Giải Đáp và Hướng Dẫn: 
Lm. Phi Quang


Hỏi 157

 

Thưa Cha, Cha có thể cho con biết ý nghĩa của việc Chầu Thánh Thể, viếng Thánh Thể và Phép lành Thánh Thể. Và con cũng xin hỏi thêm một câu nữa, tại sao trong các nghi thức Chầu Thánh Thể lại phải mặc áo alba và phép lành của Thánh Thể thì linh mục phải mặc áo choàng? Con xin cám ơn.
Lê Thị Phương Nhu
 

 

Đáp:

Ý nghĩa việc Chầu Thánh Thể, Viếng Thánh Thể, và Phép Lành Thánh Thể:

Bí Tích Thánh thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn thể đời sống Kitô giáo. "Thánh Thể là nguồn mạch và đỉnh cao của sinh hoạt Giáo Hội. Các bí tích khác cũng như tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các tác vụ tông đồ đều liên kết và quy hướng về Thánh Thể. Bởi vì Thánh Thể chứa đựng tất cả kho báu thiêng liêng của Giáo Hội, tức chính bản thân Chúa Kitô, lễ Vượt Qua của chúng ta" (GLCG 1324). Chính vì thế chúng ta được kêu mời và khuyến khích tận dụng mọi phương tiện để tận hưởng những phúc lành do Bí Tích Thánh Thể mang lại, trong đó có việc Tôn Thờ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.

Chầu Thánh Thể là một hình thức tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ được Giáo Hội nhìn nhận là việc phụng vụ tức là việc tôn thờ công cộng của Giáo Hội. "Trong Phụng vụ Thánh Lễ, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong hình bánh và hình rượu bằng nhiều cách, như bái gối hoặc cúi mình sâu để tỏ dấu tôn thờ Chúa. 'Giáo Hội Công Giáo đã và vẫn dành sự phụng tự tôn thờ cho Bí tích Thánh Thể, không những trong Thánh Lễ, nhưng còn ngoài lúc cử hành Thánh Lễ, bằng cách giữ gìn các tấm bánh đã thánh hiến cách rất cẩn trọng, và bằng cách đưa Mình Thánh cho các tín hữu tôn kính cách trọng thể, và bằng cách tổ chức rước Thánh Thể'" (GLCG 1378).

Việc Chầu Thánh Thể có ba mục đích: 1) Nhìn nhận sự hiện diện kỳ diệu của Chúa Kitô trong Bí Tích; 2) dẫn ta tiến đến sự tham dự đầy đủ hơn trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, tột đỉnh trong việc hiệp lễ; 3) nuôi dưỡng việc phụng thờ xứng hợp đối với Chúa Kitô trong tinh thần và chân lý.

Thực ra, giữa Thánh Lễ và việc Tôn Thờ hay Chầu Thánh Thể có một mối liên hệ nội tại. Thánh Lễ chính là hành vi tôn thờ lớn lao nhất. Việc tôn thờ Chúa ngoài Thánh Lễ chính là sự kéo dài và đề cao Thánh Lễ chúng ta cử hành, kéo chúng ta đi sâu vào Mầu nhiệm Vượt Qua, bày tỏ niềm tin yêu, biết ơn đối với Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Augustinô nói: "Không ai ăn Lương Thực này (Thánh Thể) nếu không tôn thờ trước" ("No one eats this food, if he has not first worshipped it" Commentary on Psalm 98:9; CCL XXXIX, 1385).

Viếng Thánh Thể chính là việc người tín hữu vào nhà thờ hay nhà nguyện nơi có nhà tạm để kính viếng tôn thờ Chúa. "Vì Chúa Kitô thực sự hiện diện trong Bí Tích của Bàn Thờ nên ta phải tôn kính Ngài bằng một phụng tự tôn thờ. 'Sự viếng Thánh Thể là một bằng chứng của lòng tri ân, một dấu hiệu của tình yêu mến và một bổn phận tôn thờ của ta đối với Đức Kitô, Chúa chúng ta'" (GLCG 1418).

Phép lành Thánh Thể: Một trong những á Bí Tích và đứng hành đầu chính là sự chúc lành. Bất cứ sự chúc lành nào cũng đều là lời ngợi khen Thiên Chúa và là lời cầu xin các hồng ân của Ngài. Trong Chúa Kitô các Kitô hữu được chúc lành bởi Thiên Chúa Cha bằng tất cả mọi thứ chúc lành thiêng liêng. Bởi vậy Giáo Hội ban phép lành bằng cách kêu cầu Danh thánh Chúa Giêsu và thường có kèm dấu Thánh Giá của Chúa Kitô. Phép Lành Thánh Thể là một nghi thức trong đó một linh mục hay phó tế ban phúc lành cho những ai hiện diện để tôn thờ Thánh Thể. Khi ban phép lành, các ngài nâng cao mặt nhật hay bình đựng Mình Thánh và vẽ hình Thánh Giá trên các tín hữu. Thường phép lành này theo sau lời cầu nguyện và trước khi đặt Thánh Thể vào lại trong Nhà Tạm.

Còn về phẩm phục thì được luật phụng vụ qui định cho mỗi cuộc cử hành theo truyền thống phụng vụ. Cũng có thể có những thích ứng theo phong tục địa phương được thẩm quyền của Giáo Hội chuẩn y. Lý do của những qui định này không luôn luôn hiển nhiên.


GHI CÂU HỎI