Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình
Giáo Lý Cho Cuộc Hội Ngộ Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ VI
(Mexico, D.F., 16 - 18 tháng 01, 2009)
“Gia đình là thầy dạy về các giá trị nhân bản và Kitô”
Đề tài 9: Gia đình và mẫu gương
thánh gia Nadarét
1.
Các Phúc âm chuyển lại cho chúng ta Tin mừng về gia đình Nadarét
không nhiều lắm nhưng rất sáng ngời.
2. Đó là một gia
đình xây dựng trên nền tảng hôn nhân của Giuse và Maria. Họ kết
hôn với nhau thật sự, như Matthêu và Luca nói tới, và sống cuộc
sống đó cho tới khi Giuse qua đời. Đức Giêsu thực sự là con trai
của Maria. Thánh Giuse không phải là cha đẻ – vì ngài đã không
sinh ra Đức Giêsu – mà cũng không phải là cha nuôi hoặc thay thế
người cha, nhưng dân làng Nadarét xem ngài như cha của Đức Giêsu
vì họ không biết mầu nhiệm Nhập Thể và còn vì Giuse đã cưới
Maria. Sự kiện này đối với ngày hôm nay rất quan trọng xét vì
các luật dân sự cũng như văn hóa của các vùng khác nhau cổ võ
cho những cuộc sống chung không hôn nhân hay chỉ có hôn nhân dân
sự, chấp nhận ly dị,v.v…Gia đình Nadarét được mô tả cho thế hệ
ngày nay như mẫu gương của một cặp vợ chồng kết hợp bởi một
người nam và một người nữ, kết hợp với nhau mãi mãi và công
khai.
3. Gia đình
Nadarét sống giống như mọi gia đình khác trong thành, nghĩa là
sống cách đơn sơ, khiêm tốn, nghèo hèn, lao động miệt mài, yêu
mến những truyền thống văn hóa và tôn giáo của dân tộc mình, các
ngài có lòng đạo sâu xa và sống xa cách những trung tâm tôn giáo
và chính trị. Một du khách đến thăm Nadarét mà không biết những
điều chúng ta biết về các ngài sẽ không thấy gì nơi thánh gia
khác với những gia đình khác: cả trong lối sống, cũng như trong
cách ăn cách mặc, cách tham dự vào những sinh hoạt tôn giáo
trong các hội đường. Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta thấy rằng
cuộc sống hàng ngày chính là nơi Ngài chờ đợi chúng ta yêu mến
Ngài và thực hiện ý định của Ngài trên chúng ta. Bí quyết là
sống cuộc sống “ấy” với một tình yêu và sự kiên nhẫn như Thánh
gia.
4. Các sách Phúc
âm không nói rõ nghề nghiệp của thánh Giuse: là thợ rèn, thợ mộc
hay thợ thủ công… Nhưng nói rõ ngài là một người lao động và
sinh sống bằng làm việc chân tay. Đức Maria, như mọi người phụ
nữ kết hôn khác, xay bột và làm bánh ăn hàng ngày, làm việc nhà
và các việc phục vụ lặt vặt khác cho những người khác. Về Đức
Giêsu các Phúc âm không nói gì cả nhưng cho ta hiểu rằng Người
đã đỡ đần Đức Maria và về sau phụ giúp thánh Giuse trong những
việc lao động tay chân của ngài. Gia đình Nadarét đã sống điều
mà ngày nay chúng ta gọi là “Tin mừng lao động”, nghĩa là lao
động như là thực tại kỳ diệu giúp ta tham dự vào công trình sáng
tạo của Thiên Chúa; là công việc đã nuôi sống gia đình và giúp
đỡ người khác, gia đình được thánh hóa và thánh hóa nhờ nó. Đó
cũng là mẫu gương hoàn hảo cho các gia đình ngày nay. Nhiều gia
đình vẫn sống giống như thế, và những gia đình khác về cơ bản
vẫn không thay đổi, mặc dầu người phụ nữ làm việc ngoài gia đình
và những việc nhà đã được các phương tiện kĩ thuật giảm thiểu đi
nhiều.
5. Gia đình
Nadarét là một gia đình Do thái với một đức tin và thực hành tôn
giáo sâu sắc. Cũng như các gia đình đạo đức khác, gia đình
Nadarét luôn cầu nguyện vào mỗi bữa ăn, hàng tuần đi đến hội
đường nghe đọc sách và giải thích Lời Chúa trong Cựu ước, đi lên
Giêrusalem để cử hành các cuộc lễ hành hương, như Lễ Vượt Qua và
Lễ Ngũ Tuần, đọc ba lần mỗi ngày kinh tin kính Do thái nổi tiếng
“Nghe đây, hỡi Israel”.
Ngày nay cũng thế,
phép lành bàn ăn tại mỗi bữa ăn, tham dự thánh lễ Chúa nhật hàng
tuần và nghe đọc sách Thánh là những điều căn bản cho một gia
đình Kitô hữu trong việc thực hiện sứ mạng giáo dục của mình.
6. Cuộc sống gia
đình Nadarét hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa: Thiên Chúa là
tất cả cho gia đình. Thánh Giuse, mặc dầu còn đang đính hôn với
Đức Maria, đã đặt tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa khi Người
mạc khải cho ngài, nhờ sứ thần, rằng Maria mang thai là bởi phép
Đức Chúa Thánh Thần. Một khi đã kết hôn, Maria và Giuse, nghe từ
miệng con trẻ Giêsu, ngay khi tìm lại được Người sau ba ngày tìm
kiếm trong lo lắng, thốt lên những lời sau đây: “Tại sao ông bà
lại tìm tôi? Ông bà không biết tôi phải lo việc của Cha tôi
sao?” (Lc 2,49). Họ không hiểu những lời lẽ ấy, nhưng đón nhận
và tìm cách khám phá ra ý nghĩa của chúng. Đức tin của Maria
không sụp đổ khi Mẹ nhìn thấy con mình bị đóng đinh trên thập
giá như một kẻ tử tội và bị sỉ nhục bởi các vị lãnh đạo của dân
Do thái. Gia đình Kitô hữu, mà sự sống vốn như là bức tranh gồm
cả ánh sáng và bóng tối, chỉ có được bình an và niềm vui khi
biết nhìn ra Thiên Chúa trong bức tranh đó, dẫu không thể nào
hiểu được điều đó cách trọn vẹn. |