NHÌN LẠI QUÁ
TRÌNH HÌNH THÀNH NHÀ HƯU DƯỠNG |
Đinh Chí Đệ và Anh Ngô Châu Minh |
Các nhà tu đức học quả quyết: Lòng kính mến Chúa phát sinh lòng yêu mến Giáo hội. Chân lý này được thể hiện rõ ràng nơi người Anh Cả dấu yêu, vị Sáng Lập Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công, vì yêu mến Giáo hội nên anh Cả rất trọng kính các linh mục. Ngài xác tín rằng Linh mục là lớp người ưu tú, hoạt động đắc lực cho Giáo hội, hăng say mở mang và xây dựng Giáo hội ở bất cứ thời điểm nào. Anh Cả thấy các linh mục đã hiến thân trót cuộc đời phụng sự Thiên Chúa và phục vụ các linh hồn, nhưng đến khi kiệt sức, tàn hơi, không thể tiếp tục làm việc, cần phải về hưu, cần có nơi an dưỡng thì chưa có nơi nào thỏa đáng giúp đỡ các ngài. Thật ra ý tưởng này đã thôi thúc Anh Cả ngay từ những ngày Anh Cả còn đang coi xứ Liên Thuỷ (1947-1952), Anh đã ân cần đón cha già Cố Đaminh Mậu và cha già Cố Đaminh Nguyễn Đức Thạc về săn sóc. Ngoài ra trong trường hợp đặc biệt, Anh cũng được phép bề trên địa phận, đón quý cha cần tĩnh tâm một thời gian về nghỉ như cha Nghị (Bùi Chu) đã vui sống tại Liên Thủy mấy năm cho tới khi di cư vào Nam năm 1954. Dù sao, đó chỉ là giai đoạn “tiền hô”, đón rước quý cha lẻ tẻ về tạm nghỉ ở nhà xứ., chỉ khi Dòng Đồng Công định cư tại Thủ Đức thì Giáo Sĩ Dưỡng Đường mới thật sự chào đời. Chính vì thế mà Anh Cả đã thiết lập Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công với mục đích: Cung ứng cho quý cha già, sau những năm hy sinh làm việc cho Giáo hội, có nơi xứng hợp để an dưỡng, có môi trường thuận tiện để cầu nguyện, tu chỉnh bản thân ngõ hầu chuẩn bị sẵn sàng cho giờ Chúa đến. Ngay khi vừa ổn định cơ sở Dòng tại Thủ Đức, Anh Cả đã nghĩ đến việc xây dựng một nhà Hưu Dưỡng lấy tên Mẹ Thiên Chúa để đón các cha già về an dưỡng hầu dọn mình về với Chúa. Nhưng muốn là một chuyện, còn tài lực để xây cất là một chuyện khác vì mới di cư vào Nam, nguồn tài chính của Hội Dòng vẫn còn rất chật vật. Trong những việc cần thì đây là việc cần làm ngay, bởi có nhiều cha đã cao tuổi tới hỏi thăm nên Anh Cả quyết định làm tạm những điều cần và đủ dể đón những cha đang cần có chỗ nghỉ ngơi, an dưỡng. 1/ Xây Dựng Cơ Sở. Ngôi nhà đầu tiên của Giáo Sĩ Dưỡng Đường được cất tại Thủ Đức năm 1956 là một ngôi nhà gỗ 7 gian. Vị linh mục đầu tiên về đây là cha Già Cố Lương Cao Phẩm, nghĩa phụ của anh Hóa. cha Cố Phẩm tuy còn khỏe, nhưng có một tật rất khó chịu, đó là cái miệng cứ lập bập lập bập…… liền tù tì. Nguyên do bởi ngài nhổ một cái răng hàm, không biết chạm phải gân mạch, thần kinh thế nào mà môi với miệng bị rung giật liên hồi. Muốn khỏi giật thì bàn tay phải giữ lấy cằm vì miệng giật nên âm thanh phát ra cũng ngắt nhịp thành tiếng lập bập….lập bập... rất khó chịu khi giao tiếp. Nhưng lòng đạo đức của Ngài đã lấp đầy sự khó chịu. Ngài nói bởi trước đây mình nói nhiều quá nên bây giờ Chúa để cho thế này để đền tội. Khi còn trẻ, cha rất mưu mẹo lanh trí, như có một lần, ông trùm trong xứ ngài bị quan chức xã bắt tội và có bằng chứng là giấy tờ định đưa lên huyện kiện ông trùm một cách oan uổng. Ông trùm thấy nguy, liền chạy đến kêu xin cha giúp đỡ. Hỏi han đầu đuôi câu chuyện, khi biết bọn họ đang đánh chén và bàn bạc với nhau tại nhà ông Lý Trưởng. Ngài thắng ngựa tới thẳng nhà ông Lý Trưởng. Ngài vào thăm họ và hỏi có chuyện gì? Bọn xã tố cáo ông trùm và nói có giấy tờ làm bằng chứng. Ngài hỏi giấy tờ đâu? Bọn xã không ngờ ngài can thiệp nên đưa giấy tờ bằng chứng ra. Ngài cầm lấy xem và phán: Giấy tờ giả tạo, rồi ngài xé nát ra cho vào miệng, nhai ngấu nghiến nuốt luôn. Thế là bọn xã hết giấy làm bằng chứng, ngẩn tò te. Vì việc quan cứ giấy, bây giờ hết giấy rồi đâu còn chứng cớ, “khẩu thuyết vô bằng,” ai tin được đành cho chìm xuồng. Kẻ ngay được cứu thoát. Sau cha Cố Phẩm là cha Cố Lương, cha Cố Độ (dưỡng phụ đức cha Trương Cao Đại), cha Cố Khuyến, cha Già Thiệu. Đầu năm 1957, Anh Cả cho cất thêm một nhà gỗ 7 gian, 5 gian làm nhà nguyện, 2 gian làm nhà cơm cho quí cha. Thời gian này, Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công tiếp đón thêm 5 cha mới là: cha Già Cẩm, (sau xin nhập Dòng Đồng Công), cha Già Vượng, (sau xin nhập ngành Cộng Sự viên Dòng Đồng Công), cha Già Hán, cha Già Trung (mù), cha Già Vịnh. Ngoài ra số các cha tỏ ý muốn xin về ngày càng tăng thêm, hoặc một số cha xin về nghỉ dưỡng bệnh 5, 7 tháng, một vài năm. Do đó, năm 1960, Anh Cả nghĩ đến chuyện phải làm thêm nhà nhưng kiếm đâu ra tiền, đúng lúc ấy, anh Đinh Quang Trí (Đội II) đang làm Chủ Tịch Hợp Tác Xã Dệt Liên Châu, xin Anh Cả cho xây nhà đúc cho các cha vì nhà gỗ, lá rất bất tiện vì phải lợp đi lợp lại nhiều lần và không được vệ sinh. Anh Cả nói làm gì có tiền mà xây. Anh Trí xin Anh Cả cho mở xổ số vì anh Trí nắm vững các Giám Mục và các xứ đạo có thiện cảm với nhà Hưu Đồng Công nên sẽ bán dư tiền để xây hai dãy nhà trệt. Được Anh Cả đồng ý, anh Trí tiến hành ngay. Một điều thuận tiện là Hợp Tác Xã có thể cho nhà Hưu vay để xây nhà ngay. Hơn nữa, ông Chánh Năm (Đinh Văn Năm) đang thầu xây dựng căn nhà 2 lầu cho Trường Đồng Công, tiện đồ đạc sang làm cho nhà Hưu thì quá tốt. Công việc xây nhà rất thuận lợi. Xổ Số. Trước tiên, anh Trí lên xin phép Sở Tài Chính Thành Phố, họ đồng ý ngay vì xổ số để xây nhà Hưu cho các cha thì quá tốt. Sau khi in cả triệu vé, một số anh em nhà đi khắp các tỉnh để bán, giá mỗi vé có lẽ là 2 đồng. Nhà Dòng phải mua một chiếc xe hơi để chở vé số và anh em đi bán khắp nơi trong vòng mấy tháng trời. Tới ngày tổ chức xổ số, anh Trí mượn một số giáo sư đang dạy ở Trường Đồng Công : Các anh Lý, Minh, Đệ, Hiệp…và các học sinh vừa quay số vừa góp vui. Trước đó, các anh đã đến nơi chính phủ xổ số kiến thiết quốc gia ở Rạp Thống Nhất Sàigòn để học hỏi kinh nghiệm cách tổ chức. Ngày xổ số đúng vào đầu tháng Năm, lúc 2 giờ chiều tại Trụ sở Hợp Tác Xã Dệt Liên Châu, với sự có mặt của các vị ở Sở Tài Chánh Thành Phố, Huyện và có thừa phát lại làm biên bản. Có hai kiểu quay xổ số: Vòng Cầu và Hộp Số, nhưng ban tổ chức chỉ mượn được loại hộp số. Hôm đó, tổ chức xổ số và văn nghệ mất 1g30 phút. Các Giải Trúng: Giải ĐỘC ĐẮC: 1 chiếc xe hơi hiệu Simca 1000 (deluxe) giá 120.000$ - Hai Giải Nhì: 2 chiếc xe Lambretta – 3 Giải Ba: 3 chiếc xe Vespa – Các Giải Khác: Máy May, Radio.v.v…. Vì nhiều người mua để giúp công việc bác ái nên có nhiều giải trúng lớn không có người đến nhận như : Giải ĐỘC ĐẮC: xe Simca 1000, mấy máy may, xe Vespa….. Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công được xây xong vào năm 1962 gồm có hai dãy nhà gạch mái ngói, mỗi dãy có mười phòng, có một hàng hiên rộng 2 mét. Mỗi phòng rộng 24m2, phiá sau có cửa ra hiên sau để phơi đồ, mỗi phòng đều có nhà vệ sinh và phòng tắm riêng, rất tiện cho người già. Ngoài giường, tủ, bàn, ghế làm việc còn có một bộ bàn, ghế để tiếp khách. Riêng dãy nhà cơm phía dưới, được đúc một lầu, trên lầu có 3 phòng để cha nào còn khoẻ, có thể ở trên lầu cho mát mẻ. Đến năm 1968, do lớp khấn VIII phân tán nên khu đất đó được xây dựng thêm cho nhà Hưu một dãy nhà gồm 10 phòng. Dãy nhà này dành 3 phòng cho cha xứ Châu Bình và thầy xứ, một nhà Khách rộng rãi cho cha xứ hay các cha hưu, hai phòng làm nhà Vĩnh Biệt để quàng xác các cha hưu, các phòng còn lại dành cho các anh làm việc. Đầu năm 1969, lễ Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công, Đức Khâm Sứ Angelo Palmas tới thăm các cha Già và mừng bổn mạng. Ngài thấy các nhà khác tạm được nhưng nhà Nguyện thì quá đơn giản, nhỏ hẹp. Vì thế, Ngài đã can thiệp xin với Thánh Bộ Truyền Giáo ủng hộ dự án xây cất nhà Nguyện Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công . Công việc xây dựng nhà Nguyện được trao cho anh Vũ Thanh Hải (đội II), anh Hải đã nhờ kiến trúc sư vẽ mẫu, xin phép và khởi công vào năm 1970. Với số tiền 10.000 USD Thánh Bộ Truyền Giáo gởi cho, một nhà Nguyện khang trang, cao 14m, dài 32m, rộng 12m đã được hoàn thành vào tháng 6 năm 1971. Từ đây nhà Chúa đã rộng rãi khang trang, đủ để tiếp đón giáo dân trong những dịp lễ lớn hay tổ chức đám tang, vì từ trước tới nay mỗi lần các cha qua đời đều phải mượn nhà thờ Châu Bình rất bất tiện. Cũng như từ nay, các cha già có nơi rộng rãi, thoáng mát dâng Thánh lễ, chầu Thánh Thể và cầu nguyện. Những ai qua lại trên đoạn đường đó khi ngắm nhà Nguyện mới xây đều khen nhà Nguyện đẹp, trang nhã, sáng sủa, ấm cúng hợp với khung cảnh nhà Hưu Dưỡng. Từ đây Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công hân hạnh đón rước thêm quí cha về nghỉ hưu vì cơ sở có tới 30 phòng dành cho các cha Hưu. Trong số những cha về nghỉ hưu dịp này có cha Già Cố Tín là Dưỡng Phụ Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn. Số các cha về hưu tính tới đầu năm 1975 đã lên tới trên 100 cha. Và số các tu sĩ Đồng Công được chỉ định phục vụ tại Giáo Sĩ Dưỡng Đường từ đầu tới năm 1975 đã lên tới 20 thầy. 2/ Nhân Sự và Sinh Hoạt của Giáo Sĩ Dưỡng Đường. Dĩ nhiên việc đứng đầu và chịu trách nhiệm trên hết là Anh Cả. Sau đó trao lại cho các anh Giám Đốc Tu Viện Thánh Gia. Nhưng sau này, Anh Cả đặt một anh Giám Đốc điều hành trực tiếp và một số anh có tinh thần phục vụ cao để giúp đỡ các cha. Giám Đốc điều hành đầu tiên có lẽ là anh Đặng Kim Mô (đội II), rồi đến anh Phạm Đình Hướng. Anh Hướng nghỉ thì đến anh Nguyễn Đức Tuân thay thế, anh Tuân làm được 7 năm (1962-1969). Anh Tuân đi học Triết Học, trao lại cho anh Vũ Đình Hòe, anh Hòe là người làm lâu nhất(1969-1986) và anh Cả rất tín nhiệm. Thông thường anh em sống trong Dòng, nếu được bề trên thương thì thế nào cũng bị anh em ghét, còn nếu được anh em thương thì bề trên lại không thích người ấy, nhưng anh Hòe được cả hai. Anh còn được cả các cha già yêu mến và kính phục nữa, vì mang tiếng là Giám Đốc chứ anh săn sóc, lau dọn cho các cha chẳng khác gì một người tôi tớ. Anh Đinh Chí Đệ là Giám Đốc sau cùng của Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công vì anh thay anh Hòe năm 1986, đến ngày 19 tháng 5 năm 1987 thì chấm dứt vì Nhà Nước chiếm trọn nhà Hưu và dời các cha ra Nhà Cá. Chỉ có 4 cha ra Nhà Cá là cha Cẩm, cha Nhân, cha Phát và cha Vượng. Còn các cha khác đã về nhà người thân trước trong những ngày biến động. Nhưng bởi nơi ở chật chội, luôn bị Công An canh phòng ngày đêm, không khí căng thẳng nên các cha xin về nhà Hưu của giáo phận. cha Nhân về nhà Hưu Dưỡng Hà Nội (Chợ Lớn), cha Vượng về nhà Hưu Dưỡng Phát Diệm(Gò Vấp), cha Cẩm về nhà ông em ở Hàng Xanh, cha Phát được Đan Viện Thiên Phước, Long Thành rước về chăm sóc. Ôi đau thương! Ai mà không ngậm ngùi khi thấy các cha Già phải phân tán ra đi. Nhưng tất cả Quý cha đều can đảm theo gương Thầy Chí Thánh “Xin theo Ý cha , đừng theo Ý Con”(Mt 26:39). Ngoài Giám Đốc, còn có một số anh em giúp trong các ban: Ban Bếp: Anh Trần Vinh Quy là người đầu bếp lâu nhất, giúp bếp cho các cha không dễ vì các cha ăn chung nhưng mỗi người vì bệnh tật hay thói quen kiêng món này không ăn được món nọ nên phải làm món riêng, tất cả làm sao cho vừa khẩu vị và bảo đảm sức khỏe cho các ngài. Ngày mừng Ngân Khánh 25 năm lập nhà Hưu, anh Trần Đức Văn cũng mừng “25 năm giã cua rốc,” anh chuyên môn giã cua rốc để nấu canh cho các cha. Anh vẫn tiếp tục phục vụ cho đến ngày Nhà Hưu giải tán. Y Tế: Vì người già hay đau bệnh nên phải có một anh y tế túc trực để chăm sóc, cho thuốc, cũng như liên lạc kiếm Bác sĩ chuyên khoa vào khám bệnh cho các ngài. Nhiều vị không uống được thuốc Tây, phải uống thuốc Nam hay thuốc Bắc. Có anh Hoàng Lương quen thuốc Bắc, thuốc Nam nên thường xem mạch và chuyên bốc thuốc, sắc thuốc cho các cha. Cung Thánh: Mấy anh ở nhà Mẹ hoặc khu Thánh Gia sang giúp dọn lễ, giặt đồ lễ, giúp lễ. …..Các anh này đi về chứ không ở tại nhà Hưu. Anh Giám Đốc phải luôn có mặt hoặc phải cắt một anh em khác trực để lỡ có việc gì cần hay các cha có nhờ chuyện gì thì phải đáp ứng ngay. Còn các anh khác thì tùy theo công việc và theo chương trình của tu viện Thánh Gia. Chương Trình của Nhà Hưu. Chương trình của các cha Hưu cố định không thay đổi vì đối với người già mà thay đổi nhiều thì các ngài dễ bị xáo trộn, và không dễ thích ứng được. Vì thế chương trình qua bao năm vẫn không thay đổi; 4g Báo thức 4g30 Dâng lễ - Sau Công Đồng Vatican II, được phép đồng tế nên việc dọn lễ và giúp lễ đỡ vất vả hơn nhiều. Một cha nào khỏe chủ tế, còn các cha khác ngồi hai bên đồng tế. Sách Lễ in chữ lớn để các ngài dễ đọc. 6g Điểm tâm 11g Bữa trưa 14g Báo thức 14g15 Nghe sách thiêng liêng - Chầu Thánh Thể tư độ 25 phút. Các giờ khác thong dong, ai muốn làm gì tùy ý. Các cha Hưu cũng thường giúp giải tội cho giáo dân tới xưng tội, nhất là vào các dịp lễ lớn như Phục Sinh, Giáng Sinh..v.v …Nhiều giáo hữu tới xin xưng tội bất thường, các ngài cũng chịu khó ngồi tòa, đặc biệt là cha Cố Vượng, muốn xưng lúc nào cũng được. Các cha cũng thường được các cha xứ chung quanh nhà Hưu mời đi dâng Lễ hay giải tội. Có khi các cha được mời giảng tuần Đại Phúc nếu có khả năng. Cũng có cha xin về nhà Hưu, giữ chỗ rồi chạy đi khắp nơi mà không ở nhà thì Anh Cả không để yên bởi vì Anh Cả nói; Mình lập Nhà Hưu là để giúp các cha già yếu về an dưỡng, tĩnh tu sau nhiều năm hoạt động cho Giáo hội, để nay dọn mình về Nhà cha trên trời. Nên Ngài mời các cha đó cứ đi hoạt động, khi nào không thể làm việc được nữa thì hãy về đây để hưu. Sau này bên Tỉnh Dòng Hoa Kỳ có gởi bổng lễ về, Anh Cả cũng chia sẻ Lễ cho các cha làm để các cha có tiền tiêu vặt hay làm gì tuỳ ý. Từ năm 1975 đến năm 1987 vì là thời Xã Hội Chủ Nghĩa, việc tạm trú khó khăn nên không mấy cha xin về Nhà Hưu nữa. Cho tới năm 1987 chỉ có 10 cha: cha Phú, cha Phát, cha Nhân, cha Thịnh, cha Vượng, cha Cần, cha Phước, cha Cẩm, cha Hiển, cha Nguyện. Tất cả sinh hoạt vẫn âm thầm diễn ra trong khuôn viên khu Hưu Dưỡng. Các tu sĩ ở tu viện Thánh Gia và các cha Hưu có chung một hộ là 34/2 ấp Phú Châu, xã Tam Bình, huyện Thủ Đức…… gồm có tất cả 24 người. Vì là người già về Hưu nên được mua gạo và nhu yếu phẩm đặc biệt nhưng bởi vì là Xã Hội Chủ Nghĩa viết tắt là XHCN mà dân chúng đọc là “xếp hàng cả ngày”. Muốn mua đồ nhu yếu phẩm hay gạo thì cứ phải XHCN, đến lượt thì mua. Nhưng các thầy xếp hàng thì bà con cũng nể và nhường cho được ưu tiên mua trước. Gạo mua về phải nhờ mấy bà Veronica sàng sảy sạn thóc, giã lại mới ăn được. Còn nhu yếu phẩm thì đủ loại, đồ gì dùng được thì để lại dùng còn bao nhiêu đem bán. Ngày 15-5-1987 Lễ thánh Giuse Quản Gia, Công An quận Thủ Đức vào Nhà Mẹ bắt gặp hai lớp Tận Hiến, họ bắt và lập biên bản. Đồng thời sang tu viện Thánh Gia và Nhà Hưu các cha, có ai lạ đến thăm thì bắt làm biên bản hết. Lúc đó nhà Hưu đang có mấy khách của các cha, anh Đàm và hai cha ở giáo phận Long Xuyên lên tĩnh tâm, hai cha nhanh chân chạy trốn được còn tất cả khách đều bắt làm tờ Tự Kiểm Điểm. Tới 10 giờ sáng thì Công An rút lui, giải tán những người bị giữ và nói sẽ làm việc sau. Lý do là Công An Huyện đến khám xét, gặp Anh Cả hỏi không có giấy của Công An Thành Phố nên Anh Cả chuyển bại thành thắng. Anh Cả làm cho một trận khiến các chú bẽ mặt và xin lỗi rồi rút lui. Tưởng là êm chuyện, sáng sớm hôm sau Công An gởi giấy mời Anh Cả và anh Thần ra làm việc tại Đồn Công An huyện Thủ Đức ……Anh Đệ chở anh Thần ra huyện và 12 giờ trở về nhà Hưu Dưỡng thì Công An vào nhà Hưu khám xét. Công an đi lục soát khắp nơi, nhất là các tủ sách……rồi tình hình trở nên lộn xộn…dân chúng vào chuyển đồ, hôi của, phá nhà khu Kitô Vương, chuyển đồ Nhà Mẹ ra nhà dân chúng. Khu Nhà Hưu các cha không chuyển gì hết vì anh em trẻ đã chạy đi hết, hơn nữa, mọi người nghĩ là Nhà Hưu sẽ ở ngoài vòng kiểm soát của Công an nên chắc không hề hấn gì. Đêm 20-5-1987, sau phát súng lệnh lúc 0 giờ, tất cả các khu Nhà Dòng, nhà Hưu, tu viện Thánh Gia tràn ngập Công an, chó săn, xe cộ áp đảo nhà Dòng. Công an bắt hết mọi người trong nhà Mẹ, bắt một số anh trong tu viện Thánh Gia đã bị ghi vào sổ bìa đen một số thầy, cha bị Công an mời đi còn bao nhiêu tu sĩ dồn ra nhà khách Hưu Dưỡng kể cả các cha già hưu…….3 giờ sáng, tất cả những người bị bắt được đưa lên xe bít bùng chở đi, còn những ai còn lại xếp hàng một đi ra Khu Ao Cá, mỗi người xách theo một bọc đồ chứa đồ dùng cá nhân, có Công an đi kèm như những tên tội phạm bị áp giải. Đây là lần ra đi không bao giờ trở lại nữa nhưng vì Công an nói chỉ ra tạm Ao Cá mấy bữa nên không ai mang nhiều đồ nhưng có bao giờ được trở lại phòng của mình nữa đâu. Vì thiếu thốn những đồ cần dùng, anh Đệ phải xin Công an về lấy những đồ cần cho các cha hưu được 3 lần. Vì Nhà Cá rất chật hẹp, lại bị Công An canh phòng ngày đêm, phải ở tập thể, không có phòng riêng, mỗi người chỉ có một cái giường, một cái bàn nên các cha dần dần xin về các Nhà Hưu Giáo Phận. Nhà Hưu Mẹ Thiên Chúa Đồng Công chấm dứt sau 31 năm phục vụ các cha. Trong biến cố năm 1987, tất cả đất đai (khoảng 40 acre) và các cơ sở của Dòng (khu Kitô Vương, tu viện Nhà Mẹ, tu viện Thánh Gia, Nhà Hưu Dưỡng, Trường học, Sân banh) bị Nhà nước tịch thu chỉ trừ có khu Nhà Cá với diện tích 1, 4 hecta (khoảng gần 4 acre) mà hầu hết là hồ cá, họ để cho các thầy già không còn thân nhân, nhà cửa để về thì ở đó. Từ năm 1993, Anh Cả đi tù về quy tụ anh em đang tản mác khắp nơi lại nên phải lấp các hồ cá để lấy đất làm nhà vì số tu sĩ lên đến mấy trăm người. Dù đất chật người đông như thế nhưng ước vọng mở lại Giáo Sĩ Dưỡng Đường vẫn nằm trong tâm tư những người kế tục Anh Cả vì có nhiều cha vẫn ngỏ ý xin về nghỉ hưu tại Đồng Công. Trong khoảng thời gian từ 2000 đến năm 2008 có Đức cha Phó Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp xin về hưu tại Dòng, đây là trường hợp đặc biệt. Việc đức cha nhất định xin về hưu tại Dòng vì Ngài là con thiêng liêng của đức cha Ngô Đình Thục, Ngài rất mang ơn Dòng Đồng Công đã cưu mang và lo lắng cho Bố Thiêng Liêng của mình trong giai đoạn cuối đời. Ngài cũng in câu nói của đức cha Ngô Đình Thục trả lời cho Cảnh Sát và treo trên tường của phòng mình: “Tôi muốn ở đây” để trả lời cho những người muốn Ngài về hưu tại Nhà Hưu của Giáo Phận Vĩnh Long. Ngài qua đời năm 2008 và Giáo Phận Vĩnh Long đã rước xác Ngài về Giáo Phận để làm lễ an táng và chôn cất Ngài tại Vĩnh Long. Năm 2008, Anh Xuân trong chức vụ Tổng Phục Vụ là người kế tục Anh Cả đã thành lập lại Giáo Sĩ Dưỡng Đường và từ đó đến nay đã có 7 cha về đây và 3 cha đã nhận phòng nhưng chưa về ở hẳn: Trong số này có 3 cha đã về với Chúa là cha Hilariô Nguyễn Công Minh, cha Giuse Trịnh Hưng Kỷ và cha Antôn Hoàng Minh Thư. cha Đinh Bình Định, cha Nguyễn văn Nhuận, cha Đinh Trung Thành, cha Nguyễn Ngọc Long, cha Phạm An Lập, cha Phạm Trung Kiên, cha Tuấn Hiện nay có 4 cha : cha Giuse Đinh Bình Định, cha Giuse Đinh Thanh Tâm, cha Antôn Phạm Đình Bảo và cha Antôn Khổng Tiên Giác (nay đã về Kim Thượng, Đồng Nai). Người trực tiếp điều hành Giáo Sĩ Dưỡng Đường hiện nay là anh Vinh Sơn Phaolo M. Mai Hữu Tường,(2008-2018) tiếp đến là Anh Philipphe M. Nguyễn Hiệp Phùng (2018-2023) hiện nay là Anh Anton Claret M. Nguyễn Ngọc Lâm (2023-) ngoài ra còn một số anh khác phụ anh trong việc chăm sóc các cha.
3/ Giáo Sĩ Dưỡng Đường Tại USA Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công Thủ Đức như hạt lúa mì bị nhận chìm trong thử thách, đau thương chờ ngày bùng dậy trong sức sống mới dồi dào. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn có những cách thế diệu kỳ để thể hiện Tôn Ý: Người quan phòng cho nhóm Anh Em Đồng Công Hải Ngoại có cơ hội nối tiếp công việc cao cả của Vị Sáng Lập. Qua những tháng di tản trôi dạt, tình thương Hiền Mẫu Maria đã âu yếm qui tụ Đoàn Con Nhỏ về tổ ấm Carthage, Missouri. Và sau khi tạm ổn định nếp sống, anh em đã hân hoan đón rước quý cha Già về an dưỡng mặc dù chưa có nhà riêng cho quý cha. Tháng 7 năm 1976, theo gợi ý của Tòa Khâm Sứ và đức cha Giáo Phận, Dòng đứng ra bảo trợ cha Già Gioan Nguyễn Hữu (gốc địa phận Vinh) đang ở Bangkok, Thái Lan về nghỉ hưu. Tiếc thay, cha Già chỉ ở Carthage được hơn một tuần lễ, thì con cháu đến thăm và đem cha Già đi luôn. Tháng 8 năm 1977, Dòng đón cha Già Cố Phêrô Trần Điển; ít lâu sau đón cha Già Cố Giuse Phạm Tuấn Trang. Thời gian này, quý cha còn phải tạm nghỉ tại mấy phòng nhà chính ngay cửa ra vào phía Bắc. Mãi đến năm 1981, khi mua hẳn khu nhà Carthage, thì quý cha mới dọn sang lầu trên nhà Khách, được sửa chữa và trang bị cách bình dân thôi. Dầu vậy, chính tại ngôi nhà gỗ cũ kỹ này, mà trong mấy năm liên tiếp đã được phước đón rước hai đức cha khả kính: Phêrô Ngô Đình Thục và Giacôbê Huỳnh Văn Của. đức cha Huỳnh Văn Của ở nhà Hưu được khoảng 3 năm sau đó thân nhân của đức cha rước Ngài về phụng dưỡng. Chính ở nơi đây mà ĐGM Ngô Đình Thục đã được ĐGH tha vạ và Ngài đã an nghỉ trong Chúa bình an. Sau đó, có hai cha Cựu Viện Trưởng Phanxicô Xavie Lê Văn Lý và Phaolô Cao Văn Luận, rồi cha Già Cố Augustinô Phạm Văn Nguyện, cha Giuse Đoàn Huy Chương (nghỉ tạm). Dù sao kéo dài tình trạng “nhà Khách cũ, vá víu” này mãi cũng không ổn, nên phải nghĩ tới việc xây cất Giáo Sĩ Dưỡng Đường. Nhờ cuộc Xổ Số xây cất Giáo Sĩ Dưỡng Đường năm 1987, xây được một nhà 4 phòng ở tiện nghi, với một gian nhỏ làm nhà nguyện trên khu đất phía đường Highland. Một số cha dọn ra nhà mới, một số ở lại nhà Khách cũ. Nhưng vì chưa có phòng ăn nên hằng ngày quý cha cứ phải về nhà khách dùng bữa. Đi lại nhiều đối với quý cha Già là cả một vấn đề, những ngày nắng ấm đã vậy, nhưng khi gặp mùa mưa, tuyết thì không những là tội nghiệp, mà còn nguy hiểm nữa. Dù vậy, với lòng quảng đại , quý cha Già vẫn vui vẻ, thông cảm với hoàn cảnh kinh tế chật vật của nhà Dòng. Do đó, một lần nữa, phải xoay cách làm nhà khá hơn để phụng dưỡng quý cha Già hưu, đồng thời đáp ứng nhu cầu các đoàn thể, các gia đình thường xin đến nhà Dòng tĩnh tâm. Cuối năm 1990, phát động chiến dịch kêu gọi các nơi ủng hộ quỹ xây cất Giáo Sĩ Dưỡng Đường và Hội Trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngày Thánh Mẫu năm 1992, đức cha John Leibrecht, Giám Mục Springfield-Cap Girardeau long trọng đặt viên đá đầu tiên cho ngôi nhà Giáo Sĩ Dưỡng Đường. Sau đó phát hành Xổ Số xây cất Giáo Sĩ Dưỡng Đường và kết quả được công bố vào Ngày Thánh Mẫu 1993. Giáo Sĩ Dưỡng Đường được khởi công xây cất với kỹ thuật tối tân của hai hãng R.E Smith Construction Co.; và Prestressed Casting Co., theo mẫu và kế hoạch giám sát của Kiến Trúc Sư chính, Mr John Desmond và Associate, Mr Lợi Văn Đặng, cùng với sự hợp tác của hai Kiến Trúc Sư phụ, Mr Wayne Johnson và Mr. Bob Smith. Vào trung tuần tháng Mân Côi Đức Mẹ 1993, nhờ hồng ân Thiên Chúa và Mẹ Maria, sau những tháng xây cất, ngôi nhà lầu khang trang đã hoàn thành . Nhà mới mang tên MATER DEI - Mẹ Thiên Chúa, là Bổn Mạng Giáo Sĩ Dưỡng Đường từ ngày thành lập. Tính tổng quát, ngôi nhà 2 lầu này rộng 26,000 feet vuông. Lầu I gồm: 17 phòng cho quý cha, 1 văn phòng, 1 phòng Khách , 1 phòng cho người phục vụ, nhà Nguyện, nhà Cơm, nhà Bếp, nhà Giặt, thang máy, phòng giải trí, hồ nước. Lầu II có 19 phòng, nhà cơm , nhà bếp, nhà giặt, phòng giải trí. Được biết, kinh phí xây cất nôi nhà Hưu Dưỡng này là một triệu chín trăm bảy mươi lăm ngàn ba trăm ba mươi bảy Mỹ kim bảy mươi chín cent. (1.975.337.79 ). Trong số này, một triệu hai trăm bốn mươi chin ngàn tám trăm bảy mươi tám mỹ kim năm mươi mốt cent (1.249.878.51) đến từ các vị ân nhân hảo tâm khắp nơi. Khấu trừ số tiền trên đây, con số thiếu hụt còn trên bảy trăm ngàn Mỹ Kim (700.000 USD). Tuy nhiên, số thiếu hụt này đã được các vị hảo tâm giúp bằng cách cho mượn nhưng không lấy lời. Nhờ vào những nghĩa cử cao đẹp và rộng lượng đó, ngôi nhà đã được thanh toán hết mọi chi phí cho hãng thầu xây cất. Chính nhờ sự đóng góp rộng tay của mọi người, số tiền nợ đã được trang trải rất sớm và nhờ đó phần thứ hai của chương trình là xây cất Hội Trường Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chóng được khởi sự. Nhà Hưu Dưỡng đã được hoàn thành. Đó là do tình thương của Chúa và Đức Mẹ. Đó cũng là hoa trái lòng quảng đại của nhiều người chung góp do Đức Tin truyền thống của tín hữu Việt Nam được thể hiện qua lòng biết ơn, quý mến các Linh Mục đã hy sinh xây đắp Giáo hội Chúa. Điều Hành và Sinh Hoạt: Phụ tá I là người đứng đầu Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công nhưng bao giờ cũng phải có một anh trực tiếp điều hành và có một vài anh phụ giúp. Như thế từ năm 1977 cho đến nay đã có rất nhiều anh đã từng giúp nhà Hưu Dưỡng mà nay đã chết hay không còn tu nữa. Số các ĐGM và các cha về hưu tại Giáo Sĩ Dưỡng Đường Đồng Công từ đầu đến giờ đã lên tới 30 cha. Hiện nay Anh Liêm là người trực tiếp điều hành Nhà Hưu và anh Bân là người phụ giúp anh trong việc săn sóc các cha Cố. Nhà Hưu MATER DEI hiện nay có 7 cha Việt: cha Thục, cha Liên, cha Kỷ, cha Hoạt, cha Ái, cha Công, cha Anh và một cha Mỹ: cha Larry. Chương Trình: 6g: thức dậy: Ngày Chúa Nhật, lễ Trọng thì 6g30. 7g: Thánh lễ: Các cha làm chung với nhau, cha Mỹ làm riêng vào lúc 9 giờ. 8g: ăn sáng; 12g: ăn trưa 2g: Viếng Chúa 6g30: Cơm Chiều Các giờ khác: Thong dong. Có thể nói việc mở Nhà Hưu cho các cha già của Dòng Đồng Công là một bước tiên phong mà trước đó chưa có giáo phận nào quan tâm đầy đủ. Đây là một di sản của Đấng Sáng Lập để lại mà những người kế tiếp tục cố gắng duy trì và phát triển mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn về nhân sự như tại Mỹ hiện nay. Ở Việt Nam khi nói đến Hưu Dưỡng thì các giáo phận đều muốn các thầy Đồng Công đến giúp Hưu Dưỡng trong giáo phận của mình, nhưng tất cả những tiếng tốt đã tạo dựng được từ xưa đến nay là do các đấng tổ phụ rất nhân đức đã hy sinh lâu năm mới có được. Mỗi người chúng ta trong cộng đồng Dòng được mời gọi xây đắp cho di sản mà Đấng Sáng Lập để lại ngày càng thêm phong phú và thánh thiện vì tất cả đều để vinh danh Chúa.
(Viết theo tài liệu của Anh Đinh Chí Đệ và Anh Ngô Châu Minh)
|