Giải Đáp và Hướng Dẫn: 
Lm. Phi Quang


Hỏi 123

 

Tôi là người Kitô giáo. Hiện giờ tôi muốn kết hôn với một người ngoại đạo (lương). Anh ấy không muốn theo đạo.  Anh nói rằng anh không thích. Tôi không muốn ép buộc anh phải theo đạo vì tôi nghĩ nếu anh đồng ý theo đạo để hợp thức hôn phối thôi thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Rồi sau này anh cũng chẳng đi lễ, chẳng đọc kinh...tôi cũng đề cập vấn đề con cái. Anh nói con cái thì để nó tự quyết định. Nếu nó thấy được mẹ nó là một người Công giáo tốt thì chắc chắn nó sẽ theo thôi.  Tôi nghĩ con cái là vấn đề chung của vợ chồng.  Khi quyết định thì cũng phải có sự đồng thuận của cả hai.  Tôi thấy điều anh nói cũng có lý.  Nếu kết hôn thì phải làm phép chuẩn hôn nhân khác đạo. Nhưng chuẩn hôn nhân quy định là phải bảo đảm con cái sau này được rửa tội. Cũng có tư liệu lại nói cố gắng hết sức để con cái sau này được rửa tội. Xin cho tôi lời khuyên.

Cho tôi hỏi thêm là khi cử hành hôn phối có cần sự tham dự của gia đình bên ngoại đạo không? Xin cám ơn.
Hòa Hiệp.
 

 
Đáp:

Luật của Giáo Hội Công Giáo có qui định những luật lệ với mục đích giúp cho các tín hữu giữ được đức tin, bảo vệ quyền lợi và xác định những bổn phận chính đáng của mọi giới và hướng tới luật cao nhất là “luật phần rỗi”.  Về hôn nhân, Giáo Hội qui định rằng: “Hôn phối sẽ vô hiệu giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo hay đã được nhận vào Giáo Hội công giáo và chưa công khai bỏ Giáo Hội, với một người không rửa tội” (Giáo Luật Ðiều 1086 §1). Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản Quyền sở tại có thể ban phép chuẩn cho người Công Giáo lấy người chưa rửa tội nhưng phải có điều kiện: Bên công giáo phải tuyên bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Ðức Tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội công giáo (xem Giáo Luật Ðiều 1125).

Việc tin theo Đạo Công Giáo phải là một chọn lựa tự do của đương sự.Mọi người có bổn phận phải tìm kiếm chân lý liên quan đến Thiên Chúa và Giáo Hội. Một khi đã biết được chân lý, họ có quyền lợi và bổn phận theo luật Chúa phải ôm ấp và tuân theo. Không ai được phép cưỡng bách người khác chấp nhận đức tin công giáo trái với lương tâm của họ” (Giáo Luật Ðiều 748).

Nếu được phép chuẩn khác đạo để cưới nhau, việc cử hành lễ nghi hôn phối được thực hiện theo luật phụng vụ và cũng không có luật nào bắt buộc họ hàng bên ngoại phải tham dự nghi thức hôn phối. Trong vấn đề tế nhị này, cần được suy nghĩ và bàn hỏi một cách chín chắn hơn.  Tôn giáo không phải là một sự việc phụ thuộc trong đời sống hôn nhân, trái lại, chính tôn giáo chi phối đời sống con người và do đó cũng chi phối, ảnh hưởng lớn tới hạnh phúc của hôn nhân.

GHI CÂU HỎI