được làm người.  Hơn nữa, tất cả những sự an bài của Chúa đều có lý do mà ta không luôn luôn được biết.


GHI CÂU HỎI